Có 3 câu cha mẹ thích nói bao nhiêu, con cái chán ghét bấy nhiêu: 90% phụ huynh đang mắc phải
Một lời nói vô tình của cha mẹ có thể khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân, trở thành vết sẹo trong lòng, lâu ngày không thể hàn gắn.
- Cha mẹ dạy con chọn bạn đời: Đừng tìm người có nhà có xe, nên chọn 3 kiểu người này
- Cách nuôi dạy con đầy cứng rắn của Viên Vịnh Nghi
- Mẹ cần tránh thân thiết quá mức khi nuôi dạy con trai
Có câu chuyện kể rằng: Một giáo viên chuyên về giao tiếp đã chia các phụ huynh đến tư vấn thành hai nhóm.
Mỗi nhóm đều có nhiệm vụ giống nhau, đó là viết ra giấy những gì họ sẽ nói trong trường hợp xung đột với những người khác. Tuy nhiên, đối tượng xung đột của 2 nhóm lại có sự khác biệt. Một nhóm xung đột với con cái của mình, nhóm còn lại xung đột với người hàng xóm.
Cuối cùng, mọi người đều ngạc nhiên khi thấy rằng, nếu đối tượng của cuộc cãi vã là một đứa trẻ, những gì cha mẹ nói ra thường thiếu sự tôn trọng và đồng cảm. Nhưng với hàng xóm, hầu hết các bậc cha mẹ đều kiềm chế hơn.
Cuối cùng, người giáo viên đó đã nhận xét: Cái mác “trẻ con” có thể khiến chúng ta cư xử theo những cách rất đáng tiếc.
Quả thật, có nhiều người rất nhẹ nhàng khi nói chuyện với bạn bè, rất tinh ý khi giao tiếp với lãnh đạo, dù gặp ai cũng chẳng nổi nóng, gắt gỏng bao giờ. Nhưng cũng chính người đó lại thường xuyên gắt gỏng, trách móc con cái của mình.
Vô tình, đứa trẻ bị tổn thương và mối quan hệ gia đình bị rạn nứt.
Điều đáng sợ là, nhiều phụ huynh làm điều này trong vô thức. Chính thói quen đặt mình ở vị thế bề trên đã khiến họ vô tình nói ra những điều mà con cái ghét nhất. Đó là những điều gì?
Ảnh: Internet
1. Những mệnh lệnh cứng nhắc
Những câu nói mang tính mệnh lệnh, chẳng hạn như “dậy nhanh lên”, “ăn nhanh lên”, “sao còn chưa học”, “đi ngủ ngay”… thường khiến trẻ em phản cảm. Thế nhưng, chúng luôn được phát lặp đi lặp lại trong nhiều gia đình.
Cha mẹ nghĩ đó là chuyện thường tình, nhưng với con cái, đó là điều rất ám ảnh. Trẻ không chỉ nhận thấy cảm xúc căng thẳng của cha mẹ, mà còn có cảm giác bị kiểm soát không cưỡng lại được.
Chuyên gia tâm lý Marshall Rosenberg kể rằng, mình từng ra lệnh để con trai Blatt đi đổ rác, nhưng cậu bé hoàn toàn không nghe.
Để hiểu tâm lý của đứa trẻ, sau đó, ông đã chủ động nói chuyện với con trai mình rất lâu. Cuối cùng, ông phần nào hiểu được tâm lý của Blatt và đúc kết như sau: “Con có ấn tượng rằng, nếu con làm theo những gì bạn nói, bạn sẽ không tôn trọng con. Bạn có thể lớn tiếng phàn nàn và la mắng, nhưng con vẫn sẽ không đổ rác”.
Những lời mệnh lệnh mang tính cứng nhắc giống như một bức tường. Bạn dùng càng nhiều sức mạnh thì chúng dội ngược vào bạn càng đau bấy nhiêu. Trẻ sẽ sinh ra cảm xúc tiêu cực, rồi dần dẫn tới những hành vi phản nghịch.
Mặc khác, trong quá trình trưởng thành, nếu tiếp xúc quá nhiều câu mệnh lệnh, trẻ cũng có thể sinh ra “tư duy phục tùng”. Trẻ bị động trong việc thể hiện suy nghĩ và quan điểm, chỉ ỷ lại người khác.
Ảnh: Internet
2. Lúc nào cũng phủ định
Trong chương trình Phỏng Vấn Tâm Lý của đài truyền hình Trung Quốc CCTV, một người phụ nữ họ Phạm, 33 tuổi, đã chia sẻ về cuộc sống “ăn bám” của bản thân.
Theo chia sẻ, những năm đầu đời, cô cũng là một thanh niên có nhiều theo đuổi và ước mơ. Tuy nhiên, niềm khao khát tương lai dần cạn kiệt trước sự coi thường của cha mẹ.
Cô ấy tự thiết kế những đôi giày và rất thích thú khoe chúng với bố mẹ, nhưng họ đều cằn nhằn: “Vẽ bậy vẽ bạ lên giày thì có ích gì chứ?”.
Cô ấy muốn bắt đầu kinh doanh, nhưng bố mẹ cô ấy nói: “Con mà đòi thành công chắc, trời sập!”.
”Con thì làm được cái gì, đến con cún nhà hàng xóm còn được việc hơn!”.
Dưới sự bạo hành bằng lời nói trong thời gian dài của cha mẹ, cô ngày càng trở nên nhút nhát, tự ti, không bao giờ dám làm gì. Nhiều năm sau, cô đã thực sự biến thành hình tượng kém cỏi và không đạt được thành tích gì như những gì cha mẹ nói.
3. Kiểu “xong việc rồi mới nói”
”Thấy chưa, bố/mẹ đã bảo rồi mà”.
”Đã nói rồi mà không nghe, bây giờ con biết chưa!”.
”Nếu biết kết quả thế này, lúc đấy con phải làm thế kia chứ!”.
Không chỉ trẻ con, đến người lớn cũng chán ghét kiểu nói chuyện này.
Một bậc thầy về giao tiếp đã tổng kết kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình bằng câu nói thế này: “Mỗi lần tôi khiến các con phải hối hận vì đã không làm đúng như những gì tôi yêu cầu, các con lại khiến tôi hối hận vì những gì tôi vừa làm”.
Ngẫm đi ngẫm lại câu nói này, rất nhiều phụ huynh đã nhận ra: Đó chính là sự thật.
Người làm cha làm mẹ đều yêu thương con cái. Nhưng tuyệt đối đừng chọn cách tồi tệ nhất để thể hiện tình yêu của mình.
Ảnh: Internet
Nhiều cha mẹ thường có lối suy nghĩ quen thuộc như vậy: khiển trách → làm trẻ khó chịu → trẻ nhớ lâu.
Quả thật, làm như vậy sẽ có kết quả ngay lập tức trong thời gian ngắn.
Nhưng sau nhiều năm, tất cả những gì đọng lại trong lòng đứa trẻ là một sự trách móc nặng nề.
Ngược lại, khi đứa trẻ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, trẻ mới có cơ hội nhìn thấy ánh sáng bên trong mình, dần dần trở thành ngọn đèn soi sáng thế giới xung quanh.
Nguồn: Aboluowang