Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ

10 mins read
Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ

Dưới chân núi Con Voi , từ bao đời nay, bà con người dân tộc Tày ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vẫn sống yên bình, hạnh phúc. Thế nhưng, trận lũ kinh hoàng ngày 10/9 vừa qua đã gây tang thương cực độ. Nhận hung tin, 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn Bộ binh 316, Quân khu 2) cơ động ngay trong đêm để phối hợp với các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Căng sức tìm kiếm các nạn nhân

Chúng tôi đến Làng Nủ một ngày sau sự cố kinh hoàng. Trên con đường độc đạo mới được Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lào Cai khai thông do có hàng chục điểm bị sạt lở nham nhở dọc hai bên, khiến cánh lái xe quân sự lão luyện cũng phải căng mình quan sát, sẵn sàng xử lý các tình huống.

Vừa đến hiện trường, dù trời đã tối, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, đã lội bùn, tay dùng đèn pin soi, khảo sát thực địa, nắm tình hình địa bàn, nghe địa phương thông báo sơ bộ thiệt hại…

Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ- Ảnh 1.

Chiến sĩ Trung đoàn 98 lội bùn đất kiếm tìm những người dân mất tích ở thôn Làng Nủ trong nhiều ngày qua. Ảnh: Việt Trung

Không khí tang thương, não nề bao trùm Làng Nủ. Khắp thôn đâu đâu cũng vang tiếng gào khóc xé lòng tìm gọi người thân. Nơi người dân Làng Nủ ở trước đây, giờ chỉ còn là bãi bùn đất lổng chổng cây que, đất đá kèm mùi xú uế của gia súc, gia cầm chết. Ngay sàn bê tông bên ngoài nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, hàng chục chiếc quan tài mới được xếp ngay ngắn và cứ vơi dần mỗi ngày khi những thi thể người dân được tìm thấy…

Nhìn anh Sầm Văn Bóng bơ phờ, mệt mỏi sau gần hai ngày sống trong cảnh tang tóc đau thương, khiến ai nấy đều chạnh lòng. Trận lũ kinh hoàng sáng hôm ấy không những cuốn đi toàn bộ nhà cửa, tài sản mà còn cướp đi người vợ và 4 đứa con của anh.

Sau cùng, bộ đội đã tìm thấy toàn bộ thi thể người thân để anh Bóng và gia đình lo hậu sự chu toàn. Trước cảnh tượng này, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải và những cán bộ trong Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 2 đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng đều nhạt nhòa nước mắt.

Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ- Ảnh 2.

Hiểm nguy luôn thường trực dưới lớp bùn đất nhão bởi những vật sắc nhọn có thể đâm vào da thịt bất cứ lúc nào, nhưng người lính Trung đoàn 98 quyết không bỏ cuộc bởi cứu giúp đồng bào trong nguy nan là “mệnh lệnh từ trái tim”. Ảnh: Việt Trung

Sáng sớm hôm sau, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, làn sương mù vẫn còn giăng kín những cành cây, ngọn cỏ khắp bìa rừng thì Thiếu tướng Khải đi một vòng thực địa, rồi hội ý nhanh chóng với cán bộ, chỉ huy các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tại đây.

Ông yêu cầu các lực lượng phải tranh thủ thời gian vào những nơi trọng điểm để tìm kiếm các nạn nhân, đặc biệt phải đề phòng nguy cơ mất an toàn vì trời vẫn mưa, không loại trừ khả năng tiếp tục có lũ quét hoặc sạt lở đất.

Thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu 2, địa phương đã lựa chọn 25 nam giới có sức khỏe tốt, thông thạo địa hình, địa vật tham gia tìm kiếm cùng lực lượng Quân đội, Công an. Do địa hình dòng lũ phức tạp, biến đổi ở nhiều địa điểm khác nhau nên mỗi tổ, mũi công tác sẽ có một người dân bản địa đi cùng. Khi tìm được thi thể các nạn nhân sẽ mời gia đình, người thân nhận dạng, lực lượng dân quân sẽ hỗ trợ gia đình an táng.

