Long của hiện tại đã ổn hơn. Đã tìm được câu trả lời cho những điều từng khiến cậu lạc lối. Đã học được cách đi thăng bằng giữa lằn ranh mập mờ của buồn – vui, yêu – ghét. Đã hiểu rằng mình không thể đầu hàng những gì diễn ra trong tâm trí, và cũng đã tìm được thứ ánh sáng lấp lánh bên trong để dẫn lối.
19 tuổi, Nger được biết đến lần đầu tiên cùng bản hit “Tình đắng như ly cà phê” với 50 triệu view sau khi ra mắt.
20 tuổi, cậu xuất hiện trong hạng mục “Gương mặt triển vọng” của WeChoice Awards 2019 với loạt thành tích ấn tượng sau các bản hit như “Suy”, “Phát điên”, “Cô nàng khác người”.
21 tuổi, MCK trở thành một hiện tượng với hành trình bùng nổ tại Rap Việt mùa 1.
24 tuổi, album 99% đưa MCK lọt vào hàng top những nghệ sĩ trẻ được yêu thích nhất Việt Nam. Giống như bàn tay của Midas, mọi thứ MCK chạm vào đều nhanh chóng lọt vào top trending hoặc trở thành hit lớn của Vpop.
Đằng sau tất cả những con số và thành tích đáng nể, MCK chỉ đơn giản là một chàng trai đã trải qua đủ nhiều những thăng trầm của cuộc sống, đã nếm trải đủ mọi cung bậc của danh tiếng và truyền thông, để cuối cùng đặt chân đến một giao điểm – nơi mà cậu vừa có thể tự do sống với thứ nghệ thuật mình theo đuổi, nhưng cũng vẫn là một Nghiêm Vũ Hoàng Long như khi mới bắt đầu.
Nghiêm Vũ Hoàng Long có một nỗi ám ảnh với gián.
Khi còn nhỏ, Long cùng bố mẹ sống với bà trong một căn nhà cấp 4 ở quận Hoàng Mai. Căn nhà đó chỉ có một tầng, dài và sâu với bếp nằm ở dưới cùng. Đó là nơi mà gia đình Long chung sống với những bầy gián. Đối diện nhà của Long khi ấy là một cái xưởng nấm – “hay bánh mì gì đấy, tôi cũng không nhớ nữa”. Long nói. Một ngày nọ, chiếc xưởng đó chuẩn bị thanh lý để bán đất làm chung cư, vậy nên họ phải phun thuốc diệt gián. Cuộc tận diệt của loài người khiến gián bay tán loạn để tẩu thoát. “Chị có hiểu cảm giác khi mở cửa nhà và gián bay tới tấp vào người mình không? Chính là tôi đấy”. Long kể.
Đấy chính là khoảnh khắc mà Long quyết định rằng mình và gián sẽ không đội trời chung.
Dù vậy, gián vẫn chưa từ bỏ Long. Gián ở khắp mọi nơi, ẩn nấp trong chạn tủ và thậm chí là bò lên bát đĩa. Trong căn nhà ấy, bố mẹ Long ngủ ở chiếc giường trên cao, còn chỗ ngủ của Long là một tấm chiếu được trải dưới mặt đất. Có những đêm nằm ngủ, Long trở mình bật dậy vì thấy… ngứa ngứa. Mở mắt ra, cậu chết lặng khi phát hiện một con gián đang bò lổm ngổm trên người. Gián bò vào chiếc cốc uống nước yêu thích của Long. Gián chui vào ống quần khi Long đi ăn cháo ở đầu ngõ. Gián bay vào chiếc áo đồng phục trắng tinh Long mặc vào ngày đầu tiên đi học lớp 1 và để lại một thứ mùi tanh mà “chị sẽ không bao giờ có thể quên được”.
