Cậu bé 4 tuổi nén khóc khi nói về bố mẹ khiến netizen xót xa: Nuôi dạy nên đứa trẻ hiểu chuyện, nhạy cảm chính là “thất bại” lớn nhất
Trong suốt quá trình trưởng thành, không có ai đến và nói với đứa trẻ đó rằng: “Đừng quá hiểu chuyện. Hãy nhớ rằng em vẫn chỉ là một đứa trẻ”.
- Nữ ca sĩ nổi tiếng của showbiz Việt có cách dạy con khác lạ: Được ủng hộ nhiều nhưng tranh cãi cũng chẳng kém
- Cha mẹ nhận ra 2 điều này càng sớm càng dễ dạy con thành công
- Câu chuyện đi du lịch của một gia đình cảnh báo cách dạy con “khủng khiếp”: Những đứa trẻ sẽ bị ám ảnh cả đời!
Những ngày vừa qua, một đoạn video trích từ My Golden Kids, một chương trình thực tế của Hàn Quốc đã lan truyền trên MXH, thu hút sự đồng cảm từ cư dân mạng không chỉ tại nước này mà khắp thế giới.
My Golden Kids là show nơi các chuyên gia nuôi dạy con cung cấp lời khuyên và hướng dẫn cho các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn.
Cậu bé tên Geum Ji Eun, 4 tuổi đã trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về cha mẹ của mình. Dù đơn giản nhưng những lời nói và biểu hiện của đứa trẻ 4 tuổi đã khiến bất kỳ ai xem qua cũng phải bật khóc.
Geum Ji Eun mới chỉ 4 tuổi nhưng nói chuyện rất trưởng thành
Cậu bé rụt rè thổ lộ tình cảm, bày tỏ cảm giác cô đơn và mong muốn được bố mẹ chơi cùng mình thường xuyên hơn.
Khi người phỏng vấn hỏi: “Em thích ai hơn?”, Geum Ji Eun trả lời “Em không biết, em hay ở nhà một mình. Không ai chơi với em cả”.
Khi được hỏi về bố, Geum Ji Eun kể lại rằng bố em “rất đáng sợ khi nổi giận”.
“Em ước gì bố có thể nói chuyện tử tế với em”, cậu bé nói thêm.
Khi được hỏi liệu có bao giờ bày tỏ tình cảm của mình với mẹ hay không, em trả lời rằng mẹ không bao giờ lắng nghe và ước mẹ sẽ chơi với mình nhiều hơn.
Nhiều người khen ngợi cậu bé vì đã thành thật về cảm xúc của mình. Nhưng câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” của Geum Ji Eun khiến người ta thương xót nhiều hơn. Hình ảnh một đứa trẻ 4 tuổi lấy tay gạt nước mắt mình, đôi khi cố không bật khóc khi trả lời về bố mẹ khiến người xem đau lòng và đặt câu hỏi: Rốt cuộc cậu bé này đã phải trải qua chuyện gì?
Một người dùng bình luận: “Điều này thật đau đớn, em ấy không đáng phải chịu nỗi đau đó”.
Sau khi được các chuyên gia tư vấn và giúp đỡ, bố mẹ của Geum Ji Eun dường như đã dành nhiều thời gian hơn cho em. Nhưng người dùng MXH bày tỏ rằng họ hy vọng cái kết có hậu không chỉ để trưng bày trên truyền hình để tránh những lời chỉ trích từ người xem và mong bố mẹ sẽ tiếp tục dành cho cậu bé tình yêu thương em xứng đáng được nhận.
Có thể hiểu được rằng trong thời đại này, việc người lớn phải cân bằng giữa công việc và gia đình là một thách thức rất lớn. Nhưng đừng bao giờ quên vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc hình thành ký ức tuổi thơ, cảm giác an toàn và hạnh phúc của con cái.
Những đứa trẻ nhạy cảm trông như thế nào?
Thực tế, việc nuôi dạy nên một đứa trẻ “quá nhạy cảm” hay “quá hiểu chuyện” chính là thất bại lớn nhất của cha mẹ và là bi kịch lớn nhất của một đứa trẻ.
