Cha mẹ làm được 3 điều này con lúc nào cũng tự tin
Không ai thích bị cha mẹ la mắng và đổ lỗi mọi lúc. Trẻ càng được khen thì càng tiến bộ, càng bị chê thì càng sa sút.
- Cha mẹ kém cỏi thường “gieo” vào đầu con 3 suy nghĩ này: Con lớn lên lúc nào cũng mặc cảm tự ti, tương lai kém triển vọng
- Lý do con cái trở nên tự ti, mặc cảm, tương lai khó thành công đến từ 2 hành vi mà các ông bố ít khi nhận ra
- 2 câu cửa miệng của cha mẹ là căn nguyên khiến trẻ ngày càng tự ti
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hình thành mặc cảm tự ti bắt nguồn từ giai đoạn trẻ thơ. Trẻ em có mặc cảm tự ti mạnh mẽ hơn người lớn. Nếu được xử lý đúng cách, tự ti có thể trở thành động lực bên trong để trẻ phấn đấu tiến bộ. Tuy nhiên, nếu tự ti quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về nhân cách, nhận thức, thậm chí là sức khoẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ.
Cha mẹ có thể tham khảo những biểu hiện dưới đây do các chuyên gia tư vấn tâm lý tổng hợp để phán đoán xem con mình có tự ti quá mức hay không.
3 biểu hiện trẻ tự ti
Về nhận thức: Tự đánh giá thấp, luôn cảm thấy người khác coi thường mình, quá quan tâm đến nhận xét của người khác. Những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp rất mong muốn được khen ngợi, ngay cả khi không phù hợp. Chúng quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và sẽ giữ nó trong lòng.
Trẻ cũng thường dễ bị trầm cảm và tỏ ra chán nản mà cha mẹ không thể tìm ra nguyên nhân. Trước sự so sánh, dè bỉu và chỉ trích, chúng thường không tìm được cách thể hiện thích hợp, đa phần tự kìm nén và tự công kích mình.
Về ngôn ngữ: Theo các cuộc khảo sát, hơn 80% trẻ tự ti đều thiếu kỹ năng ngôn ngữ. Chúng có thể biểu hiện nói lắp hoặc thiếu cảm xúc khi diễn đạt, vốn từ vựng nghèo nàn,…
Khó giao tiếp: Những đứa trẻ bình thường có thể hơi nhút nhát, nhưng thích giao lưu với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ tự ti thường tỏ ra rụt rè quá mức, không muốn chơi với bạn bè.
Tại sao trẻ tự ti?
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính tự ti của trẻ là sự chăm sóc hàng ngày tại gia đình trước khi trẻ 3 tuổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những gia đình con cái được chăm sóc tốt hàng ngày khi còn nhỏ, chỉ có 2,5% trẻ có lòng tự trọng thấp, trong khi ở những gia đình ngược lại, tỷ lệ trẻ là 24,6%.
Trước khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ thiếu kiên nhẫn khi chăm sóc trẻ, không đáp ứng tín hiệu của trẻ hoặc thường bộc lộ những cảm xúc tiêu cực. Điều này sẽ khiến trẻ cho rằng mình không được yêu thương nên tự hạ thấp mình, đồng thời khi gặp phải những thất bại khác, trẻ cũng dễ quy cho mình những khuyết điểm ở một số mặt, từ đó hình thành mặc cảm.
Để giảm bớt tổn thương tâm lý cho trẻ, cha mẹ cần:
1. Đánh giá cao và ca ngợi nhiều hơn, ít chỉ trích và buộc tội hơn. Không ai thích bị cha mẹ la mắng và đổ lỗi mọi lúc. Trẻ càng được khen thì càng tiến bộ, càng bị chê thì càng sa sút. Cha mẹ nên tìm hiểu thêm về những ưu điểm của con mình, bớt tập trung vào những khuyết điểm nhỏ.
2. “Hạ chuẩn” kỳ vọng. Cha mẹ không nên lúc nào cũng chú trọng vào điểm số mà hãy tập trung vào quá trình hơn là kết quả. Bởi vì tiềm năng phát triển của trẻ còn rất lớn, nên một bước lùi tạm thời không có nghĩa là một bước lùi trong tương lai.
Có thể vạch xuất phát của trẻ tương đối thấp, nhưng không có nghĩa rằng cuối cùng trẻ nhất định sẽ tụt lại phía sau. Chúng ta nên hạ thấp kỳ vọng vào điểm số và chú ý nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Đừng luôn so sánh con mình với người khác, điều đó sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con bạn.
3. Thả trẻ ra và cho trẻ vận động. Lòng tự trọng thấp của trẻ em có liên quan nhiều đến khả năng thực hành và khả năng giao tiếp của chúng. Khi trẻ dần lớn lên và bắt đầu có suy nghĩ, phán đoán của riêng mình, cha mẹ cũng có thể thay đổi vai trò của mình, từ người can thiệp vào mọi việc sang người đưa ra lời khuyên, hãy cố gắng buông bỏ và để con tự làm.
Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Khi đối mặt với những thiếu sót, việc có một mặc cảm nhất định là điều bình thường, và chỉ bằng cách vượt qua mặc cảm tự ti, người ta mới có thể tiến bộ.
Để trẻ không rơi vào tình trạng tự ti quá mức, cha mẹ cần phát hiện và khẳng định ưu điểm, thế mạnh của trẻ, từ đó vun đắp sự tự tin cho con. Đồng thời, hướng dẫn các em cách nhìn nhận những khiếm khuyết của bản thân một cách hợp lý để tìm ra mục tiêu bù đắp phù hợp, biến sự tự ti thành động lực tiến bộ.