18 tuổi, Long sang Nhật du học. Những tưởng duyên nợ của Long và loài gián cũng sẽ dừng lại khi Long đến một đất nước mới. Nhưng không, gián vẫn là một phần cuộc sống của Long. Căn nhà ở Nhật của Long chỉ vỏn vẹn 12,5 mét vuông với mức giá thuê là chỉ 5 triệu rưỡi/ tháng. Đó là một căn nhà có trần rất cao với cái gác xép nhỏ, và Long lại tiếp tục cuộc sống cùng gián của mình tại nơi này. “Gián ở Nhật không to như ở Việt Nam đâu chị, nhỏ nhỏ thế này thôi”. Long đưa đầu ngón tay lên minh họa. Ở đây, Long đi ngủ trong nỗi nơm nớp sợ là gián sẽ xuất hiện, và việc phải dùng tay bắn những con gián đang bò lên chăn cũng trở thành một nỗi ám ảnh hàng đêm.
Sát bên giường của Long là một cái cửa sổ rất nhỏ và sáng nào Long cũng mở cánh cửa đấy ra để đón ánh sáng vào căn nhà chật hẹp. Một ngày nọ, có một chú chim và một con bướm vô tình bay vào phòng. “Cánh bướm đại diện cho tình yêu còn chú chim là biểu tượng của tự do”. Long nói về suy nghĩ của mình khi ấy. Đó cũng là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt với Long, khoảnh khắc mà Long quyết tâm rằng mình sẽ không thể sống cuộc đời như thế này nữa.
Long lao vào vừa đi học, vừa theo đuổi đam mê âm nhạc khi đăng tải những bài hát đầu tiên với nickname là Nger lên mạng xã hội, và vừa làm đủ thứ nghề ở Nhật. Long đi bán hàng ở các cửa hàng tiện lợi, làm ở các công xưởng to nhỏ, thậm chí làm đầu bếp ở một quán nhậu. Không biết tiếng và cũng là người nội tâm, gần như Long không giao tiếp với ai ngoài một vài người bạn thân của mình (Lộc, Cường, Toàn và Tào Trung – Long vẫn nhắc đến họ bằng một sự biết ơn khi đã ở bên trong những ngày tháng cơ cực ấy). Long gần như rất ít đi học khi việc đi làm đã ngốn quá nhiều thời gian, và chủ yếu là bởi Long không thể kết nối với các bạn. Họ không đánh đàn, họ không yêu nghệ thuật, Long không thể tìm thấy điểm chung và cậu cũng từ chối việc phải hòa nhập vào môi trường ấy.
Sau 1 năm ở Nhật, Long quyết định về Việt Nam cho một kỳ nghỉ ngắn ngày. “Tôi phải ra sân bay vạ vật trước 18 tiếng vì sợ muộn tàu và tôi cũng không có tiền đi xe bus”. Long nói. Giây phút Long nhìn thấy thấp thoáng đất mẹ qua ô cửa kính máy bay cũng là giây phút Long òa khóc. Cậu thậm chí đã quỳ xuống chạm môi hôn mặt đất khi đặt chân xuống máy bay. “Đây rồi!!! Tôi yêu Việt Nam”. Long kể lại, bằng một chất giọng phấn khích như thể câu chuyện ấy mới diễn ra ngày hôm qua.
Cuộc phiêu lưu của Long vẫn chưa dừng lại. Về nước được nửa tháng, trường của Long bên Nhật bất ngờ gọi điện và thông báo cậu đã bị đuổi học. “Lúc đó, tôi đang ngồi trên hồ Tây với Phong Khìn”. Long lập tức lấy điện thoại để gọi cho mẹ. “Tao cấm mày nói với bố – mẹ bảo vậy, và tôi làm theo thật”. Long quay lại Nhật, rút học bạ, thu dọn đồ đạc và máy tính tại căn nhà nay đã trở thành một vương quốc gián trong thời gian cậu đi vắng. Vậy là Long lại bắt đầu một hành trình kỳ lạ khác, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
Về nước nhưng vẫn giấu bố chuyện mình bị đuổi học, Long buộc phải sống 2 cuộc đời. Một mặt, cậu vẫn giả vờ rằng mình đang đi học ở Nhật với bố. Mặt khác, cậu chuyển sang sống tạm ở nhà một người bác trên phố Đội Cấn. “Đó là một căn nhà thuê với giá chỉ 2 triệu rưỡi/ tháng, tôi và bác ở tầng cao nhất, dưới tầng 1 là một… thằng nghiện”. Long kể. Trong căn nhà bé xíu ấy, Long và bác ngủ chung mỗi ngày trên một cái giường. “Sáng hai bác cháu gọi nhau dậy ăn sáng rồi cùng tập thể dục. Một cảnh rất là ấm áp tình người”.
