Đôi khi bạn không biết mình có đang giáo dục con phù hợp hay không. Những dấu hiệu dưới đây cho thấy bạn đang làm tốt việc của mình.
1. Trẻ thoải mái thể hiện cảm xúc
Thông thường, càng cảm thấy gần gũi với ai đó, bạn càng dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình trước mặt họ. Tương tự, nếu con cái cảm thấy thân thuộc, an toàn với cha mẹ về mặt tâm lý, chúng sẽ dám thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã,…
Nếu đứa trẻ ít thể hiện cảm xúc trước mặt cha mẹ, hoặc chỉ thể hiện một loại cảm xúc nhất định, điều đó cho thấy có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, các bà mẹ đừng trách con mất bình tĩnh, cũng đừng cho rằng những đứa trẻ thích làm nũng là hư hỏng. Lúc này, bạn cần dạy con cách kiểm soát cảm xúc như thế nào để trẻ có được kỹ năng giao tiếp tốt nhất.
2. Tìm đến bạn khi gặp vấn đề khó xử
Trong tâm lý học tồn tại một loại “quan hệ gắn bó an toàn”, con người có đối tượng là tín ngưỡng và gắn bó, nghĩ rằng người đó sẽ hỗ trợ mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rõ ràng, trong giai đoạn đầu đời của trẻ, cha mẹ là một đối tượng lý tưởng như vậy.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng khi trẻ gặp bất kỳ vấn đề gì và có thể tự giải quyết sẽ rèn luyện khả năng tự lập của trẻ. Điều này đúng, nhưng không phải luôn nhất thiết như vậy. Trên thực tế, nhiều vấn đề mà trẻ em gặp phải trong quá trình trưởng thành nằm ngoài khả năng hiểu biết và giải quyết của chúng.
Nếu phản ứng đầu tiên của trẻ là không tìm đến cha mẹ khi những vấn đề này xảy ra hoặc cố gắng tự mình giải quyết thì đôi khi đó không phải là sự cải thiện khả năng độc lập mà là do bạn – những bậc cha mẹ, chưa đủ thành công trong giao tiếp với con. Khi con nhờ giúp đỡ, bạn không được nóng nảy, trách móc mà hãy cố gắng hết sức để giúp con giải quyết những khúc mắc.
3. Con sẵn sàng tâm sự với bạn
Chỉ khi đứa trẻ sẵn sàng nói cho bạn biết những gì trong lòng mình thì mối quan hệ cha mẹ và con cái mới được gọi là thân mật và hòa hợp. Nếu bạn phản ứng thái quá hoặc thậm chí chán ghét khi con tâm sự thì sau này trẻ có thể sẽ tìm đến một ai đó khác.
Trẻ càng lớn càng ít thích nói chuyện với cha mẹ, có thể do đã có quá nhiều kinh nghiệm thất bại trong giao tiếp từ trước đó. Một số nhà tâm lý học cho rằng trẻ ngại giao tiếp với cha mẹ phần lớn là do cha mẹ thiếu sự lắng nghe và phản hồi, điều này làm giảm mong muốn bộc lộ mối quan tâm của trẻ với cha mẹ.
Con cái giãi bày nỗi băn khoăn của mình với cha mẹ, một mặt để tìm kiếm sự giúp đỡ, mặt khác cũng mong được giải tỏa tình cảm. Vì vậy, cha mẹ phải có khả năng tiếp nhận cảm xúc của trẻ và giúp trẻ giải quyết vấn đề.
Nếu con luôn tâm sự mọi điều không giấu giếm thì xin chúc mừng, bạn là người mẹ tốt.
4. Trẻ dám phản kháng khi bất đồng quan điểm
Nhiều bà mẹ không xem xét suy nghĩ và cảm xúc của con mình khi đưa ra quyết định. Nếu đứa trẻ dám bày tỏ ý kiến của mình và thậm chí bác bỏ quan điểm của mẹ khi tranh luận, đây là dấu hiệu cho thấy bạn là bà mẹ công tâm.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ hãy thể hiện sự đồng cảm và biết cách lắng nghe ý kiến của con. Khi các bậc phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với con bằng các câu hỏi dưới dạng như “Tại sao con không thích điều này”, “Con có muốn chia sẻ điều gì không”, “Cha mẹ rất vui nếu con làm tốt việc này”… Đây cũng là cách để trẻ hiểu rằng, cha mẹ sẽ luôn đồng hành, chỉ dẫn để các con có thể đưa ra những quyết định chính xác trong học tập lẫn công việc.
Tuy nhiên, cho trẻ nói lên quan điểm không có nghĩa là hỗn hào, vô lý. Trong trường hợp trẻ liên tục bày tỏ sự phản kháng, thể hiện sự khó chịu trước lời nói của cha mẹ, hãy nhẹ nhàng nhưng cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng để con hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình. Đồng thời cũng yêu cầu con điều chỉnh lại thái độ trong việc tiếp nhận yêu cầu của cha mẹ hoặc có thể nhẹ nhàng, bình tĩnh chia sẻ những quan điểm của bản thân mình.