Bài thơ Bắt nạt trong SGK bị chê, tác giả lên tiếng

12 mins read
Bài thơ Bắt nạt trong SGK bị chê, tác giả lên tiếng

Bài thơ Bắt Nạt trong SGK bị chê, tác giả lên tiếng: Thứ tôi nhìn thấy ở tương lai là sự kính trọng của làng văn thế giới

HIỂU ĐAN, Theo Phụ nữ mới 17:28 10/10/2023

Bài thơ trong sách giáo khoa lớp 6 một lần nữa trở thành tâm điểm tranh cãi giữa cư dân mạng và tác giả.

  • Nhờ ChatGPT trổ tài phân tích bài thơ Sóng và loạt tác phẩm văn học đình đám: Liệu đã đủ tầm để thay thế giáo viên?
  • Video phân tích bài thơ Sóng bỗng hot trở lại, nghe câu chốt của học trò học kém nhưng “văn vở” khiến cô giáo cũng phải “cạn lời”
  • Hoang mang với “phiên bản mới” của bài thơ Thương ông trong sách Tiếng Việt lớp 2: Vần điệu trúc trắc, khó nhớ, nội dung xa lạ?

Bài thơ Bắt Nạt trong SGK tiếng Việt lớp 6, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh mới đây đang gây tranh cãi gay gắt. Nội dung bài thơ phản ánh một vấn nạn phổ biến trong học đường, đó là học sinh bắt nạt nhau. Thông qua bài thơ, tác giả muốn khuyên răn học sinh không nên ức hiếp người yếu hơn mình.

Tuy vậy, nhiều người nhận xét nội dung bài thơ quá trẻ con, không có vần điệu, chỉ cố gắng gieo vần cho có. Những câu từ như “trêu mù tạt”, “nhảy híp hóp cho hay”… bị nhận xét vô tri, so sánh khập khiễng, không có giá trị về ý nghĩa.

Bài thơ Bắt Nạt trong SGK bị chê, tác giả lên tiếng: Thứ tôi nhìn thấy ở tương lai là sự kính trọng của làng văn thế giới - Ảnh 1.

Bài thơ Bắt Nạt

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên bài thơ này gây sóng gió. Năm 2021, Bắt Nạt từng trở thành tâm điểm tranh cãi với những phản biện gay gắt giữa cư dân mạng và tác giả. Được biết, khi nhận về loạt ý kiến tiêu cực, nhà thơ này từng khẳng định “Nếu chứng minh Bắt Nạt là bài thơ dở, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”. Đồng thời đăng tải bài phân tích “Tại sao Bắt Nạt hay và phù hợp đưa vào SGK”.

Mới đây, khi bài thơ lại một lần nữa gây dậy sóng cộng đồng mạng, trên trang cá nhân, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng đã có những chia sẻ.

“Chặng đường bài Bắt Nạt vào SGK không ngắn hơn trí não và thẩm mỹ của nhiều người phản đối”

Tác giả này cho rằng, việc chọn bài Bắt Nạt vào SGK là một sự tiến bộ của nền giáo dục vì chọn đúng cái hay nhất, tốt nhất cho trẻ em và dám chọn cái mới có thể gây tranh cãi.

Trước quan điểm cho rằng việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ “mù tạt” hay “hip hop” là không hợp lý, bởi lẽ các em học sinh ở lứa tuổi này chưa có đủ kiến thức để hiểu được dụng ý so sánh như vậy, Hoàng Linh phản biện:

“Bạn nói trẻ em ở quê, ở miền núi không biết đến ‘hip hop’ hay ‘mù tạt’ là bạn coi thường người ta, bạn không xem Rap Việt hay kênh Nhịp sống Tây Bắc à? Và có rất nhiều thứ mới chúng ta không biết nhờ được đưa vào sách, vào bài học mà chúng ta biết thêm, đó chính là sự học, sự mở mang kiến thức. Đừng bắt người khác và sự học hỏi, phát triển của họ chỉ được sống trong giới hạn đầu mình vì vừa không thể làm được điều đó vừa biến mình thành kẻ lạc hậu, bảo thủ”.

