Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân hoặc khi chuyển mùa. Theo CDC Mỹ ước đoán mỗi năm có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến cúm mùa, trong đó tỉ lệ tử vong trẻ em từ 110 – 140 trẻ/10.000 người tử vong.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Biểu hiện lâm sàng của cúm mùa
Theo BS. Lê Trương Tuyết Minh, Bệnh viện TW Quân đội 108: Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành, lâm sàng thường xuất hiện sau 1- 4 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, với biểu hiện sốt (thường trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ăn không ngon, mệt mỏi và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Trẻ bị cúm thông thường chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch Oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi. Các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, ho và tình trạng mệt mỏi sẽ kéo dài trong vòng một hoặc hai tuần.
Cần theo dõi sát những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ… Những trường hợp này cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay, để tránh các biến chứng nặng của bệnh như: Viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng…
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc cúm mùa?
Theo các chuyên gia, bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 – 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì… nếu bị nhiễm virus thì rất dễ gây ra các biến chứng như: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi trẻ, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Đặc biệt, gia đình không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị cho trẻ, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ, tránh gây khó khăn cho việc điều trị bệnh
Khi chăm sóc trẻ bị cúm mùa tại nhà, cha mẹ cần chú ý hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). Nếu trẻ sốt cao cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, từ 4 – 6h một lần, uống nhắc lại nếu trẻ có sốt ≥ 38.5 độ C
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý đến vệ sinh đường hô hấp, vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô, vì sau mỗi lần lau nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ thì virus vẫn bám lại trên khăn.). Hàng ngày nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ và trẻ mắc bệnh cần thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Cần cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ
Trong quá trình chăm sóc trẻ nếu thấy trẻ có biểu hiện bệnh nặng lên, các biểu hiện bất thường hoặc các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… khiến trẻ quấy khóc không ăn, thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.