Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ

15 mins read
Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 1.

Toàn cảnh Làng Nủ và nỗ lực của người dân, chiến sĩ bộ đội để xóa đi ký ức đau thương nơi đây

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 2.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 3.

Chắc có lẽ chưa bao giờ Làng Nủ lại đông người đến thế. Bộ đội, dân quân tự vệ, các nhà hảo tâm, bà con các vùng xung quanh, và cả người thân của những người bị nạn… tất cả đều đổ về đây và ngóng chờ một điều gì đấy khó diễn tả bằng lời. Một cảm giác khẩn trương và hỗn loạn lan trong không gian. Bộ đội tìm kiếm. Người mất người thân rối bời đi tìm. Tôi cố đuổi theo một người phụ nữ đang chạy khắp nơi chỉ để nghe ngóng thông tin, cuối cùng phải chịu thua vì chị chạy… nhanh quá. Không ai nói được với nhau câu nào mà thay vào đó là những tiếng khóc. Những người thân lặng lẽ ngồi ôm di ảnh ở hai bên triền dốc, đôi mắt đỏ hoe hướng xuống phía dưới vô vọng. Ở một góc, những cỗ quan tài xếp chồng lên nhau cao vút. Màu khăn tang trắng phủ lấp ló ở mọi nơi có sự xuất hiện của con người.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 4.

Đối lập với số lượng người đổ về ngày một nhiều, Làng Nủ chìm trong sự tĩnh lặng. Ai cũng chỉ tập trung làm việc của mình. Mùi đất, mùi cây rừng, mùi tử khí và cả mùi của những thứ vẫn đang chôn sâu dưới lớp bùn lầy lội… xộc lên, vo tròn và lèn chặt cái lòng chảo nắng nôi này thành một cục không khí đặc quánh, tang thương và bí bách.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 5.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 6.

Một ngày của bộ đội bắt đầu từ 6h sáng, tất cả sẽ làm việc đến trưa, nghỉ ngắn rồi lại tiếp tục quay lại công việc tìm kiếm và chỉ kết thúc vào 5h chiều. Tất cả đều khoác một chiếc áo phao, và cầm trên tay một gậy tre dài để chọc xuống bùn và… tìm. Trong tiết trời nắng nóng của một ngày cuối hè, dưới cái nắng 34 độ C, các nhóm chiến sĩ ngâm mình trong lớp bùn nhão, di chuyển từng bước thật chậm, dùng que lần mò phía trước, lật từng tảng đá, đi vào từng bụi cây,… để tìm kiếm những thi thể vẫn còn đang nằm bên dưới. Với địa hình lòng chảo, những cơn lũ từ thượng nguồn vẫn hoàn toàn có thể nhấn chìm nơi này một lần nữa. Đang tìm kiếm, bỗng một tiếng kẻng vang lên từ chiếc bình ga được tận dụng, báo hiệu nước lũ chuẩn bị đổ về. Chỉ huy nhanh chóng ra lệnh tất cả các lực lượng tìm kiếm rút lên vị trí an toàn. Khoảng 20′ sau khi cơn nguy hiểm đã đi qua, tất cả lại theo hiệu lệnh, di chuyển xuống khu vực sạt lở để tiếp tục công việc của mình. Trong suốt 3 ngày tìm kiếng, không ít lần những tiếng kẻng vang lên như báo hiệu tử thần và sự chết chóc vẫn đang lê bước chân rập rình, quẩn quanh đâu đó ở nơi này.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 7.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 11.

Ở đây, dù không ai nói gì với nhau, nhưng tất cả đều quan tâm nhau bằng một thứ tình cảm bền chặt vô hình. Ai cũng làm việc của mình nhưng luôn ở đó để giúp đỡ những người xung quanh. Trên dốc cao, những tốp quân y đeo sẵn thuốc thang, khẩu trang và nhu yếu phẩm để nhanh chóng phản ứng khi các anh em phía dưới cần sự hỗ trợ. Tất cả đều làm việc khẩn trương, không để phí một giây phút nào. Trong một khoảnh khắc, một nhóm bộ đội mang theo một chiếc cáng chứa thi thể chạy vụt qua trước mặt tôi. Họ lại vừa tìm được một người…

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 12.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 13.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 14.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 15.

Tôi chú ý đến một cậu bé đang ngồi trên bậc thềm của trường, chỉ cách tôi chừng 1m. Thân hình gầy nhẳng, đôi mắt trầm ngâm cứ miên man nhìn về phía trước. Từ khi sinh ra đến giờ, chắc có lẽ, tôi chưa từng nhìn thấy ánh mắt nào buồn bã đến thế. Bé là Hải, năm nay 10 tuổi, là người Làng Nủ. Trên tay Hải cầm 2 chiếc điện thoại, 1 của cô giáo và 1 của mẹ.

