Những lưu ý cần nhớ khi chăm sóc trẻ sơ sinh
1. Cho trẻ ngủ đúng cách
Trẻ sơ sinh thường xuyên thức dậy vào ban đêm để bú sau mỗi 2 – 3 giờ, sau đây là các lưu ý khi cho trẻ ngủ:
Trẻ nên ngủ trên một bề mặt chắc chắn, bằng phẳng (thường là giường/cũi). Võng, nôi rung, xe đẩy, địu, xích đu không được khuyến nghị cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh dưới 4 tháng.
Cha mẹ nên ngủ chung phòng nhưng không ngủ chung giường với trẻ, tốt nhất là trong sáu tháng đầu.
Giữ ấm cho căn phòng, đặc biệt là ở nơi có khí hậu lạnh, đảm bảo bổ sung thêm độ ẩm cho trẻ nếu da trẻ khô hoặc thời tiết hanh khô.
Cha mẹ mặc cho trẻ 1 lớp quần áo hoặc quấn trẻ bằng khăn có độ dày phù hợp với thời tiết. Khi quấn trẻ sơ sinh bằng khăn phải luôn để trẻ nằm ngửa khi được quấn. Khi trẻ biết lẫy/lăn (thường xảy ra khi trẻ được 3 đến 4 tháng, nhưng có thể xảy ra sớm hơn), việc quấn khăn không còn phù hợp nữa, vì có thể làm tăng nguy cơ ngạt thở nếu trẻ chuyển sang tư thế nằm sấp.
Trẻ có nhiều nguy cơ tăng và hạ thân nhiệt một cách đột ngột do hệ thần kinh trẻ chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh thân nhiệt. Nên giữ thân nhiệt trẻ ở nhiệt độ 36.5 – 37.5 độ C bằng cách:
- Phòng cần đủ ấm, nên điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp từ 27 – 28 độ C vào ban ngày; 28 – 29 độ C vào ban đêm. Cho trẻ mặc quần áo, mang bao tay, vớ chân, đội mũ và đắp chăn mỏng khi nằm điều hòa.
- Ngoài giấc ngủ của trẻ sơ sinh vào ban đêm, không nên cho trẻ nằm điều hòa quá 4 giờ liên tục trong ngày. Sau khoảng 4 giờ nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường trong 10 – 15 phút.
- Kiểm tra thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế, nếu thấy trẻ ra mồ hôi thì cần lau khô, đặc biệt là vùng lưng, nếu không trẻ có thể sẽ bị nhiễm bệnh về đường hô hấp.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, nên mở cửa trước 10 phút để trẻ quen dần với không khí bên ngoài.
2. Chăm sóc mắt
Trẻ sơ sinh thường bị chảy nước mắt và ghèn trong những ngày đầu sau sinh. Lúc này trẻ có thể bị viêm kết mạc, hãy đưa trẻ đến khám để có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời cần xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ với nhiều rau xanh, cá, thịt, trứng, sữa đậu nành, dầu mè, hoa quả các loại có lợi cho mắt.
Cho trẻ ăn ngủ đủ giấc, đúng thời gian quy định. Tránh các tác nhân bên ngoài như khói, bụi bẩn, ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính chống bụi, chống nắng, tránh những tổn thương cho mắt trẻ.
3. Chăm sóc cuống rốn
Cuống rốn của trẻ sẽ khô và tự rụng trong khoảng 5 – 21 ngày sau sinh. Cuống rốn nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau, hãy đưa trẻ đến bệnh viện: Trẻ bị sốt, cuống rốn có mùi hôi hoặc chân rốn chảy mủ, da xung quanh rốn đỏ và mềm, trẻ khóc khi bạn chạm nhẹ vào rốn, cuống rốn bị sưng và chảy máu.
4. Theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà
Cha mẹ cần chú ý cho trẻ tái khám và tiêm ngừa cho trẻ theo lịch hẹn hoặc cho trẻ đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm sau: Co giật; Thở nhanh (nhịp thở > 60 lần/phút), thở rút lõm lồng ngực; Không có các cử động linh hoạt; Sốt/thân nhiệt cao (>38°C) hoặc thân nhiệt thấp (<35,5°C); Vàng da trong 24 giờ đầu sau khi sinh, hoặc vàng da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất hãy luôn nhớ rửa tay khi chăm sóc trẻ.
Lịch tiêm ngừa trẻ sơ sinh theo chương trình quốc gia
– Trẻ sơ sinh: Lao, viêm gan B. Tiêm 24 giờ đầu sau khi sinh.
– Trẻ 02 tháng: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Hib mũi 1, Bại liệt uống lần 1.
– Trẻ 03 tháng: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Hib mũi 2, Bại liệt uống lần 2.
– Trẻ 04 tháng: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Hib mũi 3, Bại liệt uống lần 3.
– Trẻ 05 tháng: Bại liệt tiêm (IPV).
– Trẻ 09 tháng: Sởi mũi 1.
– Trẻ 18 tháng: Bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4.
– Trẻ 1- 5 tuổi: Viêm não Nhật Bản mũi 1.
– Viêm não Nhật Bản mũi 2 (1-2 tuần sau mũi 1).
– Viêm não Nhật Bản mũi 3 (1 năm sau mũi 2).
BS. Phạm Thị Mỹ Hạnh