Tác giả cũng cho biết, trước khi bài Bắt Nạt được in thì đã có những ý kiến chê bai của dư luận và của không ít giáo viên. “Nhưng những người làm sách vẫn bảo vệ quan điểm đưa bài Bắt Nạt vào SGK Ngữ văn 6 là xứng đáng và cần thiết. Họ cũng có được sự ủng hộ của không ít giáo viên và cũng đã giải trình thành công với Bộ trưởng Bộ Giáo dục trước những thông tin về dư luận. Chặng đường bài Bắt Nạt vào SGK không ngắn hơn trí não và thẩm mỹ của nhiều người phản đối đâu.

Tôi được những người làm sách tự chia sẻ những quyết tâm và khó khăn khi muốn đưa bài thơ đến cho các em học sinh. Khi tập huấn cho giáo viên toàn quốc cách dạy bài thơ, họ cũng cập nhật với tôi sự hào hứng của nhiều giáo viên sẵn sàng đưa cho học sinh một bài giảng hay, thảo luận sôi nổi. Tôi rất cảm ơn họ vì sự trân trọng tác phẩm của mình và sự tử tế, nỗ lực đưa tác phẩm hay đến với các em.

Tôi không quá bận tâm chuyện được vào SGK hay không, tôi đã từ chối vào 3 cuốn SGK khác gần như cùng thời điểm dù nếu đồng ý thì tôi đã tạo nên 1 kỷ lục, có thêm những bài duy mỹ hoàn hảo trong SGK để độc giả phải xuýt xoa và khó có người nào dám làm phiền văn chương của tôi nữa.

Thứ tôi nhìn thấy ở tương lai là sự kính trọng của làng văn thế giới với trình độ hàng đầu trong vô số tác phẩm và sự cống hiến phần lớn cuộc đời cho văn chương, nghệ thuật. Những danh vọng như vào SGK không phải là chuyện lớn mà tôi coi đó là chuyện có ích cho trẻ em, cho dân trí nước nhà nhiều hơn. Đó là lí do tôi đồng ý đưa bài Bắt Nạt vào SGK dù biết trước sẽ gặp nhiều phiền phức, nhất là từ bọn bắt nạt rất đông đảo ở đất nước này”, Hoàng Linh chia sẻ.

Một số phản biện khác của tác giả này:

– Người tử tế thì khi đọc được cách hiểu ngữ nghĩa, nghệ thuật của bài thơ mà giáo viên giỏi hướng dẫn và tác giả chia sẻ sẽ không tiếp tục lan truyền cách hiểu sai, suy diễn nông cạn do đọc hiểu kém. Bạn a dua chê bài thơ không vần hoặc vần lủng củng mà không thấy sự thật là vần mượt mà, kỹ thuật cao sờ sờ mà người biết đọc vần hay gieo vần giỏi nào cũng có thể thấy.

– Bạn chê bài thơ thô thiển, không có nghệ thuật nhưng với những ẩn dụ, ví von thú vị như “mù tạt”, “bắt nạt rất hôi”, “bắt nạt dễ lây”, những cách nói ý nhị ở những khổ cuối như nghệ thuật thuyết phục, đàm phán thì đầu óc bạn chỉ biết bám vào bề mặt, tầm chương trích cú để diễn giải sai. Bạn a dua đòi nghệ thuật nhưng không biết nghệ thuật là gì nên phủ định nó ngay trước mắt.

– Chính việc hạ thấp không đúng, quy chụp bài thơ và tác giả khiến định kiến tăng lên, sự trân trọng dành cho bài thơ, tác giả bị giảm khiến tác dụng giúp học sinh lắng nghe, suy ngẫm bị giảm theo nếu các em bị ảnh hưởng định kiến. Đó là tập hợp lại một cách sai trái để kéo những nỗ lực tiến bộ của giáo dục đi xuống.

– Nếu bạn không sớm nhận ra sự giả tạo làm việc nghĩa của mình chỉ để tấn công người khác mà lại tấn công nhầm người giỏi và tử tế hàng đầu trong nghề nghiệp văn chương, nghệ thuật, tận tâm cho sách trẻ em, cho sự tiến bộ cuộc sống, đầu óc và cách sống của bạn mới là thảm hoạ giáo dục lớn nhất cho con mình. Muốn cải thiện chất lượng giáo dục cho con mình trong chính gia đình mình thì bớt thiển cận, bẩn tính và chịu khó tiếp thu điều hay lẽ phải để mở mang, tử tế hơn khi đang có cơ hội đi.

Một người viết không đỉnh có viết được cho bạn như thế này không?

  • bài thơ Bắt Nạt
  • bắt nạt
  • sách giáo khoa
  • tranh cãi

Latest from Blog