Cứu sống bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa
Bé trai 5 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh, tiêu chảy, tay chân lạnh, sốt cao, bụng chướng hơi…
Theo lời kể của gia đình thì bệnh nhi khỏe mạnh bình thường, buổi chiều tối cùng ngày nhập viện, bệnh nhi được cho ăn cơm sườn ở quán. Sau khoảng 6 giờ thì bệnh nhi xuất hiện sốt, đau đầu, đau bụng kèm theo nôn mửa, đi cầu chảy lỏng phân xanh, dùng thuốc ở nhà không đỡ nên gia đình đã cho bệnh nhi vào viện.
Kết quả xét nghiệm phù hợp với bệnh cảnh nhiễm trùng huyết. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng tiêu điểm đường tiêu hóa và được điều trị theo đúng phác đồ với bù dịch, kháng sinh, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan điện giải, dùng thuốc vận mạch, đo huyết áp xâm lấn theo dõi huyết động, thở máy cơ học, điều trị triệu chứng. Sau 7 giờ điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhi đã thoát khỏi bệnh cảnh sốc.
Hiện tại sau 6 ngày điều trị thì bệnh nhi đã ổn định huyết động, hô hấp, thở khí trời, tỉnh táo, ăn uống tốt và sẽ được ra viện trong vài ngày tới. Đây là một ca điển hình về nhiễm trùng đường tiêu hóa được phát hiện và xử trí kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.
Dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiêu hóa
Khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng đường tiêu hóa sẽ có các triệu chứng sau:
- Đau bụng
Đau quặn quanh rốn hoặc dưới bụng dưới: Người bệnh thường sẽ xuất hiện cơn đau quanh rốn, một số cảm giác đau ở dưới bụng dưới.
Cơn đau liên tục, kéo dài 3 – 5 phút khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Tình trạng này sẽ gây mệt mỏi, khiến người bệnh không thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp sẽ bị tổn thương vùng hậu môn nếu tiêu chảy liên tục.
- Tiêu chảy
Phân lỏng, nát hoặc táo bón.
Phân toàn nước, trắng đục như nước vo gạo (nhiễm tả) hoặc có nhầy máu: Khi nhiễm vi khuẩn tả hoặc đi phân nhầy và có lẫn máu trong đó.
- Chướng bụng, đầy hơi
Do sự tích tụ khí và dịch trong đường tiêu hóa, gây ra cảm giác khó chịu, chướng bụng: Khi tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa của người bệnh ngày càng nặng thì dấu hiệu đau sẽ xuất hiện càng nhiều, bụng sẽ có dấu hiệu phình to và chướng lên.
- Buồn nôn và nôn
Do độc tố trong đường tiêu hóa kích thích: Những độc tố trong đó sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, gây nên hiện tượng nôn ói. Nôn giúp loại bỏ độc tố nhưng nếu nôn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước hoặc gây rách thực quản, sẽ có hiện tượng nôn ra máu.
- Chán ăn
Do đau bụng, đi ngoài, nôn ói… sẽ làm mất cảm giác ngon miệng.
- Đau nhức cơ
Thường gặp trong trường hợp nhiễm siêu vi, không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn gây ra triệu chứng đau nhức cơ bắp.
- Sốt nhẹ hoặc cao, lạnh kéo dài
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại vi khuẩn. Sốt nhẹ rất thường gặp, nhưng sốt cao và lạnh kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiễm độc do vi khuẩn, cần được điều trị y tế kịp thời.
- Co thắt bụng
Cơn đau bụng dữ dội, co thắt từng đợt, kéo dài 3 – 4 phút, có thể do nhu động ruột tăng cao để đẩy chất độc ra ngoài. Tình trạng này sẽ nặng hơn nếu không được điều trị.
- Khó ngủ
Do các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và mất ngủ.
- Nhức đầu
Do mất nước, rối loạn điện giải, hoặc do các chất độc tố trong cơ thể.
- Nóng ran trong người
Do phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể, khiến người bệnh cảm thấy nóng ran, khó chịu.
Cần làm gì để phòng nhiễm trùng đường tiêu hóa?
Mùa hè thời tiết nắng nóng nên vi khuẩn phát triển mạnh, điều này sẽ khiến chúng ta sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm độc thức ăn và ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của các loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi…
Do đó, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm.
Ngoài ra, một số món ăn như thịt nướng, chả nướng, hải sản nướng, đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp sườn, rau sống, quả tươi, thịt sống như tiết canh, nem chua, nem chạo, canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài.
Để phòng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm
Thức ăn cần được nấu chín, đun sôi; vệ sinh dụng cụ ăn uống trước và sau khi sử dụng; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc cầm nắm vào vật ô nhiễm. Vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2 – 3 giờ.
Nếu để lâu hơn thực phẩm có thể bị ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải. Nếu muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, hãy để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất là đông lạnh.
Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian là hơn 5 phút. Nhiệt độ nấu chín thực phẩm cần đạt trong nhiều phút và trong thời gian cần thiết thay vì nấu vội vàng, nấu nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, hạn bảo quản. Đồ hộp bị thủng, phồng hoặc biến màu thì nên loại bỏ.
Tóm lại: Sốc nhiễm trùng ở trẻ là một bệnh rất nặng và vô cùng nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể sẽ dẫn tới tổn thương đa cơ quan và gây tử vong. Do đó, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa nhiễm trùng tiêu hóa, nên ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.