Một số trường hợp viêm phổi nặng ở trẻ sẽ được chỉ định điều trị nội trú, còn đa số sẽ được chỉ định dùng thuốc và chăm sóc tại nhà. Câu hỏi được cha mẹ quan tâm khi trẻ mắc viêm phổi cần chú ý những gì để giúp trẻ nhanh khỏi hơn?
Nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu (Streptococcus Pneumoniae). Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh viêm phổi ở trẻ như: Trẻ nhiễm virus, khu vực có mức độ ô nhiễm cao, trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn.
Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi chủ yếu do virus. Tuy nhiên, thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay virus. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm virus, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.
Dấu hiệu sớm trẻ mắc viêm phổi
Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng các biểu hiện thông thường như: Sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt và bú kém.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì có thể sốt hoặc không sốt, thậm chí còn bị hạ thân nhiệt và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng.
Các biểu hiện viêm phổi nặng là:
– Tình trạng sốt, mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục.
– Tình trạng khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp và cố gắng lấy nhiều oxy hơn để thở.
– Trẻ sơ sinh thì bỏ bú hoặc bú ít; trẻ lớn thì chán ăn, lười ăn.
– Tức ngực hoặc đau bụng;
– Nôn trớ hoặc tiêu chảy;
– Trẻ ho khan vào thời gian đầu và sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh hoặc vàng;
– Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không đủ oxy;
Ở trẻ lớn hơn thì dễ có các biểu hiện thở rất nhanh; Thở rít hoặc thở khò khè, thở khó khăn; mệt mỏi, ít vận động…
5 lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Tùy thuộc vào lứa tuổi, nguyên nhân và mức độ bệnh viêm phổi ra sao, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ uống hoặc tiêm kháng sinh và các thuốc điều trị hỗ trợ khác. Cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ. Thường xuyên thông báo các bất thường nếu có. Long đờm cho trẻ bằng cách vỗ lưng sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn. Chú ý đến chế độ ăn uống, cho trẻ ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt; ăn theo nhu cầu, không ép trẻ ăn, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
– Cần sắp xếp sao cho trẻ được thoải mái nhất có thể, đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi tối đa. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ. Vì khi bị viêm phổi trẻ thường dễ bị nôn trớ, do vậy phải chia nhỏ bữa và tăng số bữa ăn lên, tăng dần theo đáp ứng của trẻ.
– Các thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau như paracetamol (efferalgan, tylenol…) và Ibuprofen (ibrafen, advil…) cần được sử dụng đúng liều (theo cân nặng) hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cho trẻ uống thuốc đủ liều lượng, số lần, số ngày, khoảng cách thời gian theo đơn. Không tự ý dừng hoặc thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
– Không cho trẻ uống các thuốc giảm ho vì ít hiệu quả và có thể có các tác dụng phụ không tốt. Cũng không được cho trẻ dưới 18 tuổi uống aspirin và các thuốc có chứa aspirin, vì nó có thể gây ra hội chứng Reye, rất nguy hiểm ở trẻ em.
– Cần tái khám lại ngay nếu sau 2 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm hoặc trẻ có dấu hiệu nặng lên. Trẻ có thể cần được thay đổi thuốc hoặc phải nhập viện để được điều trị tích cực hơn.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ bằng cách nào?
Viêm phổi ở trẻ là bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao, nhưng có thể phòng ngừa và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh bằng cách cho trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Trẻ bị viêm phổi chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Vì thế, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: Không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác. Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho… chủ động phòng ngừa (đeo khẩu trang khi cần, rửa tay thường xuyên) là những biện pháp hữu hiệu mà chúng ta thường dễ bỏ qua.
Ngoài ra, cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo. Đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm. Tiêm chủng không chỉ phòng tác nhân gây bệnh đường hô hấp, mà còn phòng nhiều bệnh lý khác, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh, nguy cơ bị viêm phổi cũng được hạn chế.
Tóm lại: Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác, nên thường không được điều trị đúng cách, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường. Do đó, khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm phổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
BỆNH VIÊM PHỔI TRẺ EM | CHĂM SÓC TRẺ BỆNH TẠI NHÀ (P3)