Càng áp đặt, con càng khó thành công
Theo chuyên gia, hãy là những người hướng dẫn, chỉ đường chứ đừng áp đặt khiến con cái phải tuân theo.
- Bí quyết giúp người mẹ bê gạch công trường nuôi con thành “Trạng nguyên”: Không cần áp đặt, tạo áp lực mà con vẫn “thấm”
- Xuân Bắc: Làm cha mẹ mà áp đặt tiêu cực cho con thì tôi chỉ mong có bàn tay vô hình vả vào mặt cho sưng vù
- Đề xuất bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”: Lỗi không ở chữ “lễ” mà do áp đặt và hiểu sai
Áp đặt theo ước mơ của chính cha mẹ
Anh Nguyễn Hà là trưởng khoa tại một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội nên luôn mong muốn con cái nối nghiệp mình. Khi biết cậu con cả mà anh kỳ vọng muốn theo đuổi nghệ thuật, anh đã nhiều lần ngăn cấm bằng mọi hình thức, từ nhẹ đến nặng. Do vậy, khi con vào lớp 10, anh chọn luôn trường, lớp để con theo học khối B mà không cần hỏi ý kiến hay xem xét mong muốn, lực học của con.
Học lực không quá nổi trội, lại theo đuổi ngành mà mình không thích nên sự cố gắng của con anh Hà chỉ là làm bố vui lòng.
Năm đầu tiên con trượt đại học, anh Hà động viên con ôn tập để thi tiếp theo kế hoạch mà anh đặt ra. Từ thuê gia sư kèm tại nhà đến liên tục các lớp bổ trợ, tăng tốc ôn thi đại học.
Nhưng hai năm sau đó, con trai anh vẫn trượt đại học với mức điểm ngày càng giảm. Chưa kể, con anh còn phải nhập viện vì stress lâu ngày, sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút.
Khác với anh Hà, chị Thu Hằng (Hà Nội) lại muốn con chọn ngành học trái ngược với nghề của mẹ. Con chị có năng khiếu học các môn xã hội, nhưng chị mong con chuyển sang học các môn tự nhiên để thi kinh tế, tài chính với hy vọng sau khi ra trường kiếm được nhiều tiền.
Chị là người từng học ngành xã hội, ra trường khó xin việc là đang làm công việc có mức lương thấp nên chị không muốn con theo “vết xe đổ” của mình.
Không áp đặt việc học vì hiểu lực của con đến đâu nhưng chị Nguyễn Liên (Hải Phòng) thường xuyên quản lý về mối quan hệ bạn bè của con thái quá. Con vào lớp 6 chị đã “phủ đầu” không được chơi với bạn học kém, ham chơi, bạn khác giới…
Theo chị Liên, môi trường và con người ảnh hưởng lớn tới tính cách và thói quen của trẻ. Do đó, nếu chơi với bạn học kém thì con cũng không thể học tốt hơn được. Đối với những bạn hư, con sẽ nhiễm thói hư tật xấu.
“Chọn bạn mà chơi rất quan trọng vì tuổi dậy thì, con chơi và nói chuyện với bạn bè nhiều hơn bố mẹ, thầy cô”, chị Liên nhấn mạnh.
Nghe lời mẹ, con gái chị Liên không tiếp xúc với nhiều người, luôn trong tình trạng phải xem xét, chọn lựa trước khi kết giao. Những người con thích chơi thì mẹ lại ngăn cấm, người con không thấy hợp thì mẹ cứ ép phải học cùng, chơi cùng khiến con bức bối, khó chịu… Đó là những chuyện không hiếm gặp ở các gia đình khi con ngày một trưởng thành.
Ảnh minh họa ITN.
Càng áp đặt càng khó kiểm soát
15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, đặc biệt là tâm lý học đường, ThS Khoa học giáo dục và chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, không ít cha mẹ có suy nghĩ giống các bậc phụ huynh trên. Họ áp đặt con phải chọn trường, ngành theo mong muốn của mình, không dựa trên năng lực và sở thích của con.
Nhiều cha mẹ làm công việc có địa vị xã hội, kiếm được nhiều tiền cũng mong con làm công việc đó, dù con không sở hữu năng lực giống mình. Người thì thấy công việc của mình vất vả, thu nhập thấp nên hướng con đi theo ngành nghề khác để sau này kiếm được nhiều tiền hơn.
Bên cạnh đó, cũng có cha mẹ trước đây do không đủ năng lực để thi vào trường học, ngành học mình thích, không được làm công việc mình mong muốn nên sau này muốn con thực hiện tiếp giấc mơ của mình.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho rằng, việc cha mẹ chọn ngành, chọn trường thay con sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Con học ngành cha mẹ muốn nhưng không đủ năng lực, không có sự yêu thích sẽ dễ chán nản, bỏ giữa chừng, thậm chí mất phương hướng, sa đà vào tệ nạn xã hội.
Nếu con cố gắng học để ra trường thì sau này khi làm công việc mình không đam mê và không đủ khả năng cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn, khó đạt được thành công.
Nếu con thích một ngành học nào đó, cha mẹ hãy giúp con có thêm những hình dung, hiểu biết về nghề. Ví dụ như cho con gặp gỡ những người quen làm việc trong lĩnh vực đó hoặc đưa con đi tham quan nơi làm việc thực tế của ngành nghề đó. Thông qua đây, giúp con quyết tâm hơn với sự lựa chọn ngành học của mình hoặc nhận ra những khó khăn của nghề chứ không “màu hồng” như những gì con tưởng tượng.
Chia sẻ về việc áp đặt con từ những mối quan hệ cho đến việc học tập, cô Nguyễn Thị Huyền Trang (Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội) cho rằng, những người bạn tốt là một phần quan trọng trong cuộc sống của con trẻ.
Đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, con bắt đầu xây dựng nhiều mối quan hệ bạn bè và trở nên coi trọng tình bạn. Có nhiều chuyện con sẽ chia sẻ với bạn bè mà không chia sẻ với bố mẹ. Trên lớp, con cũng đã được nghe nói về tình bạn trong sáng và những người bạn tốt, nhưng thực tế con thường chơi với bạn chỉ vì cảm thấy vui, thích chứ chưa biết cách chọn bạn mà chơi dựa trên sự đánh giá dành cho bạn.
Bố mẹ nên kể cho con nghe những câu chuyện đẹp về tình bạn, về một người bạn tốt hay giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn. Khẳng định với con rằng, bạn tốt sẽ hướng dẫn con giải bài mà con chưa hiểu, sẽ nhắc nhở con tập trung khi con lo ra, thấy con buồn sẽ hỏi han tâm sự.
Khi con đạt điểm cao sẽ chúc mừng con – chứ không phải làm bài giúp con, xui con “bùng nổ” khi không vui, hiềm khích khi con có thành tựu. Bạn tốt, nhất định sẽ không có hành vi bắt nạt hay đe dọa con…
Theo ThS Nguyễn Thị Lanh, tương lai nghề nghiệp của con được quyết định bằng mong muốn của cha mẹ sẽ khiến con không được sống cuộc đời của chính mình, mất niềm tin vào bản thân, sau này không dám tự đưa ra những quyết định trong cuộc sống.
Nhưng cha mẹ không nên mặc kệ con loay hoay trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn bạn, quyết định thay con. Điều cha mẹ cần làm là tôn trọng sở thích của con, có những tư vấn, định hướng khi cần thiết và trao cho con quyền quyết định.