“Nếu gia đình bạn có điều kiện hơn nhà vợ, thì vợ chồng có bao giờ xảy ra mâu thuẫn về mặt tài chính hay không?”
Đây là câu hỏi mà Phạm Danh (1992, Hải Dương) tự hỏi và cũng tự tìm cách để trả lời, khi anh và vợ cùng nằm trong hoàn cảnh đấy. Phạm Danh chia sẻ: “Gia đình mình vốn làm ăn kinh doanh về bất động sản nên thu nhập cũng như cuộc sống khá thoải mái. Nhưng nhà vợ thì lại có phần khó khăn hơn. Gia đình thuần nông nên khi kết hôn cũng gặp một số trở ngại về mặt tài chính. Thời gian đầu, mình cũng có ngỏ ý muốn phụ giúp bố mẹ vợ, nhưng làm không khéo nên dẫn đến 2 vợ chồng xảy ra chút mâu thuẫn. Cũng may thay, đến lúc cùng nhau ngồi xuống nói chuyện và tìm ra phương án giải quyết hợp lý thì mọi chuyện cũng suôn sẻ hơn!”
Biếu nhà vợ 20 triệu/tháng: Mâu thuẫn gia đình vì không môn đăng hộ đối
Tư tưởng “môn đăng hộ đối” đã có từ lâu, và nó đúng trong trường hợp đặt lên bàn cân của tài chính, giáo dục, tri thức và nhận thức. Trong đó, chuyện tài chính chiếm phần nhỏ nhưng lại có tác động rất nhiều đến những yếu tố còn lại. Ví dụ như trong trường hợp của vợ chồng Phạm Danh, chỉ vì hai nhà không có tài chính tương đương nhau nên cặp đôi này cũng vướng phải đôi ba lần xích mích về cách kiếm tiền, tiêu tiền.
Vợ chồng trẻ rất dễ gặp mâu thuẫn trong chuyện tài chính gia đình. (Ảnh minh họa Pinterest)
Phạm Danh chia sẻ: “Ban đầu khi quen nhau vợ mình khá tự ti vì hoàn cảnh gia đình của cô ấy không khá giả. Đơn cử như chuyện đi ăn, đi chơi lần nào mình cũng đòi trả nên vợ mình cứ áy náy. Hay sau này, lúc cưới nhau cũng là mình đứng ra lo liệu phần lớn để gia đình vợ đỡ vất vả. Nhưng cũng có lẽ vì cách chia sẻ của mình không tế nhị nên sau khi kết hôn tụi mình có một vài mâu thuẫn.
Sau khi kết hôn vài tháng, mình có ý muốn biếu bố mẹ vợ 20 triệu mỗi tháng để chi tiêu. Vì bố mẹ vợ cũng đã có tuổi, nên nếu có nguồn tiền cố định hàng tháng sẽ không cần vất vả nữa. Mình làm riêng 1 cuốn sổ tiết kiệm để thuận tiện hơn.
Nhưng điều này lại vô hình chung gây ra hiểu lầm. Không chỉ vợ mình càng cảm thấy chênh lệch cuộc sống quá nhiều, mà quan hệ của mình với bố mẹ vợ cũng ngày càng xa cách hơn. Gia đình vợ dần coi mình như khách, tiếp đón cũng có phần trịnh trọng chứ không còn sự thân thiết. Điều này khiến cả 2 vợ chồng phải ngồi xuống và nói chuyện với nhau.”
Cách vợ chồng trẻ giải quyết mâu thuẫn
Hiểu được vấn đề nằm ở đâu, mình và vợ cùng ngồi xuống để giải quyết. Đầu tiên, là số tiền gửi về nhà mỗi tháng. Tụi mình thống nhất không cần biếu nhà nội thường xuyên, thay vào đó là hỗ trợ nhà ngoại nhưng với yêu cầu:
Cả 2 cùng đóng góp
Tụi mình thống nhất rằng dù ít dù nhiều, ai cũng nên có phần để gửi cho bố mẹ. Vậy nên, không tính đến phần chênh lệch, tụi mình lấy phần trăm để giải quyết. Lương vợ mình hiện tại 15 triệu/tháng, còn mình thu nhập tự do nhưng cũng có thể lấy tổng thu nhập của năm để chia đều. Con số 20% thu nhập được quyết định sau khi trừ đi các chi phí khác. Khi làm thế này, vợ mình bảo cảm thấy được tôn trọng hơn.
Tìm cách chia sẻ về chuyện tài chính với đối phương. (Ảnh minh họa Pinterest)
Phân chia các khoản thu chi rõ ràng
Tiếp theo đến phần các khoản chi trong gia đình. Trước đây, mình nhất quyết không đụng vào lương của vợ mà để tiền đó cho vợ tự do tiêu xài. Mọi khoản chi trong nhà mình đều chịu trách nhiệm. Nhưng vì tính vợ mình không muốn mang tiếng là dựa dẫm hết vào chồng, nên lúc nào cũng có ý muốn san sẻ. Tụi mình quyết định vạch rõ ràng các khoản thu chi trong nhà: Việc lớn chồng lo, việc nhỏ vợ phụ.
Cứ như thế, hiện tại thì những khoản chi như nhà cửa, bảo hiểm, tiền học cho con hoặc các khoản đầu tư thì mình chịu trách nhiệm. Vợ mình lo tiền cơm nước và đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Thêm tiền cho đồ trang trí nhà cửa nữa.
Qua khoảng gần 3 năm kết hôn, mình nhận ra một điều rằng dù tài chính cá nhân có vững chắc cũng không nên ôm đồm hết vào một người. Vì như thế sẽ khiến đối phương (vợ/chồng) cảm thấy không được tôn trọng và có giá trị trong mối quan hệ đó. Bây giờ thì tụi mình học được cách san sẻ tất cả mọi thứ, đặc biệt là chuyện tiền nong!