Năm 2019, bộ ảnh buổi lễ khai giảng đơn sơ của cô trò ở Tắk Pổ được đông đảo cộng đồng biết đến. Trà Thị Thu (SN 1994) là cô giáo trẻ xuất hiện trong bộ ảnh năm đó, cũng là người từng phụ trách giảng dạy lớp 1 và lớp 2 ở điểm trường Tắk Pổ.
Khi những bức ảnh được chia sẻ, ngôi trường được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ cũng được thêm chiếc cặp, tập vở hay chiếc áo cho mùa đông… duy chỉ có nếp sinh hoạt của cô trò vẫn vẹn nguyên như vậy.
Hiện tại, cô Thu đứng lớp tại điểm trường Lăng Lương thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập. Trường hiện có 6 học sinh lớp 1, 8 học sinh lớp 2 và 17 em lớp mẫu giáo. Cô đảm trách dạy lớp ghép tiểu học.
“Đã hứa với chị là không được khóc, phải ráng giữ lấy lời”
Lúc mới tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học ở trường Đại học Quảng Nam, Thu chưa xin được việc nên đi lên thành phố một thời gian làm việc trong xí nghiệp. Một hôm, chị gái của Thu gọi điện vào hỏi: “Có muốn lên núi dạy không? Nhưng nói trước là phải đi bộ 2 – 3 tiếng đồng hồ, cực lắm, đừng có lên rồi khóc đòi về đấy”.
Thu gật đầu cái rụp: “Cực cỡ nào em cũng phải thử”.
Cô Thu cùng các em học sinh trên đỉnh trời Ngọc Linh
Lần đầu lên Tắk Pổ để dạy học, Thu chỉ mới 21 tuổi. Gọi điểm trường này là “cổng trời” vì vừa đi xe máy vừa đi bộ cũng phải mất 3-4 giờ đồng hồ mới đến nơi. Đó là vào mùa nắng ráo, đường sá thuận lợi để đi. Vào mùa mưa, đường đến điểm trường Tắk Pổ vô cùng khó khăn. Bốn bề là rừng núi hoang vu, nhiều lúc sợ hãi nhưng Thu tự động viên: Đã hứa với chị là không được khóc, phải ráng giữ lấy lời. Vậy mà vẫn khóc.
“Từ nhỏ đến lớn mình chưa từng phải leo núi nhiều như vậy. Trời lạnh như cắt, đường đi thì khó khăn, trượt ngã không biết bao nhiêu lần. Lên đến nơi nhìn ngôi trường mình còn không nhận ra đó là trường. Nhiều người còn nói trường gì mà thua cái chuồng bò ở dưới xuôi. Mái lợp tạm bằng lá, vách thì đan bằng tre nứa, mọi thứ rất tạm bợ” – Thu nhớ lại.
Sau giờ dạy học, Thu dành nhiều thời gian vui đùa cùng học trò. Lúc thì cùng nhau chơi nhảy dây, khi thì vào làng trò chuyện với người dân, đặc biệt cô trò luôn cùng nhau vào rừng hái rau để nấu cơm.
Tiếp tục hành trình tử tế sau WeChoice Awards 2019
Gặp lại Thu tại TP.HCM sau khi cô được nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2023, Thu nói cô vẫn sẽ tiếp tục hành trình “gùi chữ” trên đỉnh trời Ngọc Linh. Bởi công tác ở vùng núi Nam Trà My gần 10 năm, Thu đã xem mảnh đất ấy như quê hương thứ hai của mình.
Nhớ lại hành trình trở thành 1 trong 18 đề cử của WeChoice Awards 2019 , Thu nói đó như một “dấu mốc” trong cuộc đời cô.
Cô Thu trong đêm Gala Vinh danh và Trao giải WeChoice 2019
“Đúng với thông điệp ‘Điều phi thường nhỏ bé’, mình đã hiểu sâu hơn về ‘những điều nhỏ bé’, đơn giản nhưng giúp đổi thay cuộc sống của nhiều người. Nhờ WeChoice, mình hiểu rằng bản thân cần cho đi nhiều hơn, lan tỏa nhiều điều tích cực để mọi người hạnh phúc hơn” – Thu nói.
Và cô cũng đã làm được nhiều hơn thế, không chỉ dạy con chữ cho trẻ vùng núi, trong 7 năm qua, cô cùng câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Nam Trà My” đã kêu gọi xây dựng được 6 điểm trường với 18 phòng học, 12 phòng ở giáo viên, 6 bộ điện năng lượng mặt trời trị giá 1,3 tỷ đồng; kêu gọi kinh phí và đóng góp ngày công vận chuyển vật liệu để làm 30 nhà vệ sinh cho bà con tại làng Tắk Pổ…
Cô Thu vẫn không rời đỉnh trời, tiếp tục gieo chữ tại điểm trường Lăng Lương thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập
“Sau nhiều năm gắn bó với đỉnh trời Ngọc Linh, có nhiều em mình từng dạy đến hiện tại có em đã học lớp 10 rồi. Bản thân mình được luân chuyển nhiều điểm trường nên việc các em đến thăm cô là rất khó. Nhưng khi tình cờ gặp lại, các em vẫn ríu rít gọi cô Thu ơi, mình thấy vui lắm”, cô hào hứng chia sẻ niềm vui dạy học.
Ngày 20/11 năm ngoái, khi cô Thu sinh hoạt tại một trường cấp 2, vô tình có nhiều học sinh cũ thấy cô nên đã viết những mảnh giấy tâm sự, làm bông hoa bằng giấy, chờ đến khi cô ra về thì chạy đến ôm cô và khóc, nói chúng em nhớ cô qua mà lúc nãy đông người nên bọn em không dám đến. “Các em dúi vào tay mình những mẩu giấy viết vội mà đến giờ mình vẫn còn giữ, đó là những tình cảm mà mình rất trân quý, không thể đong đếm được bằng lời”, cô nói.
Lúc nào cũng vậy, sau khi chào tạm biệt, cô Thu luôn nói: “Mình chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn giáo viên đang ngày đêm cống hiến cho ước mơ của trẻ nhỏ vùng cao. Ở những dãy núi xa còn có rất nhiều thầy cô giáo vẫn âm thầm với hành trình con chữ”.
Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ chính thức mở từ ngày 18/12/2023 tại website: wechoice.vn. Hãy gửi đến chúng tôi những nhân vật, những câu chuyện mang đậm tinh thần dám sống vì đam mê – dám cháy rực rỡ với khát vọng của mình.
WeChoice Awards – Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ý nghĩa với cộng đồng.
Mùa thứ 8 với chủ đề “Dám đam mê, Dám rực rỡ”, WeChoice Awards 2023 vẫn sẽ là nơi tìm kiếm và lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực thông qua hệ thống giải thưởng đa dạng, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất: Nhân vật Truyền cảm hứng, bao gồm 10 Nhân vật Truyền cảm hứng và 5 Đại sứ Truyền cảm hứng.
– 10 Nhân vật Truyền cảm hứng do cộng đồng độc giả bình chọn dựa trên các đề cử gửi đến cổng đề cử của WeChoice Awards 2023, thông qua website wechoice.vn.
– 5 Đại sứ Truyền cảm hứng là hạng mục duy nhất hoàn toàn do Hội đồng thẩm định – gồm những nhân vật có uy tín xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau bình chọn.