Trong nhiều năm nay, Tang ping (nằm một chỗ, mặc kệ sự đời) đã dần trở thành một lối sống mới của giới trẻ Trung Quốc. Họ từ chối kết hôn, không sinh con, chẳng cần mua nhà hay xe hơi, thậm chí không làm thêm giờ hoặc cố gắng giữ công việc hiện tại. Trường hợp tệ hơn là thay vì cố gắng theo đuổi kỳ vọng xã hội hoặc chống lại nó, người trẻ chọn cách đơn giản hơn là “nằm xuống”, tức là nghỉ việc và sống bằng tiền tiết kiệm.
Một cô gái có biệt danh Feifei (39 tuổi) là trường hợp Tang ping điển hình. Trong suốt 8 năm qua Feifei chủ động xin nghỉ việc, không đi làm kiếm tiền. Cô không giao du với người ngoài, một ngày nằm dài 20 tiếng trên căn nhà đi thuê rộng 10m2.
Điều gì đã khiến Feifei lựa chọn lối sống tiêu cực này?
Từ ám ảnh tuổi thơ đến áp lực chốn công sở
Feifei sinh ra trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cha mẹ mang tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên ngay khi còn nhỏ, mọi thứ tốt nhất trong gia đình từ quần áo, đồ ăn cho đến điều kiện học tập cô đều phải dành hết cho người anh trai.
Dưới sự nuông chiều của cha mẹ, anh trai Feifei dần hình thành tính cách bướng bỉnh, coi bản thân là số một. Bất kỳ lúc nào chị em gái trong nhà làm việc gì không thuận mắt, anh ta sẵn sàng đánh đập hoặc nói lời xúc phạm họ. Hoàn cảnh gia đình, cùng với một số trải nghiệm buồn trong thời gian đi học đã khiến Feifei nảy sinh tâm lý tự ti, ngại giao tiếp và có EQ thấp.
Ảnh minh hoạ
Sau khi tốt nghiệp đại học, Feifei tìm được công việc đầu tiên là trợ lý, mức lương thử việc là 600 tệ/tháng (~2,2 triệu đồng). Thời điểm đó, thị trường lao động cạnh tranh nên tìm được một công việc văn phòng không phải là điều dễ dàng. Feifei cũng rất hài lòng về công việc của mình. Cô làm việc chăm chỉ, cuối cùng thuận lợi vượt qua được vòng thử việc.
Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi được thăng chức lên nhân viên chính thức, Feifei bất ngờ bị công ty sa thải mà không có lý do cụ thể. Vào ngày thứ hai sau khi Feifei rời đi, cô nhận ra vị trí của mình đã được thay thế bởi một người họ hàng trong đội ngũ cổ đông của công ty.
Bởi vì đã có một số kinh nghiệm nhất định ở công ty đầu tiên, Feifei thuận lợi tìm được công việc thư ký thứ hai. Lần này cô tiếp tục bị ông chủ sa thải mà không thông báo trước. Nguyên nhân là vì Feifei không chịu làm thêm vào ngày chủ nhật như nhiều đồng nghiệp khác.
Với trải nghiệm tệ từ 2 công việc văn phòng đầu tiên, Feifei muốn thử thách bản thân bằng lĩnh vực mới là trở thành nhân viên bán hàng. Cô nàng lấy hết can đảm để đi phỏng vấn vị trí hướng dẫn viên mua sắm trong một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, cũng giống như hai công việc trước đó, Feifei lại bị sa thải. Với bản tính nhút nhát, Feifei chỉ có thể im lặng rời đi mà không nói lời phản kháng nào với chủ doanh nghiệp.
Thực tế, hình thức “đuổi nhân viên” này khá phổ biến ở các công ty trung Quốc. Họ chỉ cần người lao động làm tốt vai trò trong thời gian thử việc kéo dài từ 1-3 tháng, dài nhất là nửa năm. Sau thời gian này, chủ doanh nghiệp sẽ tìm một lý do bất kỳ để đuổi người. Như vậy công ty không cần trả tiền lương cao như nhân viên chính thức mà vẫn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lao động tự do cho quy trình vận hành của doanh nghiệp.
Dù trong lòng biết công ty đã làm sai luật, nhưng với bản tính nhút nhát, Feifei chỉ chọn cách im lặng chịu đựng mà không nói bất kỳ lời phản kháng nào. Thời điểm rơi vào cảnh thất nghiệp, Feifei chấp nhận làm bất kỳ công việc tay chân nào để kiếm sống. Sau đó, dù tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân, cô vẫn chọn đi làm công nhân may trong nhà máy, không yêu cầu kinh nghiệm.
Ảnh minh hoạ
Ngày tháng dần trôi qua, Feifei dần không chịu được cảnh công việc tẻ nhạt, lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phần khó khăn nhất của công việc.
Feifei nói, thời điểm “cực hình” nhất lúc cô phải đi trực ca đêm. Mặc dù trong lúc ký hợp đồng, quản lý nói với Feifei rằng nhân viên sẽ không bị buộc làm thêm ngoài giờ. Thế nhưng, Feifei và đồng nghiệp thường xuyên phải làm ca đêm, kéo thời gian làm việc cả ngày lên đến 15 tiếng. Nếu không tuân theo quy định của quản lý, những công nhân này sẽ bị sa thải. Sau cùng, do không chịu nổi áp lực công việc, Feifei đã chủ động xin nghỉ việc.
