Cách tắm đơn giản 10 phút mỗi ngày giúp tránh xa nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim luôn là mối đe dọa với tính mạng con người dù ở độ tuổi nào, đặc biệt là trong mùa lạnh.
- Từ nay đến Tết, thường ăn loại hạt này giúp giảm cân tự nhiên, giảm đường huyết hiệu quả: Ra chợ Việt hỏi là có ngay
- 7 loại thực phẩm giúp “thanh lọc” mạch máu, phòng đột quỵ hiệu quả: Mùa đông nên ăn thường xuyên
- Đậu phụ đừng chỉ đem sốt cà chua, làm theo 4 cách này sẽ có bài thuốc bổ sắt, chống loãng xương rất tốt
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Điều này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp gây nguy tử vong.
Theo các chuyên gia tim mạch, mùa lạnh – tức khi nhiệt độ giảm sẽ kéo theo sự gia tăng nhanh chóng các bệnh về tim mạch, đặc biệt là nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu sâu nhất về vấn đề này do Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn thực hiện, đăng tải trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy khi nhiệt độ giảm 1 độ, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 2%, giảm 10 độ nguy cơ này lên tới 20%.
Bệnh tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim dễ xảy ra hơn vào mùa lạnh (Ảnh minh họa)
Đó là lý do mà chúng ta cần chăm sóc tim mạch tốt hơn nữa, cẩn trọng với nguy cơ bệnh tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim vào mùa lạnh.
Phương pháp tắm giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Tắm rửa được xem là một trong những thời điểm dễ xảy ra các biến chứng tim mạch nhất. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thì nó cũng có thể trở thành “thời gian vàng” để chăm sóc tim mạch. Phương pháp tắm nước nóng vừa với nhiệt độ đan xen được ví như cách “tập thể dục cho tim” và được nhiều chuyên gia tim mạch khuyến nghị. Nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) cũng phát hiện những người thường xuyên đi đến phòng tắm hơi từ 4 đến 7 lần/tuần có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn khoảng 66% so với người bình thường.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần bắt đầu với nhiệt độ nước là 37 độ C – tức gần với nhiệt độ cơ thể rồi tăng dần lên 42 độ C. Sau đó, giảm dần nhiệt độ nước xuống 37 độ C và lặp lại quá trình này trong 10 phút. Nên bắt đầu từ cánh tay trái vì nó ở gần tim, có thể kích thích sự giãn nở phản xạ của các mạch máu ngoại vi và động mạch vành cục bộ, đồng thời cải thiện tuần hoàn mạch vành. Nếu vào mùa hè, bạn có thể giảm nhiệt độ nước ở điểm thấp xuống dưới 37 độ C, nhưng nhiệt độ ở điểm cao vẫn không quá 42 độ C.
Trong thời gian tắm, bạn có thể thư giãn, massage cơ thể, bao gồm cả vùng tim cũng như các mạch máu khác. Liệu pháp này nhấn mạnh vào 2 điểm: một là tắm nước nóng vừa phải tốt cho tim mạch và 2 là nhiệt độ nước đan xen giúp tim được “tập thể dục”.
Cụ thể, nhiệt độ nước thay đổi khiến quá trình bơm máu và co bóp của tim thay đổi theo. Đây là một kiểu vận động tốt cho tim nói riêng và toàn bộ tuần hoàn máu nói chung, cải thiện tính đàn hồi của mạch máu. Còn nước nóng vừa ở khoảng 40 – 42 độ C đã được chứng minh là giúp mạch máu và cơ bắp ở trạng thái thư giãn, cải thiện lưu thông máu, giảm huyết khối, ổn định huyết áp.