Theo Quân khu 2, tại hiện trường sạt lở đất tại Làng Nủ, sáng 18/9, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân mất tích. Thi thể còn nguyên vẹn, được xác định là nam giới và được tìm thấy tại khu vực phía thượng nguồn hiện trường, ở độ sâu khoảng 3m, nơi có nhiều tảng đá to. Cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục bàn giao cho địa phương để làm công tác hậu sự. Theo thống kê, đến nay đã tìm thấy 53 thi thể, số người xác định còn mất tích là 13 người.

Không quản hiểm nguy

Xót thương đồng bào, không nề gian khổ, cùng với các lực lượng khác, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã băng mình vào tâm lũ; chia làm nhiều tổ, mũi công tác, tranh thủ thời gian để tiến hành lùng sục, bới tìm từng lùm cây, bãi cỏ, hố bùn lầy, khe suối, với mong muốn sớm tìm được các nạn nhân xấu số để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ- Ảnh 3.

Các chiến sĩ chia làm nhiều tổ, mũi công tác, tranh thủ thời gian với mong muốn sớm tìm được các nạn nhân xấu số. Ảnh: Việt Trung

Trong điều kiện mất điện, thiếu nước sạch, sóng điện thoại di động phập phù và dưới bùn sâu là đinh sắt, mảnh thủy tinh sắc nhọn… những người lính Quân khu 2 không chùn bước, bởi đâu đó dưới lớp bùn đất là thi thể những người dân. Đã có những chiến sĩ bị thương khi dẫm phải đinh trong lúc tìm kiếm các nạn nhân, nhưng họ không nao núng tinh thần.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Binh nhì Thào Mí Lình – chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (người dân tộc Mông, quê huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) bị đinh nhọn cắm sâu vào lòng bàn chân khiến máu chảy rất nhiều. Lực lượng quân y túc trực đã phải chích rộng thêm vết thương để khử trùng, tiêm phòng uốn ván và đưa Lình về Bệnh viện Quân y điều trị. Khi được chuyển đi bệnh viện, Lình đã khóc vì anh không được ở lại cùng đồng đội giúp bà con Làng Nủ kiếm tìm người thân.

Giọng nói khản đặc sau 4 ngày trực tiếp chỉ huy bộ đội tìm kiếm nạn nhân tại Làng Nủ, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, chia sẻ, Trung đoàn đang thực hành diễn tập tại thao trường ở Tuyên Quang, nhưng khi có lệnh của thủ trưởng Sư đoàn, đơn vị điều động gấp lực lượng đi Hạ Hòa (Phú Thọ) giúp dân chống ngập úng, mới được một ngày thì lại có lệnh cơ động ngay tới Làng Nủ.

Binh nhì Trung đoàn 98 bật khóc khi phải rời Làng Nủ- Ảnh 4.

Chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) cùng các lực lượng đã căng sức tìm kiếm các nạn nhân tại thôn Làng Nủ. Ảnh: Đào Duy Tuấn

“Chúng tôi tức tốc hành quân trong đêm, đem theo nhiều vật tư, dụng cụ tìm kiếm, thuốc, bông băng quân y, lương khô. Tại thôn Làng Nủ , Trung đoàn đã cùng người dân bản địa, lực lượng dân quân, chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng tỏa đến các khu vực xung yếu, trọng điểm để tìm kiếm người bị nạn. Đơn vị chúng tôi đã tìm kiếm được nhiều nạn nhân xấu số, bàn giao cho địa phương và gia đình lo hậu sự, góp phần xoa dịu nỗi đau của bà con Làng Nủ”, Trung tá Ba rưng rưng nói.

Ông Hoàng Văn Diệp – Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên , tỉnh Lào Cai), chia sẻ: “Thấy bộ đội về giúp dân, bà con rất mừng và cảm thấy an lòng hơn. Các anh ấy đã không quản gian khổ, hiểm nguy, lao vào tâm lũ, dầm mình dưới bùn sâu tìm kiếm những người xấu số. Nhiều người đã dọn dẹp nhà cửa, thu xếp đồ đạc để mời bộ đội về ở, rồi còn lo tìm nguồn nước sạch cho bộ đội tắm giặt. Trong thời khắc đau lòng nhất, hoảng loạn nhất thì bộ đội đã đến giúp bà con dần vơi bớt đau thương, mất mát”.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog