Nếu một ngày nọ vô tình lạc vào nhóm chat bạn bè hay hội nhóm trên MXH dành cho học sinh, bạn chắc chắn sẽ phải giật mình khi chứng kiến cảnh những học sinh cấp 2, thậm chí là cấp 1… văng tục chửi bậy như cơm bữa. Có không ít người lớn nói tục như câu cửa miệng và giờ đây, đáng quan ngại hơn khi dường như nhiều học sinh ở độ tuổi rất nhỏ cũng đang mắc phải tật xấu này.
Liên quan đến vấn đề nói tục chửi bậy ở học sinh, Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh – Chuyên gia tâm lý Viện tâm lý Giáo dục Braincare đã có những phân tích dựa trên khía cạnh tâm lý cũng như đưa ra một vài lời khuyên hữu ích cho phụ huynh trước thực trạng này.
Khi nói tục chửi bậy là “trend”
Theo Thạc sĩ Lê Thế Hanh, hiện tượng văng tục chửi bậy của các em học sinh THCS vốn đã diễn ra từ nhiều năm nay với nhiều hình thức và cường độ khác nhau. Các em có thể sử dụng mẫu ngôn ngữ này tại lớp học, gia đình hoặc trên mạng xã hội.
Khi phân tích và tìm hiểu nguyên nhân tạo ra hiện tượng này ở nhóm học sinh cấp 2, có một số nguyên nhân dễ nhận thấy như sau:
Thứ nhất, các em sẽ bắt chước lẫn nhau. Khi xung quanh, có một bạn hoặc một nhóm bạn văng tục chửi bậy thì rất dễ dẫn đến tình trạng các bạn khác học theo và coi đó như một hoạt động tự nhiên, mặc định là được phép sử dụng.
Thứ hai, do sự phát triển của mạng xã hội và game online, trên mạng xã hội có nhiều nhóm chưa được kiểm duyệt cộng đồng có thể khiến các bạn học sinh tham gia và bắt chước những gì mình thấy, mình nghe. Ngoài ra, có một số game online và người chơi sử dụng ngôn từ làm tổn thương mạnh mẽ với những người chơi kém hơn.
Thứ ba, văn hóa gia đình có sử dụng các mẫu ngôn ngữ không phù hợp, trong một số hoàn cảnh gia đình có thói quen văng tục khi giao tiếp khiến cho các bạn xem đó là bình thường và sử dụng khi đến lớp hay ngoài xã hội.
Tóm lại, những học sinh ở độ tuổi cấp 1, cấp 2 sẽ học tập thông qua việc bắt chước các mẫu hành vi và ngôn ngữ từ gia đình, bạn bè và không gian trẻ tương tác giao tiếp như mạng xã hội, game online… Chính vì điều đó, chỉ cần một chút “lệch chuẩn” là các em hoàn toàn có thể học theo.
Tác động của MXH tới “trend” chửi bậy của học sinh
Một nghiên cứu chỉ ra độ tuổi trung bình mà trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, còn trên thế giới là 13. Mà ở độ tuổi 13, trẻ mới bắt đầu tiếp cận hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng. Việc trẻ em tiếp cận quá sớm với Internet (từ game đến MXH…) và tiếp xúc một cách không kiểm soát, cũng là một nhân tố khiến tình trạng nói tục chửi bậy ở trẻ ngày một gia tăng hiện nay.
Đặc biệt, ở tuổi dậy thì nhiều em chưa có đủ khả năng phân định đúng sai, tốt xấu, nếu như mọi người xung quanh có nhiều thói quen nào thì các bạn sẽ mặc định đó là điều bình thường và chấp nhận trong môi trường đó.
“Khi sử dụng Internet nói chung, những thông tin các em học sinh tiếp nhận chưa có sự kiểm duyệt thì các em sẽ xem như đó là điều được phép sử dụng trong cuộc sống.
Cho nên, khi cho con sử dụng công nghệ thông minh, các phụ huynh cần hướng dẫn và giáo dục trẻ khả năng phản biện với những gì các em tiếp nhận. Đồng thời, phụ huynh cũng cần dạy các em suy ngẫm thật thấu đáo về các thông tin trước khi chấp nhận và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là những mẫu ngôn từ trong cuộc sống, trẻ cần có khả năng phân biệt đâu là ngôn ngữ phù hợp trong các tình huống giao tiếp”, Thạc sĩ Lê Thế Hanh chia sẻ.
Chửi bậy ảnh hưởng đến học sinh thế nào?