Cuộc sống của Long cứ tiếp diễn như thế trong suốt 6 tháng. Cho đến một ngày, một người bạn của Long nói rằng chuẩn bị có một chương trình có tên King of Rap và động viên Long hãy đi thi. Long nghe theo và đăng ký, gửi video cho chương trình với cái tên MCK. Trước đó, BTC có gửi lời mời Nger tham gia cuộc thi, nhưng họ lại chẳng biết MCK là ai, vậy nên Long bị loại ngay lập tức.
Nhưng khi ấy Rap Việt cũng đang trong giai đoạn khởi động. “Có hai cuộc thi cơ mà, không được cái này thì mình thi cái kia”. Long nói. Ngày đi thi, Long cùng một người bạn đèo nhau trên chiếc xe Cub đến điểm thi ở một hàng quần áo hiphop tại Hà Nội. Long thậm chí còn suýt đến trễ do bị công an tuýt còi. Đến nơi, BTC yêu cầu phải nộp lyric trước nhưng Long nào đã chuẩn bị gì, trong đầu cậu trống trơn vì thậm chí còn chưa nghe beat. “Hãy cho em nghe beat rồi em sẽ cho chị biết lyric của em”. Long nói với người của BTC. Thật may, đó là sở trường của Long – một con beat trap.
“Và thế là tôi đi thi. Xong rồi đấy, như này”. Long tự chỉ vào người mình rồi cười nhăn nhở.
“Tôi ghét sự nổi tiếng”. MCK thẳng thắn nói.
MCK bắt đầu ý thức được sự nổi tiếng khi tập mà cậu xuất hiện trong Rap Việt được phát sóng. Mọi thứ ập đến như một giấc mơ. Từ một đứa trẻ phải sống trên gác xép để giấu bố chuyện mình bị đuổi học, MCK bỗng chốc có tất cả mọi thứ. Sự nổi tiếng mang đến cho MCK những thứ mà cậu không thể tưởng tượng nổi. “Cho tôi rất nhiều tiền”. MCK nói. “Cho những trải nghiệm tôi chưa từng có và đi đến nơi tôi chưa từng đến. Cho cả sự công nhận và tôn trọng của mọi người xung quanh”. MCK đã từng bị thuyết phục bởi sự lấp lánh, đẹp đẽ và hào nhoáng ấy. “Trước đây, khi nhìn người nổi tiếng trên TV, tôi thấy đó quả là một thế giới xa xăm mà mình không thể chạm đến. Và rồi dần dà, bằng cách nào đấy, tôi được đưa vào thế giới đó lúc nào chẳng hay”.
Nhưng cho đến khi ở trong cái bong bóng của sự nổi tiếng mang tính hiện tượng ấy, MCK nhận ra rằng nó đang rút cạn linh hồn mình. “Khi nổi tiếng rồi, tôi nhận ra rằng mọi người có nhu cầu nhiều hơn nữa. Họ không chỉ dừng lại ở việc yêu thích một bài hát, mà họ muốn thần tượng một con người. Họ muốn tất cả chứ không chỉ muốn sản phẩm mình làm ra”. Thế nhưng, con người của MCK được sinh ra với những tính cách không dành cho việc gánh vác trách nhiệm trở thành một biểu tượng của số đông. “Sự nổi tiếng giống như trao cho mình một cái vai và bắt mình phải diễn cái vai đấy thật đạt. Cho đến lúc, tôi nhận ra rằng mình đã chớm trầm cảm thì cũng là lúc mà tôi chán cái vai đấy rồi. Nhưng khi tôi thay đổi thì mọi người lại không kịp thay đổi theo tôi. Và họ trách tôi rằng tại sao tôi lại thay đổi như vậy? Nếu tôi không nổi tiếng, chắc gì họ đã thích tôi?”.
Những ồn ào ập đến khi MCK vẫn sống theo bản năng và cảm xúc của mình dù bây giờ đã có hàng triệu đôi mắt dõi theo cuộc sống của cậu và bóp méo câu chuyện đời cậu theo góc nhìn của họ. “Sự nổi tiếng không xấu nhưng tôi nghĩ rằng, nổi tiếng ở độ tuổi nào sẽ rất quan trọng. Còn trẻ, nổi tiếng xong rồi… mất nhân sinh quan lắm chị à”.
Chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, MCK từ một người ít ai biết đến đã trở thành một ngôi sao sống trong những lời khen và cả sự miệt thị. Cậu sống giữa hai thái cực của sự tự hào và cả hoài nghi về bản thân. “Tôi mất đi rất nhiều mối quan hệ bởi họ nhìn tôi là MCK mà thôi. Tôi không còn có thể kết bạn được nữa, dù vòng tròn bạn bè ngày càng bé lại”. Đó là một cảm giác mà chúng ta khi đứng ngoài không thể nào hiểu nổi. “Nếu chị đang bình thường, nhưng có người nói chị ngu ngốc, chị sẽ thấy thế nào? Một, hai người nói thì chị có thể không tin. Nhưng khi 1000 người nói điều đó trong một ngày, liệu chị có còn tin vào bản thân mình nữa không?” MCK nói.
“Hôm nay tôi đang như thế này, đang ok và có những sản phẩm hay thì mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng ngày mai tôi bị phốt, các bạn có còn yêu quý tôi không?
Giây phút MCK nhận ra rằng sự nổi tiếng đang chi phối mình cũng là lúc cậu không hiểu mình đang là MCK hay là Nghiêm Vũ Hoàng Long. “Nó diễn ra khi những hành động không còn ăn nhập vào suy nghĩ của tôi nữa”. MCK ngập ngừng. “Từ những cử chỉ trong cuộc sống hàng ngày, tôi đều thấy mình cứ… sao sao, hình như không đúng lắm thì phải? Ngày trước mình đâu có trịch thượng như thế? Hay mình đang thay đổi thành một người khác?”. Cậu bỗng hiểu rằng mình hành xử như vậy chỉ nhằm mục đích bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công và soi xét của người ngoài, và thật là không đáng nếu cậu phải sống trong một cái vỏ gai góc chỉ để gồng lên trước những điều vô nghĩa với đời mình.
“Chẳng để làm gì! Họ tự tạo ra tôi rồi lại nói rằng mọi thứ tồi tệ là do tôi? Bây giờ tôi sẽ không tin họ nữa. Tôi sẽ sống theo cách của mình và chấm hết”.
Lần đầu tiên tôi gặp Long đó là một buổi trưa nắng ở Sài Gòn. Long hẹn tôi tại một quán cafe vỉa hè ở quận 2, thư thả ngồi nói chuyện với tôi 3 tiếng đồng hồ về tất cả mọi thứ trong cuộc sống (từ những ưu tư mang tầm vĩ mô như nghệ thuật, cho đến chuyện… horoscope). Long chỉ bắt tay và lịch sự từ chối mọi thỉnh cầu chụp ảnh cùng của các fan hâm mộ khi họ nhận ra cậu, thế nhưng lại nhận lời ngay lập tức khi một bạn trẻ mặc áo xe ôm công nghệ đến gần xin chụp hình và nói rằng đã lặng lẽ quan sát cậu từ xa.
“Cái may mắn của tôi khi phải đón nhận sự nổi tiếng, đó là kể cả không cần nổi tiếng, tôi vẫn… như thế này. Nhưng khi nổi tiếng, tôi có thời gian để suy nghĩ về những thứ nằm ngoài vòng tròn của cơm áo gạo tiền, về những thứ rộng hơn, tự do hơn, và nhờ đó, góc nhìn của tôi về cuộc sống cũng mở mang hơn”.
