Cách đây một thời gian, khi có điểm thi đại học ở Trung Quốc, phát ngôn của một bà mẹ đã thu hút sự chú ý. Được biết, con trai của chị này tên Viên Soái, thi đại học được 711 điểm, có thể đậu vào Thanh Hoa, Bắc Đại (những trường đại học top đầu ở Trung Quốc và châu Á).
Trong buổi phỏng vấn, phóng viên đề nghị chị chia sẻ cách giáo dục những đứa trẻ xuất sắc. Chị cho biết: Cha mẹ không nên dành hết tâm sức cho con mà nên có không gian độc lập dành cho riêng mình. Chỉ cần quá trình học hành của con chăm chỉ là đủ, đừng quá chú ý đến kết quả.
Câu trả lời của chị nhanh chóng thu hút sự chú ý và tranh luận. Nhiều người cho rằng, vì con của người mẹ này xuất sắc nên giờ “nói gì cũng được”. Có quá nhiều đứa trẻ xuất sắc nhờ cha mẹ nghiêm túc đồng hành, dồn hết tâm huyết, sức lực vào con cái. Nói như bà mẹ trên liệu không phải quá hời hợt rồi hay sao?
Câu trả lời của chị nhanh chóng thu hút sự chú ý và tranh luận.
Trên thực tế, nhiều người chỉ nhìn thấy bề nổi chứ không xét đến bản chất thực sự của vấn đề.
Nhà văn Mỹ Ralph Waldo Emerson đã nói: “Một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của tình yêu thương, sự đồng hành và hình mẫu mà nó nhận được từ “người thầy” đầu tiên. Nhiệm vụ bắt buộc của cha mẹ là dành đủ thời gian để “quản lý” con cái. Tuy nhiên, dành năng lượng để trau dồi và hoàn thiện bản thân cũng là điều quan trọng.
Trong thực tế cuộc sống, nhiều cha mẹ thường rơi vào hai hiểu lầm giáo dục sau mà không hề hay biết.
1. Cha mẹ không thực hiện được ước mơ, đặt gánh nặng lên vai con mình
Dân gian từng lưu truyền câu chuyện về một đứa trẻ vì thành tích không tốt mà bị mẹ ví là con chim ngốc. Đứa trẻ không phục nói: Trên đời này có 3 loài chim ngốc, một là biết mình chậm nên bay trước, hai nghĩ sẽ mệt nên không bay. Người mẹ hỏi: “Loài thứ 3 thì sao?”. Đứa trẻ nói: “Loài này đáng ghét nhất, tự mình bay không nổi liền đẻ một quả trứng để bay hộ mình”.
Câu chuyện này châm biếm một bộ phận bố mẹ lười biếng, không cố gắng nhưng luôn đòi hỏi con mình phải giỏi giang. Đối với họ, công việc đều rất qua loa, có thời gian cũng chỉ xem tivi, chơi game, xem điện thoại… Không có hứng thú với bất kì sở thích nào, càng không nghĩ đến việc đọc sách, mở mang kiến thức. Họ có thể cho phép mình làm việc kém, nhưng lại yêu cầu con cái phải đạt điểm cao.
Thói hư tật xấu ở trẻ là hệ quả của sự lây nhiễm từ cha mẹ. Bạn nói một đằng, thực ra lại làm một nẻo, kỷ luật kiểu này chỉ dẫn đến cãi vã, không thuyết phục được bọn trẻ. Sau khi làm cha mẹ, cũng đừng quên theo đuổi mục tiêu làm giàu tri thức cho bản thân, đó mới là cách giáo dục con có tính thuyết phục nhất.
2. Cha mẹ chỉ chăm chăm lo cho con mà bỏ quên bản thân
Cách lý tưởng nhất nuôi dạy trẻ là dành cho chúng đủ tình yêu thương và sự đồng hành nhưng đừng quên chăm sóc cho bản thân để làm gương, đánh thức động lực bên trong của trẻ.
