Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương
Lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
- Nữ giáo viên phải giải trình, mất chức tổ trưởng sau tố cáo của phụ huynh
- Nam sinh cấp 2 viết văn kể chuyện gia đình, chỉ vài dòng mà khiến giáo viên bật khóc: Chỉ muốn ôm em vào lòng vỗ về!
- Cái khó của giáo viên khi đứa trẻ nào cũng nghĩ mình là “thẩm phán”
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo diễn ra sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Điểm nhấn lớn trong việc triển khai nghị quyết là đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu sáng nay.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đánh giá, việc quản lý giáo dục, quản trị nhà trường có những thay đổi theo hướng phân cấp quản lý, giao tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Ban hành và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời, triển khai một chương trình với nhiều sách giáo khoa. Lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn, phát hành theo hướng xã hội hóa.
Bộ GD&ĐT đã đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng viên có những chuyển biến rõ rệt hơn.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc triển khai Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế về thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Hiện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện 63 tỉnh thành còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Đặc biệt, lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29 đề ra.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu đã nêu trong nghị quyết.