Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành công của một người, trong khi đó chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) lại chiếm đến 75%. Trẻ em có trí tuệ cảm xúc cao thường đạt thành tích học tập xuất sắc và có mối quan hệ tốt với bạn bè vì chúng biết cách kiềm chế hành vi của mình, nhìn nhận mọi việc lý trí hơn, đồng thời có thể hòa thuận với bạn cùng lớp và giáo viên.
Trong thời đại tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần cao như hiện nay, trẻ em có trí tuệ cảm xúc cao hiếm khi bị trầm cảm vì chúng có kỹ năng quản lý cảm xúc tốt.
Mặc dù IQ có thể quyết định một phần lớn kết quả học tập ở trường, nhưng khi trẻ trưởng thành, EQ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều đối với thành tích công việc so với IQ. Do đó, việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, trẻ có chỉ số EQ cao hay không có thể nhìn thấy ngay từ khi còn nhỏ. Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ có 3 đặc điểm dưới đây chính là biểu hiện của chỉ số EQ cao:
1. Đứa trẻ hay cười
Có thể nhận thức được cảm xúc của bản thân và quản lý cảm xúc sao cho phù hợp với môi trường xung quanh là một kỹ năng không hề đơn giản. Quan sát cuộc sống thường ngày có thể thấy, nhiều cha mẹ không biết kiểm soát cảm xúc của mình mà trách mắng hoặc đánh con cái. Hoặc nhiều đứa trẻ hơi chút là nổi nóng, la hét với mọi người xung quanh khi có điều gì không vừa ý.
Thế nhưng lại có những đứa trẻ rất hay cười và ít khi khóc. Trẻ thân thiện với người khác, sẵn sàng gần gũi với mọi người, vì vậy có nhiều bạn bè. Một đứa trẻ như vậy thường có thái độ tích cực và lạc quan, luôn có tâm trạng tốt, suy nghĩ tốt trong mọi việc.
Thực chất, ai cũng có những cảm xúc lo lắng và tức giận. Trẻ em cũng vậy. Một đứa trẻ thích cười không phải vì trong lòng không có phiền muộn hay chuyện buồn nào, mà vì bản chất trẻ lạc quan. Những cảm xúc tiêu cực dễ dàng bị trẻ lọc ra khỏi tâm trí.
Trẻ thường thể hiện mặt vui vẻ và có thể quản lý cảm xúc tiêu cực của bản thân, biết cách thể hiện mặt tốt với người ngoài. Đây là đứa trẻ có EQ rất cao.
2. Trẻ chào hỏi mọi người
Chủ động chào hỏi là phép lịch sự cơ bản và là dấu hiệu của sự tôn trọng người khác. Ai cũng muốn được người khác coi trọng. Khi bạn chủ động chào hỏi ai đó, bạn đã gián tiếp đáp ứng nhu cầu được coi trọng của đối phương. Tất nhiên, đối phương sẽ công nhận và có cảm tình tốt với bạn.
Ví dụ, khi nhà có khách, một số đứa trẻ sẽ lập tức đứng dậy chào, nhường ghế, hỏi khách có cần uống nước không, tự nhiên khách sẽ rất vui vẻ.
Tuy nhiên một số đứa trẻ, khi có khách đến thì không biết nên làm gì, không chào cũng không mời ngồi, khiến khách cảm giác không được tiếp đón. Một đứa trẻ như vậy tất nhiên sẽ không được đánh giá cao. Nhìn bề ngoài, đứa trẻ có vẻ không lịch sự, trên thực tế, đứa trẻ này hoàn toàn không hiểu cảm xúc của người khác và không biết cách hòa hợp với đối phương.
Nói vậy nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng ép con chủ động chào người khác. Với những đứa trẻ quá nhỏ, các em có thể thấy lạ hoặc tính cách hướng nội nên rụt rè hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên mất bình tĩnh mà cần hướng dẫn con từ từ.
3. Trẻ thường chơi với bạn cùng trang lứa
Một đứa trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập vào nhóm và chơi vui vẻ với các bạn cùng trang lứa phải là đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao. Bởi vì điều này thực sự đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xã hội mạnh mẽ.
Để hợp tác, chơi hài hòa với bạn bè, trẻ cần có khả năng nhận thức và quản lý cảm xúc cá nhân, lắng nghe nhu cầu, xem xét vấn đề từ quan điểm của đối phương, đồng thời có khả năng đánh giá lập trường của bản thân, thỏa hiệp khi cần,…
Những khả năng này giúp trẻ hình thành và duy trì tình bạn tốt. Đây là những khả năng không chỉ quan trọng trong thời thơ ấu của trẻ mà còn theo trẻ suốt cuộc đời.