Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao: Đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l.
Đái tháo đường type 2 chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt, vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với Insulin và rơi vào tình trạng thiếu Insulin.
Insulin là một hormone được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormone này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.
Đái tháo đường type 2 ngày càng phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (ăn quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là những người bị béo bụng và vùng quanh bụng.
Yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường type 2. Một số dạng đái tháo đường type 2 khác ít phổ biến hơn, có tác động đến những người không bị béo phì và thường có ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố di truyền.
Bệnh đái tháo đường ở trẻ có thể bị nhầm lẫn
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường ở trẻ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Khi bệnh đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, thường là gấp 5 – 10 lần so với bình thường. Lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước. Cảm giác khát nước tăng lên do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước, người bệnh có thể uống rất nhiều nước.
Người bệnh có thể bị sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ sẽ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ. Trẻ thường có các biểu hiện khác là:
– Tiểu đêm thường xuyên.
– Hay khát nước, uống nhiều nước.
– Sụt cân.
– Mệt mỏi.
– Nhiễm trùng miệng hoặc da.
– Đau bụng.
– Học lực giảm sút do cơ thể không khoẻ.
– Hay đói.
– Thay đổi cảm xúc.
Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường thường đơn giản. Nếu thấy các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu (đánh giá đường huyết) và xét nghiệm nước tiểu (tìm đường trong nước tiểu). Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta không cần làm thêm bất cứ xét nghiệm nào khác. Tuy nhiên, nếu còn nghi ngờ, các bác sĩ có thể khuyên làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose.
Bệnh đái tháo đường có thể điều trị bằng cách nào?
Đái tháo đường type 2 ở trẻ được các bác sĩ khuyến cáo là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì, cần đặt ra mục tiêu là duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ. Khi trẻ cao lên, cân nặng của trẻ sẽ phù hợp với chiều cao hơn.
Một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 vẫn mạnh khỏe nếu ăn uống điều độ, vận động và giảm cân, có thể không cần đến biện pháp điều trị nào khác, ít nhất là trong một vài năm.
Nhìn chung, các bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần phải có các biện pháp hỗ trợ khác như uống thuốc hoặc tiêm Insulin hoặc cả hai.
Cần làm gì để giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ?
– Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh: Đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng – như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc – có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
– Trẻ cần hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây có đường… có thể dẫn đến tăng cân quá mức.
– Cha mẹ cần khuyến khích cho trẻ các hoạt động thể chất. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động – như xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính, có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.