Trong mọi lần gặp gỡ, Long đều cho tôi thấy một hình ảnh về một sự mâu thuẫn đầy hợp lý. Bất cần nhưng nhạy cảm. Rất ngang tàng nhưng cực kỳ lễ phép. Chửi bậy rất nhiều nhưng nói chuyện toàn những suy nghĩ sâu xa. Long hiểu rằng việc người ta sẽ nhìn cậu như một người bình thường giờ đã là bất khả, nhưng điều đó không có nghĩa rằng cậu chấp nhận rằng mình không thể có một cuộc sống như trước đây nữa. Khi bước chân ra khỏi cái bong bóng hào nhoáng của danh tiếng, Long lại nhìn cuộc đời bằng một cặp mắt hiếu kỳ của một chàng trai đang lớn – tò mò và thích thú với những câu hỏi về nhân sinh. Với Long, điều khiến cuộc sống cậu có ý nghĩa lúc này không chỉ là những con số thành tích hay những lời tán dương của người lạ. Đó là những khoảnh khắc cậu ngồi bên hồ Trúc Bạch chém gió hàng tiếng đồng hồ với đám bạn thân, phóng xe máy bon bon trên phố mà không ngại ai đó nhận ra, hay những ngày trút hết những suy tư và ngẫm nghĩ của mình trong phòng làm nhạc. Niềm hạnh phúc và bình yên của Long an trú trong vô vàn những khoảnh khắc bé nhỏ ấy. Nhờ chúng, Long thấy cuộc đời thật đẹp, và nó khiến Long nhận ra rằng “Lúc này, tôi không muốn chết”.
Long tự nhận rằng mình vẫn là một người trẻ và tham lam. Long không muốn chỉ dừng lại ở đây và cảm thấy thế là đủ. “Tôi không biết đủ”. Long nói.
Sau tất cả những trải nghiệm bầm dập, Long nói rằng cậu đã giết cái bản thể MCK để được trở lại làm Nghiêm Vũ Hoàng Long. Và nhờ đó, cậu tìm được niềm tin. “Đó là thứ duy nhất tôi kiểm soát được. Niềm tin quan trọng nhất vẫn là niềm tin ở bản thân mình. Ngay cả khi bạn phải đánh đổi, mất mát, khổ đau,… thì chỉ cần bạn tin vào bản thân thì rồi bạn sẽ nhận ra rằng: Thật ra mình chẳng mất gì cả”. Long thì thầm.
Long của hiện tại đã ổn hơn. Đã tìm được câu trả lời cho những điều từng khiến cậu lạc lối. Đã học được cách đi thăng bằng giữa lằn ranh mập mờ của buồn – vui, yêu – ghét. Đã hiểu rằng mình không thể đầu hàng những gì diễn ra trong tâm trí, và cũng đã tìm được thứ ánh sáng lấp lánh bên trong để dẫn lối hành trình tiếp theo. Trong một vũ trụ của nỗi bất an, ám ảnh ngờ vực, sự tan vỡ và âu lo bất định, Long đã tìm thấy một tinh cầu của riêng mình để gieo lên đó những mầm non của sự an lành. Đó là nơi cậu có thể sống với âm nhạc mà không phải nghĩ về việc trở thành một thần tượng. Có thể đủ đầy mà không cần trở thành một ai khác. Cậu đã ngủ trong những căn phòng khang trang và không còn nơm nớp lo gián tấn công mỗi khi đêm về, cũng đã mở cánh cửa của lòng mình để đón nhận cả những cánh bướm và chú chim. Để kết thúc bài viết này, tôi gửi tặng Long và cả những bạn trẻ đang ngổn ngang với những suy tư về cuộc sống – một đoạn trích dẫn ngắn từ cuốn sách mà tôi rất thích của Rainer Maria Rilke, dịch bởi một dịch giả mà tôi cũng rất hâm mộ. Đó cũng là trích dẫn đã theo tôi rất nhiều ngày đen tối của cuộc đời, để một ngày nọ, tôi cũng nhận ra, mình đã tiến gần hơn tới câu trả lời.
“Hãy kiên nhẫn với những gì còn vướng mắc trong em, cố gắng yêu lấy những câu hỏi như yêu những căn phòng đóng kín và ôm ấp những cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ. Đừng vội tìm kiếm ngay bây giờ những câu trả lời, chúng chưa được trao cho em vì em chưa đủ khả năng để sống chúng. Vấn đề cốt lõi là, cần phải sống tất cả mọi thứ. Sống những câu hỏi ngay bây giờ. Có thể nhờ thế mà em sẽ dần dần, dù em không nhận ra, một ngày kia em sẽ sống gần hơn với câu trả lời”.
HAYFEST, B-FENLE
TÔN QUỲNH LÂM
RED-PROD MULTIMEDIA
NGUYỄN BÙI BẢO NGỌC
CALLIMOTION
THIỆN NGUYỄN
THẠCH LÊ