Feifei cho hay, do “bóng ma” từ tuổi thơ, tính cách ngại giao tiếp xã hội và con đường sự nghiệp trắc trở đã khiến cô nàng nảy sinh suy nghĩ muốn tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống. Thay vào đó, Feifei muốn tìm đến một ngôi làng nhỏ yên bình, tận hưởng cuộc sống của riêng mình.
Sau hơn 10 năm đi làm ở đô thị lớn, Feifei đã để dành được một khoản tiền tiết kiệm. Vào tháng 6/2014, lúc này Feifei đã 31 tuổi, cô dọn đồ ra khỏi nhà máy, một mình xách hành lý đến ngôi làng nhỏ, bắt đầu cuộc sống Tang ping của mình.
Ảnh minh hoạ
8 năm nằm yên mặc kệ sự đời
Sau khi đặt chân đến vùng quê, Feifei thuê một căn phòng chỉ rộng 10m2, giá tiền là 160 NDT/tháng (~540 ngàn đồng). Căn phòng không lớn, chỉ đủ kê một chiếc giường và tủ nhỏ. Nhược điểm của chúng là khi cần vệ sinh cá nhân, bạn cần dùng nhà vệ sinh công cộng.
Với nhiều người, không gian sống chập hẹp của căn phòng có thể khiến họ nảy sinh cảm giác khó chịu nếu lưu trú trong thời gian dài. Tuy nhiên, với người trẻ chọn lối sống Tang ping như Feifei, diện tích phòng có rộng hay lớn hơn cũng không ảnh hưởng nhiều đến cô.
Nhà trọ rộng 10m2 phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh minh hoạ)
Do Feifei dành đến hơn 20 tiếng trên giường nên cơn đói của cô kéo đến lâu hơn. Cô chỉ ăn dưới 2 bữa ngày, chủ yếu là rau củ quả và hạn chế ăn thịt.
Cô không ăn tối và hiếm khi ăn sáng. Thỉnh thoảng, Feifei ngủ dậy sớm và ăn một quả táo hay một quả trứng. Đến trưa, cô sẽ ngồi dậy làm bữa ăn đơn giản. Bữa trưa thông thường của Feifei chủ yếu là bánh bao, cơm và mì, thêm chút rau xanh.
Dù nằm trên giường cả ngày nhưng Feifei vẫn cố gắng dậy sớm và chạy bộ vào mỗi buổi sáng hàng ngày. Không khí trong lành của làng quê khiến Feifei thấy dễ chịu và hạnh phúc hơn so với cuộc sống ở đô thị. Để cuộc sống bớt buồn tẻ, Feifei sẽ xem phim truyền hình, đọc truyện hoặc viết blog. Mặt khác, để tiết kiệm tiền, Feifei chỉ thỉnh thoảng mua quần áo mới và “nói không” với mua mỹ phẩm.
Với mức sống như vậy, Feifei ước tính bản thân chỉ tốn khoảng 500 NDT mỗi tháng (~1,6 triệu đồng) cho tất cả chi phí sinh hoạt từ đóng tiền nhà, điện nước hay mua đồ ăn. Có người hỏi Feifei, trong quãng thời gian không giao du với xã hội, cô lấy đâu ra tiền cho cuộc sống Tang ping của mình.
Theo Feifei, những năm đầu đi làm, cô không để dành được khoản tiền tiết kiệm nào. Cho đến 3-4 năm trước khi rời phố về vùng quê, cô đều để dành được hơn 30.000 NDT mỗi năm (~101 triệu đồng), do đó chi phí sinh hoạt khi theo đuổi lối sống Tang ping không phải vấn đề quá lớn. Mặt khác, dù chọn lối sống tách biệt, Feifei vẫn giữ liên hệ với người thân trong gia đình. Thỉnh thoảng, anh chị vẫn sẽ gửi cho Feifei khoảng 4.000 NDT (~13 triệu đồng) vì lo lắng cho tương lai của cô sau này.
Ảnh minh họa
Trong 1 năm trở lại đây, Feifei đã không chỉ “nằm xuống” và mặc kệ sự đời như trước. Cô nàng đã chủ động lập blog và chia sẻ câu chuyện của bản thân, từ đó nhận được mức thu nhập 1.800 NDT/tháng (~6 triệu đồng) từ công việc này. Cũng nhờ trang blog mà dân tình biết đến câu chuyện của cô, đồng thời có nhiều phóng viên chủ động liên lạc để khai thác câu chuyện của cô gái này.
Về lối sống của Feifei, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích cô gái ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình và bản thân. Mặt khác, có nhiều ý kiến khác lại nhận định cô đã sống vất vả hơn chục năm mới có đủ dũng cảm theo đuổi lối sống bản thân hằng mong ước. Họ cho rằng không nên đánh giá lựa chọn của Feifei là đúng hay sai mà thay vào đó, chỉ mong mỗi người đều có thời gian thoát khỏi bộn bề từ áp lực cuộc sống để cho phép mình có phút giây tận hưởng hạnh phúc riêng.