Trong Tam Tự Kinh – cuốn sách ngày xưa người Trung Hoa dùng để dạy học trò mới đi học có câu: Nuôi không dạy, lỗi của người cha. Người xưa đã sớm nhận ra rằng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái chính là cha mẹ. Sự thịnh vượng hay suy tàn của một gia đình phụ thuộc vào việc thế hệ tương lai có triển vọng hay không.
Bạn muốn con mình trở thành người như thế nào, trước hết bạn phải là người như thế đó. Trong nhiều trường hợp, mọi cử chỉ, lời nói, việc làm của cha mẹ sẽ in sâu vào tâm trí con cái một cách từ từ và sâu sắc. Từ đó hình thành nên thói quen và tính cách đứa trẻ.
Nuôi dạy con, vì thế, tuyệt đối tránh hai sai lầm này:
Cha mẹ đối xử khắc nghiệt với đấng sinh thành
Có một câu chuyện ngụ ngôn như vậy: Gia đình nọ có ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Bà nội đã già, không còn đi được nữa, con trai và con dâu cảm thấy mẹ là gánh nặng nên quyết định đem bỏ vào núi.
Một đêm nọ, họ gọi con trai đến và cùng nhau đặt bà lão vào một chiếc thúng tre lớn rồi khiêng lên núi. Khi đang định để người mẹ lại một mình, con trai họ ở bên cạnh nói: “Cha mẹ, đã để bà nội ở trên núi rồi, đừng vứt cái sọt lớn này đi”. Cha mẹ cảm thấy rất kỳ lạ liền hỏi con trai: “Tại sao con lại mang giỏ về nhà?”. Người con trả lời: “Khi cha già con cũng sẽ dùng chiếc thúng lớn này chở cha vào núi”.
Con cái sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ, khi bạn hiếu thảo với cha mẹ, con cái cũng trở nên biết đồng cảm, yêu thương, kính trọng và học cách cư xử đúng mực. Ngược lại, bản thân cha mẹ lòng dạ hẹp hòi, không có tình thương với người thân, người lớn tuổi thì làm sao có thể nuôi dạy được những đứa con hiếu thảo?
Hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không phải là điều xa vời mà xuất phát từ những việc làm thiết thực hằng ngày, từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc. Qua hành động của mình, cha mẹ sẽ giúp con cái thẩm thấu, cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của mối quan hệ huyết thống.
Cha mẹ không tôn trọng giáo viên
Một số phụ huynh than phiền dù họ đã dạy con rất đúng nhưng con vẫn không ổn, thậm chí có những biểu hiện đáng lo ngại như phá kỷ luật lớp, không chịu học tập… Không loại trừ nguyên nhân, trong hành vi này của trẻ có sự “tác động” của phụ huynh. Bởi cha mẹ đôi khi đã vô tình cổ vũ cho thái độ chống đối giáo viên của con.
Một số phụ huynh cho rằng con học kém là do cô. Họ nghĩ bản thân đã bỏ tiền ra cho con đi học, nhiệm vụ còn lại là của thầy cô. Thầy cô phải dạy dỗ, giáo dục con mình nên người, thành tài. Một khi thấy con không được như kỳ vọng, họ sẽ quay sang trách móc năng lực giáo viên và có thái độ thiếu tôn trọng, tỏ ra coi thường.
Con người càng tu dưỡng, thành công trong sự nghiệp và tương lai tươi sáng thì càng kính trọng thầy cô. Đối với trẻ em, phần lớn thời gian ở trường là dành cho giáo viên và các bạn cùng lớp. Nếu cha mẹ không tôn trọng giáo viên thì làm sao trẻ có thể làm điều tương tự?
Các giáo viên có kinh nghiệm đều biết rằng: Người học trò dù có tối dạ đến đâu, miễn là còn có tâm hiếu kính với thầy, hiếu thuận với cha mẹ thì không khó để chuyển hóa. Ngược lại, nếu học sinh phớt lờ cha mẹ, thầy cô thì cũng coi như bị “bệnh nan y”, khó cứu vãn. Nếu không kính trọng thầy, không khiêm tốn học tập thì làm sao có triển vọng?
Những đức tính ưu tú không phải vốn có ở trẻ khi mới sinh ra mà dần dần thấm nhuần một cách tinh tế qua lời nói, việc làm của cha mẹ. “Bạn là người như thế nào, con bạn là người như thế ấy” là vậy.