Vì vậy cần dạy trẻ kỹ năng khi đi lạc để con có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống không hay xảy đến.
Nhận diện người đáng tin cậy
Chị Nguyễn Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mới đây chị và gia đình cho con gái 5 tuổi đi siêu thị. Khi bố mẹ mải mê chọn đồ dùng trong gia đình thì chỉ ít phút sau đã không thấy con đâu. Cả nhà hoảng loạn đi tìm và luôn nghĩ đến những tình huống xấu.
“Tôi dường như nghẹt thở vì 20 phút vẫn không tìm thấy cháu”, chị Hằng nhớ lại thời gian đó. Sau cùng, bảo vệ tòa nhà đã thông báo phát loa để hỗ trợ tìm kiếm và thấy bé đang khóc vì lạc bố mẹ. Từ đó, chị nghĩ rằng cần dạy cho con kỹ năng sống cần thiết để phòng tránh mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Cô Nguyễn Thu Trang, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chia sẻ, bản tính tò mò và hiếu động, trẻ rất dễ đi lạc và mất phương hướng. Nhiều trẻ có thể hoảng loạn và sợ hãi ảnh hưởng đến tâm lý. Một số bố mẹ có thể không đủ bình tĩnh để tìm ra phương án tốt nhất tại thời điểm đó. Vì thế, thời gian tìm kiếm sẽ lâu hơn. Vậy nên, không chỉ ở nhà mà cả trường học, người lớn cần dạy trẻ một số cách phòng tránh đi lạc tuỳ theo độ tuổi của con.
Trong đó, trẻ cần ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ và ít nhất một số điện thoại cố định thường gọi người thân như ông bà nội, ngoại, cô giáo… Trong trường hợp đi tới nơi đông người, với trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non, phải luôn nắm tay người lớn, không đi xa khỏi tầm mắt của cha mẹ.
Hiện, nhiều trường hợp lừa bắt cóc trẻ thường giả làm bạn của người thân trong gia đình để dụ dỗ. Do vậy, người lớn cần cho con biết những người bạn, đồng nghiệp, thậm chí có thể thường xuyên dẫn trẻ đi gặp gỡ, giao lưu cùng.
Bên cạnh đó, có những phương pháp phòng ngừa thụ động cha mẹ có thể áp dụng như dán thông tin của bố mẹ (số điện thoại, địa chỉ…) lên quần áo của trẻ mỗi khi ra ngoài. Đeo vòng tay hoặc đồng hồ định vị khi ra ngoài. Cha mẹ cũng có thể chủ động thực hành cho bé bằng cách đứng một nơi và quan sát cách xử trí của trẻ để kịp thời đưa ra những bổ trợ hữu ích cho con.
Nhiều trẻ có thể lạc đường nhưng trong một số trường hợp, trẻ bị dụ dỗ để lạc người thân. Đây là trường hợp nguy hiểm bởi người dẫn trẻ đi đã có chủ đích sẵn mà chúng ta không thể kiểm soát được. Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ nguyên tắc “nói không với người lạ”. Cần đưa ra nhiều tình huống liên quan đến các hành vi dụ dỗ trẻ con để tránh xa.
Tuy nhiên, nếu trẻ đi lạc thì phương pháp này không khả quan bởi con sẽ trốn tránh tất cả mọi người mà không có sự giúp đỡ của ai. Vì thế, phụ huynh hãy hướng dẫn cụ thể cho con việc nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nói như thế nào? Dặn con tìm đến những người mặc áo đồng phục hoặc đeo bảng tên để nhờ giúp đỡ. Đồng thời, có thể nhờ các chú công an, các địa điểm đông đúc như trường học, các cơ quan có cổng, bảng hiệu rõ ràng.
Luôn cần sự bình tĩnh
Cũng theo cô Trang, cha mẹ hãy nói với trẻ rằng chúng có thể la hét hoặc thét lên nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi. Dạy cho trẻ cách đối phó trường hợp đó là hét lên “Cứu với”, “Cháu không biết cô/chú”. Bố mẹ cần tập cho trẻ cách la hét và kháng cự mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của người xung quanh nếu thấy gần đó có người, những người xung quanh sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp. Bé hãy chạy thật nhanh đến chỗ có nhiều người lớn gần đó.
Ngoài ra, cha mẹ hãy cho con biết không cần chạy khắp nơi tìm cha mẹ khi bị lạc. Con chỉ cần đứng yên một chỗ, nhờ người lớn đáng tin cậy gọi điện thoại. Đây là những người được cha mẹ giúp trẻ nhận diện từ trước đó. Nếu trẻ ở độ tuổi lớn hơn hãy hướng dẫn trẻ tìm đến một nơi khi bị lạc mất bố mẹ. Địa điểm này phải dễ đến, dễ tìm như trạm bảo vệ, quầy hướng dẫn, quầy thu ngân siêu thị…
Cuối cùng, khi phát hiện ra bé đi lạc bố mẹ không nên hốt hoảng và mất bình tĩnh. Điều đó sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, thậm chí còn khiến cho tình huống trở nên xấu đi. Hãy tìm đến những người có trách nhiệm như quản lí quầy hàng, bảo vệ và cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé…
Trẻ bị lạc thường mang sẵn tâm lý hoang mang, sợ hãi. Mặc dù, bố mẹ có thể rất hoảng sợ nhưng khi tìm thấy con cũng đừng vội vàng trách mắng. Lúc này con cần được ôm ấp, yêu thương để trấn tĩnh lại. Khi bé đã bình tĩnh lại, hãy cho bé biết tình huống vừa rồi rất nguy hiểm, cùng nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm cho bé.
Ngoài gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng để phòng tránh trẻ bị lạc đường. Cô Trang cho biết, ở một số trường mầm non, nhà trường đã đưa nội dung này vào bài học cho trẻ. Theo đó, giáo viên thường dựng các tình huống thường gặp từ việc đi lạc, hay bị dụ dỗ tách khỏi người lớn và bắt cóc. Sau đó, trẻ sẽ tưởng tượng ra cách thu hút người khác giúp đỡ như thế nào.
“Nhiều trẻ rất nhập vai và làm đúng theo hướng dẫn của giáo viên. Các em rất thích thú và thuộc kiến thức của bài học này dù rất nhiều tình huống giả định được đưa ra. Một số giáo viên còn hướng dẫn trẻ cách nhận diện người đáng tin hoặc không đáng tin khi đi đến nơi công cộng. Những bài học này cần được bồi đắp thường xuyên để trẻ có những kỹ năng cần thiết nhất khi không may bị lạc đường”, cô Trang nhấn mạnh.
“Hãy tập cho trẻ nói không với những người lớn mà bé cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc. Dặn bé cẩn trọng với những người cứ dụ bé cho quà hay nhờ bé làm giúp cái gì đó bởi người lớn thường nhờ những người lớn khác giúp mình chứ không nhờ trẻ nhỏ. Khi gặp tình huống như vậy, hãy giữ khoảng cách với người đó đồng thời thu hút sự chú ý của những người lớn khác vào mình hoặc có thể bỏ chạy về phía đông người”, cô Trang gợi ý.