Bố đăng ảnh phòng của cô con gái “xinh đẹp, học giỏi nhưng ở bẩn” lên MXH, xem xong nhiều người bần thần suy nghĩ
Đã có 2 luồng ý kiến về bức ảnh.
- Đi thuê trọ, cô gái “xỉu ngang” khi nhận căn phòng sang nhượng ngập trong rác, bốc mùi hôi thối: Tác phẩm của thánh ở bẩn nào đây?
- Tố nữ sinh ở bẩn khiến rác thải ngập tràn lối đi, chủ trọ bị dân tình soi ra điểm bất hợp lý
- Sinh viên ở bẩn sẽ thảm họa mức nào: Rác chặn hết lối đi, băng vệ sinh dùng xong không vứt, bốc mùi hôi thối cả nhà
Một ông bố ở Trùng Khánh (Trung Quốc) mới đây đã chụp lén căn phòng của cô con gái đang là sinh viên năm 2 và đăng lên mạng xã hội. Ngay lập tức, bức ảnh gây bão mạng, thu hút rất nhiều bình luận. Được biết, cô gái rất xinh đẹp, đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học thuộc dự án 985 (các trường đại học điểm của Trung Quốc).
Từ nhỏ, cô gái đã có năng lực học tập rất xuất sắc, thành tích luôn thuộc top đầu. Cô thông minh, sắc sảo, mỗi khi tranh biện với người khác chưa bao giờ thua cuộc. Cô gái cũng có nhiều tài lẻ như vẽ tranh, chơi cờ, từng đoạt giải thưởng viết văn,…
Tuy nhiên cô gái cũng có nhiều khuyết điểm. Theo chia sẻ của ông bố, cô gái tiêu tiền khá hoang phí, chưa bao giờ đi xe bus hay xe đạp mà luôn đi taxi. Ở nhà, cô hầu như không làm việc nhà, phòng ốc tháng này qua tháng khác không dọn dẹp. Ngoài ra, cô gái cũng ít khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình, ngoài việc thỉnh thoảng xin tiền bố mẹ thì dường như cô không quan tâm nhiều đến mọi người. Chỉ cần người nhà nói vài lời, cô liền cau có, khó chịu, thậm chí phàn nàn.
Trong bức ảnh mà bố cô gái đăng lên mạng xã hội, có thể thấy phòng riêng của cô vô cùng bừa bộn, luộm thuộm. Quần áo, đồ đạc, phấn son,… vứt bừa bãi như một đống rác.
Căn phòng bừa bộn của cô gái
Đối mặt với đứa con gái như vậy, người cha có những cảm xúc vô cùng phức tạp. Ông không biết nên tự hào hay thất vọng, cũng không rõ tương lai con mình sẽ ra sao. Ông bố còn đùa rằng, nếu ai chịu cưới con gái mình thì sẽ tặng 200.000 NDT làm của hồi môn.
Tất nhiên, đây chỉ là lời nói đùa vì cô con gái còn rất trẻ, mới chỉ là sinh viên năm 2. Tuy nhiên, qua những dòng chia sẻ, có thể thấy ông bố thực sự rất lo lắng cho con.
Bên cạnh những bình luận trêu đùa xin “ứng tuyển làm con rể” thì dư luận đã để lại 2 luồng ý kiến dưới bài đăng của ông bố này. Luồng thứ nhất cho rằng, ông bố không cần quá lo lắng. Họ tin rằng trẻ em ngày nay tuy có hơi lười làm việc nhà nhưng không có nghĩa sau này chúng sẽ không thể tự chăm sóc bản thân.
