Đan Lê khéo léo dạy con trai về lòng cảm thông từ những điều …

13 mins read
Đan Lê khéo léo dạy con trai về lòng cảm thông từ những điều …

Đan Lê khéo léo dạy con trai về lòng cảm thông từ những điều nhỏ trong cuộc sống

An Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:11 05/10/2023

Nếu không có lòng cảm thông, sự rộng lượng thì con khó có thể biết yêu thương và thấu hiểu những người xung quanh mình.

  • Đan Lê bất ngờ vì con trai đã cao bằng mẹ, chỉ số vượt chuẩn WHO, bí quyết tưởng đơn giản nhưng lại rất khó
  • Không phải tiền bạc, nhà cao cửa rộng, món đồ đắt đỏ, thứ quý giá nhất Đan Lê dành cho con khiến mọi người mẹ đồng tình
  • Sợ con không có tuổi thơ hạnh phúc, Đan Lê nhủ lòng thực hiện ngay 3 hành động “vàng” kéo gần khoảng cách con cái và cha mẹ

Sau khi kết hôn, Đan Lê có một cuộc sống đáng ngưỡng mộ bên đạo diễn Khải Anh và 2 con trai Khải Minh, Khải Nguyên. Không chỉ là một MC, diễn viên nổi tiếng, cô còn được ngưỡng mộ bởi những câu chuyện dạy con thú vị. Nữ diễn viên từng chia sẻ rằng không có gì hạnh phúc hơn việc ở bên chăm sóc các con và cùng chúng trải nghiệm cuộc sống.

Mới đây, nữ diễn viên đã có những chia sẻ khi dạy con trai về lòng cảm thông. Theo bà mẹ 2 con, sự cảm thông sẽ được phát triển, hình thành trong tính cách của con qua thời gian, từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt trong cuộc sống. Bố mẹ cần khéo léo và trở thành tấm gương để con noi theo.

“Mình có tật xấu là thức rất khuya. Thường thì đêm xuống, cả nhà đi ngủ hết, mình mới xem phim, vào mạng, viết bài, làm việc, trả lời email và cả chơi game nữa.

Hôm rồi, Minh, Nguyên phát hiện ra mục quản lý thời gian trên điện thoại, liền mở ra xem. Màn hình hiển thị các ứng dụng chị mẹ hay vào nhất: Note, Safari, Facebook, Messenger, TikTok, Zalo, Candy Crush và Plants với Zombies.

Mẹ thèn thẹn vì thời lượng game hơi nhiều so với thời gian cho phép tụi nhỏ dùng thiết bị điện tử (30 phút mỗi ngày). Chưa kịp nghĩ phương án biện hộ nghe cho có vẻ hợp lý thì một giọng nói khẽ khàng cất lên, xua tan giây phút đóng băng của mẹ.

– Làm việc này, làm việc này, làm việc này… (Tiếng lẩm nhẩm song hành cùng ngón tay rà soát trên các biểu tượng). Bỗng ngón tay trỏ dừng lại chỗ ứng dụng trò chơi. Bạn bé ngẩng lên với đôi mắt mở to hết sức.

– Mẹ cũng cần giải trí sau những lúc làm việc căng thẳng nhỉ! (Xong lại cúi xuống tiếp như không).

Mẹ vẫn á khẩu trong khi thanh niên yêu mẹ mù quáng tự thoại.

photo 3 16965014367601425821608
photo 2 1696501435738425462475

Bạn lớn tiếp lời:

– Mẹ cũng hay suy nghĩ trong lúc chơi game mà. Mẹ nghĩ ra bao ý tưởng, viết bao nhiêu chuyện hay trong lúc chơi đấy.

Thôi, thế là xong. Chúng nó thế kia thì chị mẹ sao có thể không thành khẩn khai báo:

– Thật ra không phải lúc nào cũng vậy. Có những lúc mẹ chơi chỉ vì mải chơi thôi.

Dường như thấy những gì biện minh cho mẹ chưa đủ. Trong lúc đi ra uống nước, bạn bé lại tiếp:

– Với cả, nhiều lúc mẹ mở game ra xong toàn để đấy cho máy phát quảng cáo chứ không phải mẹ chơi hết đâu.

Mẹ ngượng không phải vì chơi game quá thời gian quy định mà thấy mình nhiều khi chưa đủ khoan dung như tụi nhỏ. Cần học cách cảm thông, dung dưỡng như cách tụi nhỏ hồn nhiên, rộng lượng với mình.

Đừng vì một bữa cơm bỏ mứa mà nhiếc mắng.

Đừng vì một điểm kém mà ra roi, đánh phạt.

Đừng vì một chiếc bình hoa, khung ảnh vỡ tan mà buông lời gắt gỏng.

Nếu từ nhỏ, quen cảnh nghe mắng mỏ khi làm sai, làm hỏng thì sau này:

Thấy món ăn dở con chỉ biết chê.

Thấy người yếu thế con chỉ biết khinh khi.

Thấy người ngã con chỉ biết quan tâm xe cộ có xước xát gì không.

Thấy đổ vỡ con chẳng lo đứt tay, chảy máu mà chỉ quan tâm giá trị đồ vật. Thiếu đi sự cảm thông, suy nghĩ cho người khác.

P/s: Chú bé làm vỡ lọ hoa yêu thích của chị mẹ và điều duy nhất chú nhận được là hướng dẫn thu gom mảnh thủy tinh sao cho không bị thương”, Đan Lê trải lòng.

Chia sẻ của Đan Lê khiến nhiều bậc phụ huynh đồng cảm, một số ông bố, bà mẹ còn tự nhìn nhận lại bản thân khi chỉ biết quát mắng, khó chịu với con mỗi khi chúng làm sai mà không cảm thông, tim hiểu rõ ngọn nguồn phía sau sự việc.

Những cách đơn giản mẹ làm giúp bé hiểu thêm về sự cảm thông

1. Dạy trẻ hiểu về cảm xúc

Khóc, cười, vui, hạnh phúc… đều là những cảm xúc trẻ có thể bộc lộ trong cuộc sống. Nếu con là một cô bé nhạy cảm, con có thể khóc nhiều hơn. Hoặc nếu con hay lo lắng, hoảng sợ, con hoàn toàn có thể bộc lộ điều đó ra ngoài. Việc cha mẹ đối diện với những biểu hiện của con như thế nào mới là điều quan trọng.

Nếu cha mẹ thường xuyên phê bình “hơi tí là khóc”, hoặc “có thế thôi mà cũng rơi nước mắt là sao”… thì dần dần trẻ sẽ học cách tiết chế, giấu cảm xúc vào bên trong và không còn mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ thật của mình với cha mẹ nữa. Việc gọi tên, khuyến khích con nói ra cảm giác của mình tưởng dễ nhưng lại rất khó.

Nhờ nhận ra và gọi tên được cảm xúc của mình, con sẽ hiểu hơn về những tình huống mà chính con hay người khác đang mắc phải.

2. Dành thời gian cho con

Trong mỗi sự việc của cuộc sống, con đều sẽ có cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Sự cảm thông cũng bắt nguồn từ sự thấu hiểu người khác. Khi ở bên con, hãy hỏi con nhiều hơn về việc con đang cảm thấy như thế nào, con có buồn/ vui nào muốn chia sẻ với mẹ không.

Hoặc khi cùng nhau xem phim, đọc truyện. Hãy thử thảo luận thêm với con về cảm xúc mà những nhân vật đang cảm nhận được khi mạch truyện tiến triển, về những gì đang xảy ra trên màn hình. Đặt ra những câu hỏi như “Con có biết bạn ấy đang cảm thấy thế nào không”, “Nếu con ở trong tình huống đó, con mong muốn điều gì?”…

3. Sau khi xảy ra mâu thuẫn, hãy trò chuyện

Đây chính là cách giúp bạn dạy con về sự cảm thông. Sau khi một xung đột, mâu thuẫn xảy ra, thay vì quát mắng, quở trách hay buông những lời khó nghe, hãy cùng nhau ngồi lại, lắng nghe đối phương tâm sự. Việc cha mẹ và con cái có thể lắng nghe nhau tạo tiền đề cho mối quan hệ và sự gắn kết về sau này, ngay cả khi con cái đã khôn lớn.

4. Trở thành hình mẫu cho con

Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, trong đó có việc thể hiện hoặc điều chỉnh cảm xúc. Cha mẹ nên là những người biết cách kiểm soát cảm xúc, chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình hay biết chấp nhận quan điểm của người khác.

– Hiểu được cảm xúc của con: Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, nhiều cha mẹ có xu hướng gạt bỏ những cảm xúc của trẻ vì không thể hiểu được tại sao một đứa trẻ được yêu chiều như thế mà vẫn không ngoan. Thế nhưng, xung quanh cuộc sống của trẻ cũng có rất nhiều điều chi phối, việc cha mẹ đồng hành, thông cảm, tôn trọng cảm xúc đó là cần thiết.

– Chấp nhận sự khác biệt của con: Khi con đưa ra một ý kiến nào đó trái lời người lớn, cha mẹ nên tìm hiểu lý do, quan sát, nhận xét điều đó đã hợp lý hay chưa thay vì phản đối một cách tiêu cực.

– Hành vi không ổn định: Cha mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc các yếu tố bên ngoài. Tâm trạng của họ có thể thay đổi thường xuyên, cách họ tương tác với con cũng bị thay đổi theo. Đôi khi họ quan tâm quá mức đến cuộc sống của con nhưng có lúc lại thờ ơ, dè dặt.

Những cha mẹ không ổn định về mặt cảm xúc dễ tạo ra những đứa con không biết thể hiện cảm xúc của mình hoặc không mang lại cảm giác an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi.

Cha mẹ nên làm gương về mọi mặt để trẻ noi theo, trong đó có việc thể hiện hoặc điều chỉnh cảm xúc. Phụ huynh có thể làm gương sự đồng cảm thông qua những tương tác ngoài đời thực. Như vậy khi con gặp vấn đề tương tự, trẻ sẽ biết cách giải quyết. Mặt khác cha mẹ luôn lạc quan tích cực, trẻ cũng sẽ cảm thấy yêu đời, vui vẻ và đối phó với những khó khăn cuộc sống nhanh nhẹn hơn.

  • Đan Lê
  • dạy con
  • bậc cha mẹ
  • cha mẹ thông thái
  • sao dạy con

Latest from Blog