Gần đây, cụm từ “con gái một của Giang – Chiết – Hỗ” (Giang – Chiết – Hỗ là viết tắt của ba khu vực nổi tiếng giàu có của Trung Quốc: Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải) bỗng trở nên phổ biến. Nguyên nhân là do một blogger chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng xã hội.
Cô được học tại trường tiểu học, trường tư thục tốt nhất và đắt nhất trong khu vực; Đại học thì học tại trường danh giá hàng đầu thế giới. Sau khi đi du học về, người cha đã mua cho con một căn nhà ba phòng ngủ mới trị giá 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng) mỗi mét vuông.
Năm nay 32 tuổi, mỗi năm cô được 50 vạn tệ tiền tiêu vặt (khoảng 1,6 tỷ đồng), lương một năm hơn 2 triệu tệ. Cô cũng có 50% cổ phần của công ty, thu nhập hàng năm thêm mấy chục triệu tệ.
Chẳng bao lâu, nhiều blogger có hoàn cảnh tương tự cũng chia sẻ cuộc sống của mình: “Tôi ra nước ngoài lần đầu tiên vào năm 4 tuổi, tôi đã đến hơn 30 quốc gia vào năm 13 tuổi và thông thạo 5 ngôn ngữ ở tuổi 16”; “Tôi nhận được sự giáo dục tốt nhất từ khi còn nhỏ. Sau khi du học, tôi có thể bắt đầu kinh doanh riêng, hoặc có thể về nước và kế thừa công ty”…
Cuộc sống xa hoa của những “cô con gái một” khiến nhiều phụ huynh không khỏi so sánh. Gia đình bình thường không có nhiều tiền, không cho con học trường quốc tế, không thể gửi con ra nước ngoài khám phá thế giới, làm sao họ có thể nuôi dạy con cái một cách “giàu có” và hạnh phúc?
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ thường có quan niệm sai lầm: Chúng ta hiểu đơn giản sự giàu có là sự thỏa mãn về vật chất. Đây thực sự là mối nguy hiểm lớn nhất của giáo dục. Có thể thấy, con cái có hạnh phúc hay không thì tiền không phải là thước đo quan trọng nhất.
Không phải cha mẹ nào cũng có thể cho con cuộc sống nhung lụa từ nhỏ. Nhưng nên nhớ, cha mẹ có tâm hồn ổn định cũng có thể che nắng, mưa cho con cái. Cha mẹ có thái độ tích cực cũng có thể mang lại hy vọng và sự lạc quan cho con cái mình. Để trẻ có thái độ tốt là món quà tốt nhất chúng ta có thể tặng cho trẻ.
Không có tiền đi nước ngoài, bạn cũng có thể cho con gái mình một kho kiến thức phong phú
Khi nói về chủ đề nuôi dạy con, một chuyên gia từng đưa ra lời khuyên: Dù nhà có tiền hay không thì bố mẹ cũng nên cho con sự giàu có về tinh thần. Khi một đứa trẻ có tinh thần phong phú thì bất kể đang ở trong hoàn cảnh nào, trẻ đều có thể yêu đời.
Lưu Xứng Liên – tác giả sách thiếu nhi, một chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc chia sẻ: Không có tiền đi nước ngoài, bà đưa con gái về thiên nhiên, cho con quan sát hoa cỏ trong rừng, xem châu chấu đánh nhau và côn trùng giao phối. Bà đưa con gái đi leo núi, để con cảm nhận được sự bàng hoàng và niềm vui khi lên đến đỉnh sau bao gian khổ.
Không đủ tiền cho con học phụ đạo nên bà cùng con gái đọc thêm sách báo, thường cho con đi hiệu sách để nâng cao kiến thức. Bà cũng cùng con gái mình nuôi những động vật và thực vật nhỏ, để cô bé trải nghiệm sự kỳ diệu của cuộc sống.
Dưới sự giáo dục cẩn thận của mẹ, con gái bà đã lớn lên một cách xuất sắc và được nhận vào Đại học Bắc Kinh.
Việc làm giàu thực sự của trẻ không thể tách rời khía cạnh cho trẻ tiếp thu kiến thức. Để có được kiến thức, bạn không nhất thiết phải tốn nhiều tiền, ghé thăm nhiều quốc gia và đăng ký bao nhiêu điểm tham quan. Bạn có thể đưa con đi trải nghiệm thiên nhiên, đi đến cánh đồng, rừng cây, bờ sông, dưới những vì sao, trên đồng cỏ…
Trẻ em hòa mình vào thiên nhiên được khai mở trọn vẹn năm giác quan, điều này cũng tạo nên cho trẻ một thế giới nội tâm phong phú.
Bạn có thể đưa con đi ngắm nhìn cuộc sống, đi chợ rau, ra phố vào sáng sớm, đến nơi bố mẹ làm việc. Chỉ sau khi nhìn thấy những trạng thái khác nhau của cuộc sống và cảm nhận được sự không đồng đều của thế giới, chúng ta mới có thể biết mình muốn gì.
Đó cũng có thể là đọc sách, xem phim tài liệu, đi bảo tàng. Những con đường đã đi, thế giới được nhìn thấy và những cuốn sách đã đọc cuối cùng sẽ trở thành tài sản quý giá nhất của trẻ em.
Không cần học trường “nhà giàu” cũng có thể nuôi dưỡng con “xa hoa”
Từng có một câu chuyện trên Zhihu như sau: Một người vốn làm công ăn lương bình thường, thu nhập hàng năm không quá vài trăm nghìn tệ. Nhưng vợ ông đã gửi con gái vào một trường “quý tộc” địa phương với học phí 120.000 nhân dân tệ một năm (gần 400 triệu đồng).
Theo lời của vợ: “Cha mẹ chúng ta có cay đắng không cũng không sao, nhưng con gái thì không thể chịu khổ. Chỉ có được học ở trường quý tộc và hòa nhập vào xã hội giàu có càng sớm càng tốt thì chúng ta mới có thể bồi dưỡng được sự cao quý cho con gái mình”.
Kết quả là, sự cao quý của cô con gái được trau dồi chưa thấy đâu mà thay vào đó là cả một sự oán hận: Cô luôn trách bố mẹ mình kém cỏi, không giống như bố mẹ của bạn cùng lớp cho cô sống trong một ngôi nhà sang trọng, mặc đồ hiệu nổi tiếng và có tài xế đón đưa khi ra ngoài…
Trên thực tế, sự xa hoa thực sự chưa bao giờ là việc sắm đồ hiệu nổi tiếng và đi học ở trường nhà giàu. Thay vào đó phải là tri thức và trí tuệ trong bộ óc, sự tu dưỡng và phẩm chất trong xương cốt, sự tự tin và kiên trì trong máu.
Để nuôi dưỡng một cô gái có tâm hồn phong phú như vậy không tốn tiền mà tốn thời gian. Vì ngôi trường tốt nhất không phải là ngôi trường học phí đắt nhất, mà là “ngôi trường” dành cho phụ huynh, nơi cha mẹ đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn và giáo dục con cái.
Tác giả Doãn Kiến Lợi đã viết trong cuốn “Người mẹ tốt còn hơn thầy tốt”: “Nếu hiểu nuôi con bằng sự giàu có là sẵn sàng tiêu tiền thì quá đơn giản. Đó phải là sự tôn trọng, thấu hiểu và dành sự quan tâm đầy đủ cho con gái mình. Làm giàu là cố gắng không tạo ra trở ngại cho con, để con có thể sống một cuộc sống không lo lắng với cảm giác tràn đầy hạnh phúc”.