– Thế mẹ em đâu?

– Mẹ đang ở dưới kia để tìm chị gái.

Chị gái của Hải là một trong những nạn nhân xấu số của lũ quét, vẫn đang nằm đâu đó dưới lớp bùn dày ngoài kia, chờ được tìm thấy. Nhà Hải có 4 người. Khi cơn lũ quét qua, Hải kịp phát hiện và báo cho cả nhà. Chị của Hải không chạy thoát kịp. Chiếc điện thoại này, có lẽ là thứ tài sản quý giá nhất còn lại của gia đình.

Bầu không khí cô quạnh và trống trải vì sự mất mát ấy trải dài khắp các tỉnh miền núi bị lũ quét qua. Dọc đường về từ Làng Nủ, tôi đi qua Cốc Lầu và bắt gặp một cậu bé đang giúp bố kéo dây cáp điện. Đầu đeo băng tang trắng, bé im lặng nhìn về phía xa nghe bố trò chuyện với một người lạ. Bà nội và bác của bé đã ra đi khi quả đồi phía sau nhà bị sạt giữa đêm. Đôi mắt của bé có nỗi buồn trống trải giống như những gì tôi đã thấy trong đôi mắt Hải. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để đo lường được nỗi đau của sự mất mát, nhưng cũng đủ lớn để mường tượng rằng, từ nay, cuộc sống của chúng đã hoàn toàn thay đổi.

Tôi không dám đối diện, thậm chí nhìn lâu vào đôi mắt của Hải, vì những tia sáng ngây thơ đã vụt tắt mà thay vào đó là một nỗi buồn màu đen và trống rỗng. Nỗi buồn ấy ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ, khi đã về lại Hà Nội, thậm chí còn day dứt hơn. Tôi không chắc những người ở lại sẽ sống tiếp với những di chấn của bi kịch này như thế nào, khi cái đêm kinh hoàng ấy đã cuốn theo tất cả những dấu vết về đời sống riêng tư lẫn những mối dây liên kết của họ về mặt tình cảm. Mất của cải là những thứ chúng ta có thể an ủi nhau rằng sẽ làm lại được. Nhưng mất người thân, mất đi cái mỏ neo cuối cùng để người ta cảm thấy mình thuộc về… Một cảm giác sợ hãi và bơ vơ khi bị tước đi tất cả những gì làm chỗ dựa cho một con người.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 16.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 17.

Trong suốt chuyến đi, chúng tôi gặp không ít những chuyến xe của các nhóm cứu trợ tất bật di chuyển xuôi ngược. Những cung đường đã từng là nơi mang đến niềm vui và sự tự hào trước thiên nhiên kỳ vĩ – giờ đã nhuốm một xám tang tóc và hoang vắng. Nhìn những tờ vàng mã bám vào những vạt cỏ và gốc cây ven đường, những vỉa ta luy xộc xệch, những gốc cây gãy ngổn ngang, những hàng rào bị xé nát,… tôi nghĩ về những vết thương sẽ mãi còn lại bên trong mỗi con người ở nơi này.

Vết thương của rừng rồi sẽ lành lại. Núi rồi sẽ có thêm cây. Đường xá sẽ được dọn dẹp. Những mái nhà rồi sẽ lại lóe lên ánh sáng của tái thiết giữa nơi núi rừng. Sau tất cả, chúng tôi may mắn khi có thể trở về nhà sau chuyến đi đã chứng kiến quá nhiều những đau thương và ám ảnh. Những nhóm cứu trợ cũng sẽ quay về với gia đình của mình. Các chiến sĩ, bộ đội cũng sẽ rời đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng vùng đất này, những con người này, sẽ mãi mãi phải sống tiếp với nỗi đau, sự bơ vơ và cô quạnh mà cơn lũ để lại. Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng với nhiều người, có quá nhiều thứ đã mãi dừng lại sau cái đêm hôm ấy…

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 22.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 23.