Năm 2020, Tạp chí Y học Tim mạch quốc tế đăng tải một nghiên cứu nổi bật về tác dụng của tắm nước nóng vừa với sức khỏe tim mạch. Cụ thể, những người tắm nước nóng vừa mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 28% và nguy cơ đột quỵ thấp hơn 28% so với những người tắm như vậy hai lần một tuần hoặc ít hơn. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Đại học Osaka ở Nhật Bản, Đại học Minia ở Ai Cập và sáu tổ chức sức khỏe khác ở Nhật Bản, đã phân tích số liệu dài 20 năm trên 30.076 người.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học Ehime (Nhật Bản) trên 873 người cũng chỉ ra điều tương tự. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ tối ưu để mang lại lợi ích sức khỏe khi tắm là 41 độ C. Tắm nước nóng ở nhiệt độ này rất có lợi cho tim, cải thiện lưu thông máu từ chân đến vùng bụng, tim, từ đó giúp giảm nguy cơ động mạch bị tắc. Nhưng thời gian tắm không nên vượt quá 12 phút, tốt nhất là 10 phút.
Tắm quá lâu hay nhiệt độ nước quá nóng hoặc quá lạnh đều rất hại cho huyết áp và tim mạch, dễ gây nhồi máu cơ tim. Ngay cả trong mùa đông, cũng không nên tắm nước quá nóng bởi sẽ gây áp lực cho tim bởi tất cả các mạch máu trên da đều giãn nở hết cỡ gây thiếu oxy cung cấp đến tim.
Một số lưu ý khác để phòng ngừa nhồi máu cơ tim vào mùa lạnh
Đương nhiên, bên cạnh tắm đúng cách thì còn rất nhiều việc chúng ta có thể làm để bảo vệ tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Đầu tiên là chú trọng giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ, mũi. Thứ hai, hãy ăn uống lành mạnh, đặc biệt là kiểm soát lượng muối, dầu mỡ, chất béo chuyển hóa, đường và tăng rau củ, trái cây. Thứ ba, hãy nghỉ ngơi hợp lý, ngủ sớm và ngủ đủ giấc, không làm việc quá sức.
Thứ tư, cố gắng giữ trạng thái tinh thần ổn định và nhớ uống đủ nước, rải rác cả ngày để hệ tim mạch hoạt động tốt hơn. Thứ năm, ngoài “tập thể dục cho tim” bằng liệu pháp tắm thì vận động toàn thân cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, cần nhớ khởi động kỹ trước khi tập luyện, bổ sung nước kịp thời, tránh thời điểm nhiệt độ quá thấp vào sáng sớm và buổi tối muộn. Tốt nhất là không nên đi tập một mình, không tập luyện sau bữa ăn và tập luyện quá sức.
Bên cạnh đó, nên cố gắng giảm thiểu chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà với ngoài trời. Ví dụ như không cởi bỏ áo khoác ngay sau khi vào nhà, không tắm nước quá nóng ngay sau khi đi ngoài trời lạnh về, không vội vã ra ngoài trời lạnh khi đang ngồi lò sưởi, không bật dậy ngay khi thức dậy buổi sáng…
Bên cạnh tắm nước nóng, việc giữ ấm và ăn uống đúng cách cũng rất quan trọng để bảo vệ tim mạch mùa lạnh (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, dù có bệnh nền tim mạch, rối loạn chuyển hóa hay không thì vẫn nên tự đo huyết áp, tự kiểm tra sức khỏe sơ bộ thường xuyên. Còn những người thuộc nhóm nguy cơ cao thì càng cần phải cảnh giác, nhờ tới sự hỗ trợ của bác sĩ thường xuyên hơn. Đặc biệt, cần cảnh giác cao độ với các dấu hiệu phổ biến của nhồi máu cơ tim như:
Cảm giác như bị đè nặng, bó chặt, đau nhói hoặc chèn ép ở ngực hoặc hai cánh tay. Cảm giác này có thể lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng.
– Khó thở.
– Ớn lạnh.
– Buồn nôn hoặc nôn mửa.
– Khó tiêu, ợ nóng hoặc đau bụng.
– Đổ mồ hôi lạnh.
– Mệt mỏi.
– Choáng váng hoặc chóng mặt đột ngột.
– Một số trường hợp còn có triệu chứng đau lưng, đau đầu hoặc đau hàm.
Nguồn và ảnh: Ifeng, Asia One, Daily Mail