Tại nước ngoài có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết là: “Happy wife happy life”, nghĩa là “Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ”. Nếu để ý bạn sẽ thấy, ở những gia đình mà người phụ nữ hạnh phúc, con cái thường cũng rất hạnh phúc, vui vẻ. Một đứa trẻ vui vẻ thì đó chính là nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển cả về thể lực cũng như tâm trí.
Tiểu Dung (Trung Quốc) là một bà mẹ hai con. Chị nghỉ việc ở nhà, toàn tâm lo cho con cái. Mặc dù tài chính của gia đình do chồng đảm nhiệm, nhưng Tiểu Dung không ngừng trau dồi kiến thức. Ngoài thời gian chăm con, chị còn tự học thêm một số khóa học như: Khóa học làm cha mẹ, khóa học tâm lý… Bởi vì chị quan niệm, chăm sóc một đứa trẻ không chỉ là nuôi dạy nó khôn lớn mà còn là giáo dục con trở thành một người tử tế.
Bước đầu tiên của một nền giáo dục tốt là cha mẹ. Cha mẹ giàu kiến thức có thể xây dựng một tương lai đáng tin cậy cho con cái. Và quá trình học tập này không chỉ có thể giúp cho bộ não linh hoạt mà còn có ý nghĩa đối với việc duy trì hạnh phúc cả gia đình.
Sự rực rỡ mà người phụ nữ tỏa ra cũng chiếu sáng cho những người khác. Con cái cũng nhờ đó mà phát triển tích cực. “Một người vợ hạnh phúc hơn cả trăm cuốn sách giáo dục trẻ” là vì vậy.
Người mẹ nên yêu thương bản thân ra sao?
1. Học cách thể hiện nhu cầu và quản lý cảm xúc của mình một cách hợp lý, thay cho những lời buộc tội và phàn nàn. Nhờ vậy, bạn có thể trở thành một người mẹ mẫu mực, ổn định về mặt cảm xúc và lạc quan.
2. Học cách buông tay và cho mình chút không gian. Buông bỏ công việc gia đình một cách phù hợp, chấp nhận sự không hoàn hảo và hãy để những thành viên trong gia đình quản lý công việc theo cách họ muốn. Dành không gian của riêng bạn, sắp xếp đi làm đẹp, tiệc tùng, tập thể dục, du lịch, làm cho cuộc sống trở nên phong phú.
3. Học cách lạc quan và phát triển sở thích. Tìm những thứ quan tâm, nuôi dưỡng sở thích của bản thân, chẳng hạn như âm nhạc, đọc sách, viết lách, cắm hoa, vẽ tranh, yoga,…
4. Đừng đòi hỏi từ người khác mà hãy thỉnh thoảng tự thưởng cho mình: Tiết kiệm được xem là một phương cách tốt để bảo đảm cho tương lai, tuy nhiên cũng đừng để việc tiết kiệm trở thành thứ kiểm soát và “chèn ép” những sở thích cá nhân. Thỉnh thoảng hãy tự thưởng cho mình những món quà, thay vì chờ đợi người khác rồi thất vọng, bực bội.
Nếu bạn muốn con mình yêu thích học tập, thì bạn phải học cách trang bị kiến thức cho mình và trở thành huấn luyện viên và hình mẫu của con bạn. Chỉ khi cha mẹ hoàn thành quá trình trưởng thành của bản thân, họ mới có thể dẫn dắt con mình tiến bộ tốt hơn.
Suy cho cùng, cha mẹ và con cái là hai cá thể độc lập, có tính cách và suy nghĩ độc lập, có những nhiệm vụ cuộc sống riêng cần khám phá và hoàn thành. Không phải chỉ dồn hết tâm sức vào con cái thì mới gọi là chu đáo, cũng không phải chỉ dành hết thời gian cho giáo dục con mới gọi là có trách nhiệm.
Trong thời gian nuôi dạy con cái, hãy dành một phần thời gian để đầu tư cho bản thân và làm tốt những nhiệm vụ trong cuộc sống của chính mình. Khi bạn sống như một tia sáng, trẻ sẽ có thể đi theo ánh sáng và tự tin bước đi trên con đường của riêng mình.