Chuyên gia dự đoán 5 ngành nghề “siêu tăng trưởng” ở Đông Nam Á
Đây đều là những ngành nghề mang lại thu nhập cao và đang “khát” nhân lực chuyên môn.
- Một ngành nghề được dự đoán “hot” nhất tính đến năm 2030: Không lo thiếu việc làm, thu nhập có thể lên đến 32 triệu/tháng
- 5 ngành nghề hot nhất hiện nay không lo bị lỗi thời: Ít bị AI đe dọa, lương cao, đặc biệt đi chơi vẫn kiếm ra tiền
- Học đại học hay học nghề, đâu mới là con đường đúng đắn cho người trẻ?
Giám đốc công nghệ, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Jenfi Capital, ông Nicky Minh cho biết, Đông Nam Á là khu vực đa dạng tiềm năng, đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ. Ông dự đoán 5 ngành dưới đây sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất, tạo nên xu thế trong năm 2023 tại Đông Nam Á.
1. Thương mại điện tử
Đông Nam Á có dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, khu vực này ghi nhận xu hướng chuyển dịch thương mại điện tử mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người mua sắm hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến.
Nhóm phân tích dữ liệu người tiêu dùng Statista dự đoán, doanh số thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ đạt 158,9 tỷ USD vào năm 2023. Doanh số dự đoán tăng thêm 12% mỗi năm trong 4 năm tiếp theo. Độ phủ sóng của Internet và công nghệ di động đang khiến việc mua hàng online dễ dàng hơn. Các công ty thương mại điện tử như Lazada cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và khâu giao hàng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ảnh: Jobsgo
Tìm kiếm cơ hội trong ngành thương mại điện tử, các bạn trẻ có thể làm việc tại nhiều vị trí như phát triển sản phẩm (OP), kinh doanh, logistics…
2. Y tế kỹ thuật số
Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành y tế ở Đông Nam Á, đánh dấu sự xuất hiện của nhiều giải pháp y tế kỹ thuật số, bao gồm khám bệnh tư xa, theo dõi người bệnh từ xa hay hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo báo cáo của Tech In Asia, mức đầu tư vào y tế kỹ thuật số (Medtech) tại Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2021 đã cao hơn 100 triệu USD so với cả năm 2020. Vào năm 2023, lĩnh vực này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa khi công nghệ được cải thiện và cộng đồng tiếp tục ưu tiên sức khỏe .
Công nghệ đang có tác động mạnh mẽ lên ngành y tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: Baotintuc
Công nghệ không chỉ khiến việc khám chữa bệnh thuận tiện hơn mà còn cải thiện hiệu quả chẩn đoán bệnh, giảm tối đa các lỗi do con người gây ra. Chẳng hạn như thiết bị chụp X-quang di động ứng dụng trí tuệ nhân tạo của GE Healthcare có thể cảnh báo tình trạng tràn dịch màng phổi. Thiết bị này đang được ứng dụng ở những bệnh viện tuyến đầu tại Việt Nam.
3. Công nghệ tài chính
Công nghệ tài chính (Fintech) là ngành sử dụng công nghệ để cải thiện và tự động hóa các dịch vụ tài chính. Công nghệ tài chính thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao.
Một lượng lớn startup fintech đã gia nhập thị trường với các sản phẩm thanh toán điện tử, tiền điện tử, cho vay trực tuyến… Tại Việt Nam, nhiều “ông lớn” công nghệ cũng đang rất quan tâm đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính.
Fintech đang mở ra cơ hội việc làm ở liên quan đến công nghệ thông tin và tài chính như phân tích tài chính, phân tích dữ liệu doanh nghiệp (BA), phát triển sản phẩm (PO), lập trình viên.
Nhân sự ngành công nghệ thông tin và tài chính đều có thêm cơ hội trong Fintech. Ảnh: M Moser Associates
4. Năng lượng tái tạo
Sau Thỏa thuận chung Paris 2015, ASEAN đặt mục tiêu đạt 35% năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng lắp đặt của ASEAN vào năm 2025. Nhiều quốc gia bao gồm cả Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là lúc hàng loạt chính sách, đãi ngộ được đưa ra để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.
Ngành năng lượng tái tạo hiện bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và năng lượng sinh học.
Nhân sự theo đuổi ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể tiếp cận các công việc như kỹ sư điện năng mặt trời, chuyên viên vận hành năng lượng mặt trời hay phát triển dự án năng lượng mặt trời. Nhóm công việc này có mức thu nhập khá tốt, thiếu nhân sự đáp ứng được chuyên môn.
5. Công nghệ giáo dục
Công nghệ giáo dục hay Edtech là ngành sử dụng công nghệ để cải thiện, nâng cao hệ thống giáo dục. Công nghệ giáo dục mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục không giới hạn vị trí địa lý, hỗ trợ cả sinh viên và giáo viên.
Năm 2020, ứng dụng công nghệ giáo dục tại Đông Nam Á đã tăng ba lần so với các năm trước. Edtech dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.