Cậu bé 13 tuổi nhập viện tâm thần: Bố mẹ chính là ‘kẻ bắt nạt’ đầu tiên trong đời trẻ

7 mins read
Cậu bé 13 tuổi nhập viện tâm thần: Bố mẹ chính là ‘kẻ bắt nạt’ đầu tiên trong đời trẻ

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Lục Thanh, một cậu bé 13 tuổi, cuối cùng đã thu hết can đảm bước vào đồn cảnh sát ở quận Tân Châu, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc để báo án. Đối tượng mà em tố cáo là Trương Thuận, thầy hướng dẫn của em trong trường cai nghiện Internet.

Một năm trước, Lục Thanh được cha mẹ gửi đến một trường đào tạo đặc biệt, nơi tuyên bố sẽ chữa trị “tính ham chơi, chán học, yêu sớm và hành vi sai trái” của trẻ vị thành niên. Một thời gian dài sau khi rời ngôi trường này, Lục Thanh thường cảm thấy mình “không sống nổi”. Em thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn và ám ảnh tâm lý, luôn gặp ảo giác.

Ở tuổi 13, Lục Thanh bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, sau đó là tâm thần phân liệt.

Từ câu chuyện cậu bé 13 tuổi vào bệnh viện tâm thần: Khi bố mẹ chính là kẻ bắt nạt đầu tiên trong đời con trẻ - Ảnh 1.

Việc được gửi vào trường “chuyên trị trẻ hư” khiến Lục Thanh bị ám ảnh. Ảnh minh họa

Sau các cuộc phỏng vấn sâu của giới truyền thông, nhiều chi tiết hơn về thảm kịch này đã được tiết lộ:

Hóa ra trước khi hoàn toàn bị kéo xuống vực sâu, cậu bé Lục Thanh đã kêu cứu tới 3 lần.

Lần đầu tiên xảy ra trước khi Lục Thanh vào trường huấn luyện đặc biệt. Vào thời điểm đó, vì bị bạn bè bắt nạt, Lục Thanh trở nên chán học. Tuy nhiên, cha mẹ của Lục Thanh không bao giờ biết câu chuyện ẩn giấu đằng sau đó mà chỉ biết rằng con trai suốt ngày ôm điện thoại di động và không chịu đến trường.

Vì vậy, họ đã liên hệ với trường huấn luyện đặc biệt. Đây thực ra là ngôi trường lừa đảo đã đẩy cậu thiếu niên vào đau đớn vô hạn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Lần thứ hai xảy ra sau khi Lục Thanh bị người hướng dẫn quấy rối tình dục.

Cậu bé đã cố gắng nhờ gia đình giúp đỡ, nhưng khi bà ngoại nghe Lục Thanh kể chuyện chỉ nói 4 chữ: “Thật là ngu ngốc”, còn bố mẹ thì khuyên con nên mặc kệ.

Lần cuối cùng là sau khi Lục Thanh bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.

Trong một thời gian dài, Lục Thanh luôn có tâm trạng tủi thân và tự trách mình. Em không thích nói chuyện, không xem phim hoạt hình trước đây từng thích và mắc chứng rối loạn giấc ngủ rõ ràng.

Nhưng trước tất cả các triệu chứng và chẩn đoán của bác sĩ, cha của Lục Thanh vẫn một mực cho rằng con trai mình giả bệnh.

Trước khi rơi vào hố sâu của bệnh tâm thần phân liệt, cậu bé bất lực này đã hết lần này đến lần khác kêu gọi sự giúp đỡ theo cách riêng của mình. Nhưng cha mẹ không những không nhận lời kêu cứu của con mà còn dùng sự thờ ơ, coi thường đẩy con xuống vực sâu tuyệt vọng hơn nữa.

Câu chuyện của Lục Thanh, với những bài học tiêu cực, đã khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Đây chính là lời cảnh tỉnh lớn cho những bậc cha mẹ: Đừng là kẻ bắt nạt đầu tiên trong đời con bạn.

Khi cha mẹ mới là kẻ bắt nạt đầu tiên và nghiêm trọng nhất

Từng có một thảo luận nóng trên mạng Internet xứ Trung với chủ đề: Phương pháp nuôi dạy con cái tồi tệ nhất của cha mẹ là gì? Một trong số bình luận được tương tác nhiều nhất là: “Chỉ cho chúng ăn, mua quần áo và đưa đến trường, nhưng hoàn toàn bỏ qua nhu cầu tình cảm của chúng”.

Một đứa trẻ không được quan tâm giống như một tù nhân bị đày đến một hòn đảo biệt lập, chỉ có thể ngày càng trở nên bất lực. Cuối cùng, nó sẽ trút sự bất bình của mình bằng cách làm tổn thương người khác, hoặc nhắm nòng súng tuyệt vọng vào chính mình. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu tại sao khi con gặp khó khăn không tìm đến mình để được giúp đỡ mà không biết, trước đó bạn từng khước từ lời thỉnh cầu của con bao lần.

Bên cạnh đó, còn có những phụ huynh bắt nạt con bằng lời nói. Trên mạng từng lan truyền video một nữ sinh 18 tuổi ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) chọn cách nhảy sông tự tử do chịu quá nhiều áp lực trong học tập. Cô bé may mắn được người dân phát hiện và giải cứu kịp thời. Sau khi cha của cô gái biết chuyện, ông đã vội vàng chạy đến hiện trường. Không ngờ ông vừa mở miệng, tất cả mọi người có mặt đều sửng sốt vì người cha mắng con gái: “Con có chết hay không? Không chết chứ gì? Không chết thì về nhà đi!”.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm và phát hiện ra rằng: Khi một người gặp bạo lực bằng lời nói, nỗi đau tinh thần mà người đó cảm nhận được sẽ ngang với mức độ đau đớn mà người đó phải trải qua khi bị thương về thể chất.

Từ câu chuyện cậu bé 13 tuổi vào bệnh viện tâm thần: Khi bố mẹ chính là kẻ bắt nạt đầu tiên trong đời con trẻ - Ảnh 2.

Tổn thương do lời nói mang đến không thua kém gì nỗi đau thể chất. Ảnh minh họa

Nhiều khi những đứa trẻ thà chịu đau đớn về thể xác còn hơn đối mặt với những lời trách móc, chế nhạo, coi thường từ chính cha mẹ mình.

Sau tất cả, cha mẹ và gia đình nên là tòa thành an toàn bao bọc con trẻ chứ không phải là điểm dừng tuyệt vọng của trẻ. Vì vậy, đừng bao giờ là kẻ bắt nạt đầu tiên trong cuộc đời con bạn. Hãy quan tâm con đủ nhiều, nói chuyện tử tế với con, tôn trọng con, đừng dùng bạo lực dưới mọi hình thức làm tổn thương những tâm hồn non nớt. Có như vậy, con trẻ mới có thể trưởng thành lành mạnh, chứ không phải dành toàn bộ cuộc đời để chữa lành những tổn thương thời thơ ấu.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog