Rối loạn kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều là một vấn đề nghiêm trọng đối với nữ giới ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả bé gái vị thành niên hay phụ nữ trưởng thành.
Các yếu tố lối sống như béo phì, hút thuốc, uống rượu, ngủ không đủ giấc, ăn uống không điều độ và thói quen tập thể dục làm tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt.
Theo BSCKI. Phạm Minh Vương – Trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, kinh nguyệt bình thường khi bé gái nữ ở tuổi dậy thì bắt đầu có kinh từ 11-18 tuổi, vòng kinh bình thường khoảng 22 – 35 ngày, trung bình là 28 – 30 ngày, thời gian hành kinh từ 3 – 7 ngày hoặc hơn. Lượng máu kinh không ổn định, dao động lúc ít lúc nhiều từ 20 ml – 70 ml. Màu kinh có màu đỏ tươi, không đông, mùi hơi nồng, không tanh.
Ở bé gái mới bước vào độ tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục nữ vẫn chưa phát triển toàn diện nên dễ bị rối loạn. Do đó, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt trong vòng 1-2 năm đầu tiên được xem là bình thường.
Có nhiều loại rối loạn kinh nguyệt khác nhau với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, bao gồm đau khi hành kinh, chảy máu nhiều hoặc không có kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể bao gồm các chu kỳ đến sớm hơn 21 ngày, cách nhau hơn 3 tháng hoặc kéo dài hơn 10 ngày. Sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt có thể do trục nội tiết: dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng rối loạn hoặc bị các bệnh lý như: u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, ung thư cổ tử cung…
Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt có thể phát sinh từ các nguồn sinh lý như mang thai, căng thẳng, tập thể dục quá mức, giảm cân, bất thường về nội tiết, cấu trúc hoặc do điều trị thứ phát sau khi sử dụng biện pháp tránh thai… Do đó cần phải phát hiện và quản lý sớm để giảm thiểu khả năng biến chứng liên quan đến khả năng sinh sản và sức khỏe sau này.
Nhiều phụ nữ chủ quan ít quan tâm đến rối loạn kinh nguyệt, bỏ qua việc phát hiện sớm và điều trị kinh nguyệt không đều vì nghĩ rằng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt không được kiểm soát thì lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Do đó, Bs. Phạm Minh Vương bật mí 3 việc cần làm với chị em phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.
1.Lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh
Để ngăn ngừa rối loạn kinh nguyệt, chị em phụ nữ cần có dinh dưỡng lành mạnh là điều cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhu cầu dinh dưỡng của các phụ nữ rất khác nhau theo từng cơ thể và độ tuổi. Do đó, việc bổ sung các loại rau xanh, cá giàu omega-3, thịt gà, trứng và trái cây để bồi bổ cơ thể là vô cùng quan trọng. Các loại rau và trái cây không chỉ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, vitamin và chất xơ quan trọng trong chế độ ăn uống mà còn đóng một vai trò trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh. Các loại ngũ cốc, đậu và các loại hạt cũng nên được dùng để cung cấp năng lượng dự trữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, phụ nữ nên tránh thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt chứa nhiều cholesterol xấu và “calo rỗng” – là những loại thực phẩm và đồ uống mà trong thành phần không chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng nào đáng kể nhưng lại chứa nhiều calo, ví dụ như nước ngọt, bim bim…
2. Tập thể dục vừa phải
Hoạt động thể chất vừa phải hỗ trợ duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng bằng cách tăng cường độ nhạy insulin, tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản trong cơ thể và hỗ trợ bình thường hóa chu kỳ kinh nguyệt và cải thiện hội chứng buồng trứng đa nang.
Các bài tập tim mạch nhẹ như chạy bộ nhẹ, đạp xe và bơi lội rất được khuyến khích và yoga có thể giúp ích cho những người bị đau bụng kinh nghiêm trọng. Tập thể dục cũng thúc đẩy sự phát triển của endorphin, là chất hóa học thần kinh hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên và cải thiện tâm trạng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Vương cũng khuyến cáo, cần lưu ý, tập thể dục quá mức lại có tác động tiêu cực đến sức khỏe kinh nguyệt như ngăn chặn sự rụng trứng và giảm sản xuất progesterone. Vì vậy, chị em phụ nữ nên tránh bất cứ điều gì từ tập luyện marathon đến tập luyện sức mạnh nặng, đặc biệt là vào những ngày kinh nguyệt ra nhiều.
3. Thay đổi lối sống
Bác sĩ Phạm Minh Vương cho hay, điều đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện đó là chị em phụ nữ nên hình thành thói quen sống lành mạnh, điều độ để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt. Chị em không nên ăn các món quá mặn, lạm dụng rượu bia hoặc cà phê gây ức chế hormone khiến các mạch máu trong tử cung co lại, hạn chế lưu lượng máu.
Mất ngủ dẫn đến mất cân bằng sản xuất melatonin, cần thiết cho một chu kỳ bình thường. Do đó, phụ nữ nên duy trì nếp sống điều độ, đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Như vậy rối loạn kinh nguyệt sẽ được kiểm soát một cách tốt nhất.
Thiếu cân hoặc thừa cân có thể gây ra một số rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, lý tưởng nhất là thực hiện mục tiêu có cân nặng hợp lý theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Ngoài ra, tâm trạng cũng quyết định không nhỏ tới chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ luôn giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, có thể nghe nhạc nhẹ để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong ngày.
Tham gia các hoạt động như thiền định tập yoga và hít thở sâu khi thấy căng thẳng, lo lắng và trầm cảm để chu kỳ kinh nguyệt trở nên bình thường.
Khi bị rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh kéo dài, ra máu kinh nhiều hơn bình thường phụ nữ cần được thăm khám sớm, có phương pháp điều trị phù hợp để không gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc vùng kín sạch sẽ, đúng cách và theo dõi những triệu chứng bất thường của cơ thể. Nếu thấy dấu hiệu kinh nguyệt không đều, bất thường nên điều trị sớm hoặc thay đổi lối sống để ngăn ngừa những biến chứng xấu có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia tiết lộ những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.