Tối hôm đó, chúng tôi được ăn một bữa cơm ấm áp với hai vợ chồng cô Thắm. Người Việt hay nói: “Dân ở đây quý người” – nếu nhận được sự thân tình khi đặt chân đến vùng đất nào đó. Chữ “quý” đấy lại càng thấm thía hơn với chúng tôi khi lưu lại Bảo Yên đêm hôm ấy. Dù là những người xa lạ, nhưng khi thấy quần áo hai đứa lấm lem sau quãng đường lội bùn đất, cô Thắm một mực bắt để lại cho cô giặt, rồi bao giờ quay lại thì lấy. Nhà cô Thắm là hộ duy nhất có nước sạch trong xóm này, cũng là nơi mà suốt những ngày vừa rồi, bao trọn việc… tắm gội cho các hộ xung quanh, chắc con số cũng lên đến 100 hộ. Mà nào chỉ tắm nhờ, hàng xóm còn mang cả xô, chậu lẫn bình tích trữ đến bơm từ giếng nhà cô. Ai hỏi, hai vợ chồng cho hết.

Lại nói đến hàng xóm, nhà anh Cường – chị Phượng ở xóm này cũng đã sắp xếp chỗ ngủ tươm tất cho người gặp nạn trong lũ. Anh chị kể, nhà anh hiện là nơi ở tạm thời của 5 đứa trẻ trong xóm.Từ bộ đội cho đến cứu trợ, từ cánh phóng viên cho đến… người làng bên, không ai tìm đến đây chỉ với suy nghĩ mình phải làm việc. Tất cả đều được thôi thúc bằng sự xót xa của tình thương giữa con người với con người. Trong cảnh tang thương và khó khăn đến cùng cực, cái chúng ta có thể tựa vào, là tình người. Và điều có thể khiến sự sống rồi sẽ hồi sinh ở nơi thảm khốc này, chắc cũng là tình người mà thôi.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 24.

Những kỳ tích cũng đã xuất hiện. Sáng 13/09, 8 người của 2 hộ gia đình mất tích bỗng đột ngột trở về. Đêm hôm ấy, nghe thấy tiếng nổ lớn, ông Hoàng Văn Tiện kêu gọi gia đình và nhà xung quanh chạy ngang đồi thay vì chảy xuống lòng chảo, và quyết định đó đã giúp hai gia đình chạy thoát khỏi sự thảm khốc của cơn lũ dữ.

Việc tìm thấy 115 người dân của thôn Kho Vàng vẫn còn sống sót sau khi chạy lên núi để tránh lũ xứng đáng được gọi là một điều kỳ diệu nữa. Nhờ vào kinh nghiệm và sự hiểu biết về rừng núi, trưởng thôn Ma Seo Chứ đã nhanh chí thuyết phục bà con trong thôn nhanh chóng di tản lên một quả núi cách đó 1km ngay trong đêm, trước khi lũ kịp tìm đến. Đến ngày 15/09, 23 cháu nhỏ của thôn Kho Vàng đã được các thầy, cô giáo đón đến trường học. Chiều ngày 16/09, hơn 115 người dân thôn Kho Vàng đã được di chuyển xuống núi một cách an toàn. Giữa những ngày tưởng như mọi hy vọng đều mong manh, phép màu vẫn xuất hiện.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 25.

Trưởng thôn Ma Seo Chứ – người vận động 115 bà con di chuyển ngay trong đêm để tránh cơn lũ dữ.

Sự sống, dù chậm chạp, nhưng cũng bắt đầu cựa mình ở khắp những vùng đất hoang tàn mà cơn lũ quét qua. Sẽ là khó khăn để thiết lập lại một cuộc sống bình thường cho người dân ở những nơi này, nhưng cùng nhau, chúng ta sẽ làm được. Cảm thức về sự gắn bó với đất nước của người Việt Nam là thứ khiến chúng ta đau chung nỗi đau của đồng bào, và việc lớn lên với tinh thần đùm bọc được gieo vào trong suy nghĩ kể từ khi còn là những đứa trẻ – khiến chúng ta không bao giờ cho phép mình được thờ ơ. Đó là một phẩm chất đáng tự hào. Bởi khi con người ta mất đi tất cả, cái khiến họ gượng dậy và vượt qua, chính là nhờ những bàn tay ấm áp của những người xung quanh.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 29.

Nỗi đau của đồng bào miền Bắc vẫn sẽ còn đó, nhưng tôi tin, nơi này rồi sẽ nảy mầm sự sống và hy vọng, đôi mắt của những đứa trẻ cũng sẽ được xua dần đi sự tang thương, và biết đâu, chúng sẽ sớm nở lại nụ cười trên môi – bởi chúng ta sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên họ – những người ở lại với nỗi đau.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 30.

Chuyện của Hải, cô Thắm và những chiến sĩ nỗ lực khoả lấp nỗi đau Làng Nủ- Ảnh 31.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog