Động lực chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc giỏi ngoại ngữ? – Câu trả lời của nữ Tiến sĩ khiến ai cũng bất ngờ!
Động lực là chủ đề rất quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ.
- “Xỉu ngang” trước đề thi nói môn tiếng Anh chọn HSG quốc gia 2024: Nhiều câu đọc còn chẳng hiểu gì, huống chi trả lời!
- Dự kiến thêm điều kiện miễn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT 2024
- Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Bỏ thi ngoại ngữ có ảnh hưởng chất lượng dạy học?
Việc học ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Nó không chỉ mang lại lợi ích trong giao tiếp với bạn bè quốc tế, mà còn mở rộng tầm hiểu biết và cơ hội nghề nghiệp của bạn. Trong bối cảnh hiện nay, việc thành thạo một hoặc nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ cũng mở ra cánh cửa tham gia vào thị trường lao động, tăng cơ hội hợp tác và thúc đẩy sự nghiệp phát triển.
Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy chúng ta học giỏi ngoại ngữ, một trong số đó phải kể đến “động lực” xuất phát bên trong của mỗi cả nhân. Ngoài ra, đây cũng là cách tiếp cận sư phạm mà các giáo viên dạy ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng cần phải tuân thủ. Theo Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (Hà Nội, SN 1973) – giảng viên cao cấp của Trường Đại học Flinders (Nam Úc), trong khoa học, nó được gọi là các “chiến lược tạo động lực”.
Một số bạn học sinh cần tự “tạo động lực” trong hành trình chinh phục ngoại ngữ. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh người học nói chung, không phải ai cũng có khả năng này. Lúc này, giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho học sinh và việc biết những “chiến lược tạo động lực” lúc này là vô cùng cần thiết.
Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai – giảng viên cao cấp của Trường Đại học Flinders (Nam Úc)
1. Hành vi phù hợp của giáo viên: Giáo viên khi đứng lớp giảng dạy có các hành vi giúp tạo động lực cho học sinh hay không? So sánh 2 giáo viên có cùng trình độ chuyên môn, nhưng một giáo viên có hành vi “phù hợp” sẽ kích thích khả năng học tập của học sinh hơn là giáo viên có hành vi “không phù hợp”.
Chẳng hạn hành vi “phù hợp”, trước khi bắt đầu dạy giáo viên có thể có những câu động viên, hỏi han học sinh: “Sáng nay của các em thế nào?”, “Các em có thấy lạnh không để cô chỉnh điều hòa lại?”… Giáo viên có hành vi “không phù hợp” là ngay khi vào lớp đã thể hiện quyền uy, quát tháo, thậm trí “đe dọa” là học ngoại ngữ này khó lắm…
2. Học sinh nỗ lực đến đâu cũng phải được ghi nhận đến đấy: Đây là khía cạnh mà nhiều giáo viên nước ngoài làm tốt hơn giáo viên Việt Nam. Lấy một ví dụ dễ hiểu, khi một học sinh làm bài kiểm tra được 5 điểm, nhiều giáo viên nước ngoài vẫn khen “good effort”, tức em đã có sự nỗ lực rồi. Chúng ta không nên áp đặt văn hóa điểm 9, điểm 10 vào tất cả các học sinh mà quên đi mất rằng khả năng của mỗi người là khác nhau. Ngoài ra, giáo viên không được so sánh học sinh này với học sinh khác vì như vậy sẽ “triệt tiêu” đi sự nỗ lực của các em, mà phải so sánh khả năng học của em học sinh ngày hôm nay với ngày hôm qua có tốt hơn hay không.
3. Làm cho người học tự tin: Để người học tự tin thì người giáo viên phải cẩn trọng khi sửa lỗi. Việc mắc lỗi là hết sức bình thường và tự nhiên trong quá trình học ngoại ngữ. Nhưng nếu việc sửa lỗi không đúng cách, không đúng thời điểm, thời lượng thì có thể làm người học nhụt trí và mất tự tin.
Ảnh minh họa
4. Tạo không khí lớp học: Giáo viên có thể tạo ra những giây phút cô trò hài hước, thoải mái trong lớp học. Chỉ cần 5 phút thôi, nhưng việc tạo không khí thoải mái ngay những giây phút đầu tiên sẽ tạo tiền đề các em tập trung học tập hơn về sau.
5. Giáo viên đưa ra chỉ dẫn rõ ràng: Nhiều giáo viên đưa ra chỉ dẫn trên lớp học quá rối rắm, yêu cầu khó so với khả năng của học sinh. Chẳng hạn khi giảng dạy về thì Hiện tại hoàn thành, dù mới kết thúc lý thuyết nhiều giáo viên đã bắt học sinh đứng lên đặt 5 câu với thì hiện tại hoàn thành hoàn chỉnh rồi, đương nhiên không phải học sinh nào cũng có khả năng như vậy.
Ngoài ra, giáo viên nên bắt đầu với mọi thứ từ câu hỏi “why” (tại sao phải học cái đang học) thay vì “what” (học cái gì). Thay vì chỉ giảng về cách dùng, cấu trúc, dấu hiệu nhận biết của thì hiện tại tiếp diễn, thì giáo viên có thể giải thích cho học sinh “Tại sao lại phải học thì hiện tại tiếp diễn?”. “Nếu không vững cách sử dụng thì hiện tại tiếp diễn có sao không?”…
6. Giúp cho người học có định hướng và mục tiêu học tập dễ dàng: Ví dụ học sinh muốn có điểm IELTS đi học nước ngoài. Thời điểm hiện tại các em đã ở ngưỡng 4.5 IELTS, thì từ 4.5 lên 6.0 cần bao nhiêu thời gian? Mục tiêu học tập của các em thế nào mới được 6.5 IELTS. Lưu ý là chia nhỏ mục tiêu học tập (small win) và từng bước nhỏ (baby steps), từ 4,5 dần lên 5.0, từ 5.0 lên 5.5 và từ 5.5 lên 6.0 sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đặt mục tiêu từ 4.5 IELTS lên thẳng 6.0 IELTS luôn. Đó là chưa kể tốc độ học, năng lực học của mỗi cá nhân người học một khác.
7. Làm thế nào để giờ học thú vị: Giáo viên phải cố gắng để giúp bài học hôm nay, dẫu khó hơn ngày hôm nay nhưng học sinh vẫn phải hứng thú học. Các nghiên cứu chỉ là đây là điều rất khó và giáo viên cần phải được trang bị rất nhiều kiến thức để có thể thiết kế một giờ học ngoại ngữ thú vị, truyền cảm hứng và động lực cho người học.
Ảnh minh họa
8. Khả năng sử dụng tiếng Anh: Hãy cho học sinh thực hành, đừng chỉ học lý thuyết suông. Việc học ngoại ngữ giống như học bơi vậy, nếu giáo viên chỉ dạy lý thuyết bơi mà không cho học sinh bơi thực tế thì mãi mãi về sau em học sinh đấy cũng không thể bơi lội được. Thực tế là nhiều người học tiếng Anh chỉ dừng lại ở việc biết về tiếng Anh chứ không biết sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, hay trong học thuật hoặc trong công việc.
9. Giải thích tầm quan trọng của trải nghiệm cá nhân, khiến lớp học có sự gắn kết: Một lớp học đoàn kết, các em học sinh sẽ khích lệ nhau học tập hàng ngày.
10. Làm cho người học có tính chủ động: Đây là chiến lược vô cùng quan trọng. Giáo viên nên thúc đẩy khả năng tự học trong từng học sinh để học sinh biết cách tự học và tự chịu trách nhiệm với năng lực học tập của từng cá nhân.