Ám ảnh “thương cho roi cho vọt”
Kim Anh, bạn thân của con gái tôi, học hành không phải xuất sắc nhưng sự trải nghiệm cuộc sống và kỹ năng mềm không thiếu. Vậy mà, có những lúc, Kim Anh có ý định không muốn tồn tại trên thế gian này nữa.
- Phát hiện giúp việc cầm roi mắng con trai, mẹ không quở trách còn tấm tắc khen ngợi vì 1 lý do
- 3 hành vi “báo động đỏ” ở con cái, có thể sử dụng đòn roi nghiêm khắc dạy dỗ ngay từ nhỏ
- Cách dạy con ngoan ngoãn, nghe lời không cần đòn roi, mắng mỏ
Dù mới tốt nghiệp đại học được một, hai năm nhưng Kim Anh đã có một công việc ổn định, có triển vọng thăng tiến và mức lương mà những người thuộc thế hệ 7X chúng tôi trong cuộc đời công chức của mình chưa bao giờ chạm tới. Vậy mà, có những lúc, Kim Anh có ý định không muốn tồn tại trên thế gian này nữa. Nguyên nhân là mẹ Kim Anh luôn coi con gái mình như một “sinh vật lạ” trong nhà. Bà luôn rầy la mỗi khi giáp mặt con gái. Trong một lần họp phụ huynh năm học cuối bậc THPT, tôi vô tình nhận ra sự khác thường trong mối quan hệ của Kim Anh và mẹ.
Khi tiếp xúc với cô giáo và các phụ huynh khác, mẹ của Kim Anh luôn tỏ rõ sự phấn khởi. Bà luôn tươi cười, kể như chưa bao giờ được kể về cô con gái “rượu” của mình. Bà kể về thái độ, tính cách, cách ứng xử khéo léo, tấm lòng hiếu thảo của con gái.
Ảnh minh họa: freepik.com
Thế nhưng, khi vừa ra khỏi phòng họp, khi chỉ có 2 mẹ con, tôi thấy bà lại chỉ trích Kim Anh một cách gay gắt. Nghĩ là do sơ suất nào đó mà Kim Anh bị mẹ mắng, tôi chỉ dự định kể qua với con gái tôi. Nhưng không ngờ, con gái tôi tiết lộ một sự thật mà tôi chưa bao giờ hình dung được.
Con gái tôi kể, không chỉ một lần mà còn rất nhiều lần, Kim Anh tìm đến thuốc ngủ, mong ngủ một giấc thật dài để quên hết những tổn thương mà mẹ gây ra cho mình. Bản thân Kim Anh cũng không thể hiểu nổi tại sao mẹ lại đối xử với mình như thế. Bà không chỉ mắng, chửi mà còn nguyền rủa, xúc phạm một cách vô lối với Kim Anh.
Khi còn nhỏ, mỗi sáng thức dậy, Kim Anh đã nghe mẹ mắng chửi. Cô bé chỉ nghĩ đơn giản rằng người làm mẹ thì có quyền với con mình như thế. Mỗi sáng, vì bận rộn, đúng đến giờ đi học, bà mới vào đánh thức Kim Anh dậy. Vì còn ngái ngủ, Kim Anh đang lơ mơ thì đã thấy tiếng mẹ la rầy, nào là: “Con cái nhà mất nết”, “Con mất dạy”, “Con gái gì mà ngủ trương ngủ nứt”, “Ngữ ấy mai kia chỉ đi làm… là giỏi”…
Mỗi lần Kim Anh làm trái ý bà là bà lại mắng không thương tiếc. Những lúc ấy, Kim Anh chỉ biết khóc. Nghe thấy Kim Anh khóc, bà lại mắng xối xả: “Tưởng khóc mà xong à? Yếu đuối thế thì làm sao nên người được?”…
Ảnh minh hoạ: tribune.com.pk
Cũng vì 4 chữ “làm sao nên người” của mẹ mà Kim Anh đã nỗ lực để không phải nghe những lời vô lý đó. Kim Anh lao đầu vào học, thi đỗ trường trung học phổ thông top đầu rồi bước thẳng vào Học viện Ngoại giao với số điểm cao.
Ngày báo điểm thi đại học, mẹ Kim Anh là người vui nhất. Đi đến đâu, bà cũng khoe con gái. Không những thế, bà còn lên mạng, viết dòng trạng thái thật mùi mẫn trên trang cá nhân, khoe ảnh của con, ảnh hai mẹ con, cảnh gia đình với những niềm vui bất tận.
Những tưởng khi mục tiêu của mẹ đã hoàn thành, Kim Anh sẽ được sống những ngày yên ả. Nhưng không phải như vậy.
Dường như mỗi ngày bà không “gây hấn” với Kim Anh là bà thấy thiếu một thứ gì đó. Mặc dù nhà đã có người giúp việc nhưng bà vẫn muốn Kim Anh phải tham gia làm tất cả mọi việc trong nhà. Mỗi lần bà gọi, Kim Anh bận điện thoại với khách hàng không kịp xuống, bà lại gầm lên: “Đúng là đồ vô tích sự, chẳng được việc gì”.
Nhưng nếu có ai đó, thậm chí là người yêu của Kim Anh, đến chơi, bà lại nhanh chóng đổi giọng, khen con hết lời. Nhiều lần, khi “cơn bốc hỏa” của mẹ đã chùng xuống, Kim Anh cố gặng hỏi mẹ lý do về cách cư xử bất nhất của bà, bà chỉ nói: “Thương thì cho roi cho vọt. Mắng chửi như thế còn nhẹ chán. Nếu không có mắng chửi, đâu có Kim Anh của ngày hôm nay”.
Tất nhiên, người mẹ nào chẳng thương con, tìm cách dạy dỗ, lo lắng cho tương lai của con. Thế nhưng, cách mà mẹ của Kim Anh đang làm khiến con mình dù có thể thành công trong sự nghiệp nhưng tâm lý bị tổn thương sâu sắc cũng là một điều rất đáng để suy ngẫm.