Sau khi đi làm hoặc lập gia đình riêng, chúng chắc chắn sẽ trưởng thành, nhạy cảm hơn. Bên cạnh đó, cô con gái này xinh đẹp, lại có chỉ số IQ cao nên tương lai chắc chắn không tệ. Ngoài ra, nếu tài chính tốt thì việc nhà càng không phải vấn đề, có thể thuê người giúp việc.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng: Những đứa trẻ giống như cô gái này quá lười biếng ích kỷ, khó thay đổi. Tính cách như vậy khi ra xã hội, hoặc trong chuyện tình yêu sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Sự ích kỷ có thể nhìn rõ từ việc cô gái không quan tâm đến việc nhà và các thành viên trong gia đình, chỉ mở miệng nói chuyện khi cần xin tiền và hơi chút là cau có. Một cư dân mạng thậm chí còn nói rằng, kể cả ông bố có đưa 1 triệu NDT tiền hồi môn thì họ cũng không đồng ý cho con mình lấy người như vậy.
Việc học là quan trọng nhưng cũng đừng bỏ qua những kỹ năng sống khác
Tạm bỏ qua những tranh cãi này, nói riêng về chuyện nuôi dạy con, trang Sohu của Trung Quốc nhận định: Dù thế nào đi nữa, chúng ta đều có thể thấy rằng: Giáo dục gia đình và môi trường gia đình có tác động sâu sắc đến trẻ em.
Ở một số gia đình, chỉ cần con cái học giỏi thì mọi việc khác cha mẹ đều lo toan. Con cái từ nhỏ đã được “dung túng” nên hình thành thói quen lười biếng, ích kỷ, đến khi lớn lên rất khó thay đổi.
Nhưng cũng có một số gia đình chú trọng bồi dưỡng khả năng tự lập cho con. Bên cạnh việc học tập, họ còn chú trọng dạy cho con các kỹ năng sống, đơn giản nhất như làm việc nhà để con có thể tự lo cho cuộc sống của mình, đồng thời trở thành người có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Đối với cha mẹ, tốt nhất nên lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp với con cái dựa trên hoàn cảnh gia đình, thay vì mù quáng chạy theo trào lưu, hoặc quá theo đuổi thành tích học tập mà bỏ bê các khía cạnh rèn luyện khác.
Câu chuyện của ông bố trên đã mang lại nguồn cảm hứng và lời khuyên sâu sắc cho tất cả các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội. Mặc dù kết quả học tập là một tiêu chí quan trọng nhưng việc theo đuổi quá mức kết quả học tập và bỏ bê việc phát triển các kỹ năng khác ở trẻ có thể dẫn đến việc cuộc sống của trẻ mất cân bằng.
Cha mẹ nên khuyến khích con phát triển ở các lĩnh vực khác như thể thao, nghệ thuật, kỹ năng xã hội và trải nghiệm thực tế.
Trong thế giới thực, khả năng tự chăm sóc bản thân, giao tiếp với người khác, khả năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết các vấn đề thực tế đều quan trọng như nhau và thậm chí có thể quan trọng hơn kết quả học tập thuần túy.
Cha mẹ cũng nên giáo dục con những kỹ năng sống cơ bản như tự giặt quần áo, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Đồng thời hãy giáo dục con cái có trách nhiệm với hành động của mình, học cách quan tâm đến người khác, nuôi dưỡng lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội. Giáo dục không chỉ là dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng nhân cách và giá trị của trẻ.
Có thể nói rằng, gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình cần bổ sung cho nhau, cùng nhau tạo cho trẻ em một môi trường phát triển lành mạnh và toàn diện.
Trong câu chuyện mà người bố kia chia sẻ, nhiều vấn đề giữa ông và con gái có thể do thiếu sự giao tiếp hiệu quả. Nhìn chung, cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của con và đưa ra những hướng dẫn, giúp đỡ phù hợp.
Mặc dù việc cha mẹ quan tâm, lo lắng cho con cái là điều dễ hiểu nhưng việc can thiệp, giám sát quá mức có thể khiến trẻ oán giận, phản kháng, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển tính tự lập của trẻ. Cha mẹ nên cho con sự tự do, tin tưởng phù hợp để con học được tính độc lập, tự chủ trong thực tế.
Cuối cùng, dù con cái chúng ta học giỏi hay học kém thì chúng đều xứng đáng được quan tâm, hỗ trợ và động viên. Chúng ta nên khuyến khích con theo đuổi ước mơ, khám phá tiềm năng của mình và sống một cuộc đời ý nghĩa.