Những đứa trẻ quá nhạy cảm sẽ trông như thế này: Chúng muốn ăn đồ ăn vặt nhưng nói rằng không thích, muốn mua một món đồ chơi nhưng chỉ có thể cắn môi nói rằng mình không cần. Đứa trẻ rõ ràng muốn làm điều gì đó, nhưng nói hãy quên nó đi, rõ ràng là muốn bố mẹ chăm sóc mình nhưng lại luôn nói con không cần và tách xa. Những đứa trẻ quá nhạy cảm luôn sợ làm phiền bố mẹ, làm bố mẹ buồn, luôn muốn làm bố mẹ vui, muốn làm bố mẹ bớt lo lắng. Chúng cũng không bao giờ giận bố mẹ mà luôn cố gắng học hành chăm chỉ, tỏ ra ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Những đứa trẻ nhạy cảm, như Geum Ji Eun, chỉ là một đứa trẻ nhưng đã trưởng thành như người lớn.
Những đứa trẻ nhạy cảm có thể đến từ bất kỳ gia đình nào, nhưng nhiều nhất là sinh trưởng trong những ngôi nhà có một hoặc một vài trong các vấn đề sau: bố mẹ không quan tâm, không được yêu thương, bị dạy dỗ quá nghiêm khắc và theo khuôn mẫu, bị bố mẹ đặt kỳ vọng quá cao,…
Trong suốt quá trình trưởng thành, không có ai đến và nói với đứa trẻ đó rằng: “Đừng quá hiểu chuyện. Hãy nhớ rằng em vẫn chỉ là một đứa trẻ”.
Những đứa trẻ nhạy cảm là những đứa trẻ bất hạnh nhất
Muốn một đứa trẻ thông minh, hiểu chuyện sống một cuộc sống hạnh phúc, xác suất này tương đương với việc trúng xổ số độc đắc.
Khi được hỏi “Trẻ con thông minh sau này có hạnh phúc không?”, một người đàn ông kể lúc còn nhỏ, nhà nghèo, bản thân là con cả nên khi nào có đồ ăn ngon anh luôn nhường cho các em. Anh sẽ chủ động giúp đỡ bố mẹ việc nhà và dỗ dành các em nhỏ chơi đùa. Cho dù có bị trẻ con bên ngoài bắt nạt thì anh cũng sẽ tự mình gánh chịu tất cả, không muốn bố mẹ phải lo lắng. Vì vậy, anh luôn trốn tránh và khóc một mình, khóc một mình cho đến tận đêm khuya.
Khi lớn lên, anh đã hình thành được những thói quen như vậy. Khi đi ăn với mọi người, anh luôn để người khác lấy đồ ăn trước, đến lượt mình ăn thì đồ ăn đã gần hết. Mỗi lần bị hiểu lầm, anh đều không buồn giải thích. Và cuộc sống như vậy khiến anh khó có được hạnh phúc.
Một đứa trẻ nhạy cảm thường sinh trưởng trong môi trường không hạnh phúc
Một đứa trẻ nhạy cảm giống như một “con rối trên dây”, chỉ cần cha mẹ sắp xếp mọi việc thì đứa trẻ sẽ sẵn sàng vâng lời. Nữ diễn viên Trung Quốc Mã Y Lợi từng thẳng thắn chia sẻ rằng cô hối hận vì đã quá nghiêm khắc với con mình, khiến con gái trở nên quá “hợp lý”, rất dễ quản lý và rất ngoan ngoãn. Nhưng trong thâm tâm người mẹ biết con gái mình có tính cách rất yếu đuối và quá nhút nhát. Chỉ cần mẹ mắng lớn, con gái sẽ lập tức thừa nhận lỗi lầm của mình. Con gái cô thậm chí còn không dám nói “không” hay phản kháng. Điều này khiến Mã Y Lợi tự trách mình, lẽ ra cô không nên quản lý con mình như một con thỏ trắng nhỏ, như một con rối bị giật, nói làm thế nào sẽ làm như vậy, nhạy cảm và không dám bày tỏ ý kiến của mình.
Sau tất cả, sự hồn nhiên phải là nền tảng của một đứa trẻ. Một đứa trẻ không cần và không nên hiểu chuyện quá. Hạnh phúc lẽ ra phải là màu sắc tuổi thơ của trẻ thơ. Cha mẹ có thể giáo dục con cái miễn là có chừng mực. Nếu một đứa trẻ “quá nhạy cảm” và dù được yêu mến nhưng luôn đau khổ, bất hạnh thì cha mẹ có nghĩ điều này thực sự tốt cho con mình hay không?