Thạc sĩ Lê Thế Hạnh chia sẻ, có nhiều bạn học sinh phản hồi dù không thích sử dụng ngôn ngữ chửi bậy trong trường lớp nhưng khi thấy các bạn sử dụng thì mình cũng phải sử dụng nếu không thì sẽ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và không được chấp nhận trong các nhóm bạn.
Đứng dưới góc nhìn văn hóa giáo dục, nếu các bạn học sử dụng ngôn ngữ như vậy là không phù hợp với tất cả xã hội, vậy nên ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất trong mối quan hệ xã hội với các em học sinh có thói quen nói tục chửi bậy là trẻ sẽ bị đánh giá về tính cách, con người và xây dựng hình ảnh xấu về trẻ trong tâm trí của người khác.
Đặc biệt, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình, Thạc sĩ Thế Hanh cho biết việc chửi bậy nói riêng và rối loạn hành vi nói chung có mối liên hệ đến chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng như một số vấn đề về khả năng quản lý cảm xúc hành vi khác.
Các bạn học sinh gặp khó khăn trong việc quản lý hành vi của mình sao cho phù hợp với các tình huống xã hội. Trẻ coi những ngôn ngữ chửi bậy của mình đang sử dụng là tự nhiên dẫn đến hình ảnh về các bạn trong mắt người khác bị xấu đi.
Mức độ nào chúng ta có thể chấp nhận ở việc nói bậy ở trẻ?
Thạc sĩ Thế Hanh kể lại, đã từng có một bạn học sinh giỏi đứng lên trước toàn trường để phát biểu cảm nghĩ và cảm ơn các thầy cô ngày 20/11 nhưng khi bất chợt nói sai, em này đã thốt ra một câu chửi bậy ngay trên sân khấu trong vô thức. Việc bình thường hóa văn hóa văng tục chửi bậy là điều không được chấp nhận trong xã hội bởi chỉ một lần các em thể hiện ngôn ngữ không phù hợp sẽ bị đánh giá và hình ảnh xấu theo lâu dài sau đó.
Như vậy, chúng ta cần nghiêm túc loại bỏ mẫu ngôn từ văng tục chửi bậy ra khỏi môi trường học đường và thay vào đó là những mẫu ngôn từ quan tâm lẫn nhau, nâng đỡ tâm lý và tinh tế khéo léo để hạn chế những tổn thương tâm lý trong quá trình giao tiếp.
Đứng dưới góc độ văn hóa giáo dục, chúng ta cần loại bỏ chửi bậy trong môi trường học đường. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng dân tộc xưng hô trong giao tiếp có sự suồng sã nhưng không tạo ra sự phản cảm trong xã hội thì đó được xem như là mức độ có thể chấp nhận được. Điều quan trọng nhất trong giao tiếp chính là sự tôn trọng và thấu hiểu, vậy nên các bạn học sinh cần học cách tôn trọng từng cá thể và thấu hiểu được văn hóa nơi mình đang sống.
Phụ huynh cần làm gì khi con văng tục chửi bậy?
Khi con có thói quen này, cha mẹ cần thực hiện một số bước sau:
Thứ nhất, phụ huynh cần bình tĩnh và quan sát xem tần suất, mức độ và cường độ tiêu cực của những mẫu ngôn từ chửi bậy mà trẻ đang sử dụng.
Thứ hai, phụ huynh cần nắm được trong tình huống nào trẻ sử dụng ngôn từ đó, yếu tố kích nào khiến trẻ sử dụng từ đó mới có định hướng xử lý.
Thứ ba, phụ huynh sau khi nắm được thông tin chính xác mức độ và yếu tố khởi phát ngôn ngữ của trẻ thì bắt đầu ngồi nói chuyện với trẻ. Phụ huynh cần giúp trẻ nhìn ra được tác động tiêu cực của mẫu ngôn từ này trong cuộc sống và toàn cảnh xã hội nói chung.
Thứ tư, phụ huynh ngồi thảo luận với trẻ về mẫu ngôn từ nên được sử dụng trong cuộc sống cụ thể là gì và tạo động lực để trẻ phản kháng lại với những ngôn từ nói tục chửi bậy.
Thứ năm, phụ huynh sẽ làm mẫu về phong cách giao tiếp lành mạnh và nhắc trẻ khi trẻ mắc lỗi giao tiếp, từ đó tạo ra môi trường giao tiếp với những ngôn từ tinh tế hơn.
Để hạn chế tình trạng văng tục, chửi bậy ở trẻ em, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chỉ khi mỗi cá nhân và cộng đồng cùng nhận thức và hành động, mới có thể dần dần xây dựng một xã hội không có chỗ cho văn hóa phản cảm và tiêu cực này.