Trong não thất của thai nhi và người lớn luôn có một lượng dịch não tủy nhất định, với chức năng bảo vệ não và tủy sống. Trung bình dịch khoang não thất thai nhi đo được dưới 10mm. Nhưng khi trẻ gặp phải những rối loạn trong quá trình sản sinh, lưu thông và hấp thụ dịch não tủy, sẽ dẫn đến tình trạng giãn các não thất.
Nguyên nhân gây giãn não thất
Thai nhi và trẻ sơ sinh có thể bị giãn não thất 10mm trở lên do một số nguyên nhân sau:
+ Thể giãn não thất bẩm sinh
– Do tắc tĩnh mạch chủ trên;
– Do dị tật Dandy – Walker hoặc Chiari;
– Do bất thường tĩnh mạch Galen;
– Do xuất huyết não thất;
– Do nhiễm trùng trong tử cung của mẹ (TORCH).
+ Thể giãn não thất mắc phải
– Do chấn thương sản khoa gây xơ hoá sau khi chảy máu dưới màng nhện.
– Do nhiễm khuẩn: Viêm màng não gây tắc nghẽn lưu thông dịch não tuỷ, Toxoplasmose, giang mai.
Ngày nay, người ta còn gặp hội chứng tăng áp nội sọ lành tính, hay gặp ở phụ nữ đứng tuổi là bệnh giả u não vẫn chưa giải thích được.
Lúc sinh ra, một số trường hợp đã thấy đầu trẻ to rất nhanh hoặc sau vài tháng tuổi trẻ mới có hiện tượng đó. Thể trung gian có thể thấy đầu người bệnh to ra, nhưng không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, đôi khi thấy có đau đầu.
Một số trường hợp điển hình, đầu quá to so với cơ thể của người bệnh. Ngược lại, một số trường hợp đầu có thể bé và hình tam giác, tóc thưa, tĩnh mạch da đầu giãn rộng, đường khớp giãn. Hai mắt bị đẩy xuống, hai nhãn cầu xoay xuống dưới, trí tuệ thay đổi rõ. Các dấu hiệu thần kinh thực thể có thể có hoặc không. Lác mắt hoặc teo dây thần kinh thị giác là những biểu hiện thường gặp. Hai chi dưới của người bệnh kém phát triển và bị co cứng, hoặc có thể bại, thường là do thoát vị màng tuỷ ở thắt lưng.
– Đối với trẻ sinh non và trẻ nhỏ
Đối với trẻ sinh non, nguy cơ bị giãn não thất có thể được phát hiện bằng cách đo vòng đầu để đánh giá bất thường. Trong trường hợp có tăng áp lực nội sọ sẽ đi kèm với một số dấu hiệu như:
+ Thóp phồng;
+Giãn tĩnh mạch da đầu và khớp sọ;
+ Đôi khi tim đập chậm, có khoảng ngừng thở;
+ Liệt dây thần kinh vận nhãn, ánh mắt luôn nhìn xuống (ít gặp).
Trường hợp các bé còn thóp, ngoài những triệu chứng về tĩnh mạch da đầu, tim và thị giác tương tự như trên, có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện sau đây:
+ Đầu to, phát triển nhanh hơn so với cả khuôn mặt;
+ Thóp căng phồng, rộng các đường khớp sọ;
+ Trẻ hay quấy khóc, dễ bị kích thích và nôn ói;
+ Gặp khó khăn trong việc giữ hoặc xoay đầu.
– Ở trẻ lớn
Ở những trẻ đã lớn, nếu rơi vào tình trạng não úng thủy cấp tính, sẽ có một vài triệu chứng sau:
+ Đau đầu âm ỉ, tăng dần sau thức dậy và giảm dần sau khi nôn;
+ Nôn vọt ra thành vòi;
+ Thay đổi tri giác;
+ Song thị (nhìn 1 hóa 2), mờ mắt hoặc phù gai thị do liệt dây thần vận nhãn số VI.
Tuy nhiên, ngày nay giãn não thất có thể được chẩn đoán ngay từ bào thai. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể biết được độ giãn khoang não thất của thai nhi. Trong khoảng tuần thứ 22, giãn não thất 10mm giáp biên bên trái thì không đáng ngại, vì thông thường sau 32 tuần, giãn não thất cuối thai kỳ sẽ trở về bình thường.
Nhưng nếu như siêu âm thóp trước sinh cho kết quả đường kính não thất 18 – 19mm thì nguy cơ hình thành bệnh giãn não thất lên đến 80%.
Theo dõi thai kỳ thấy não thất có khuynh hướng nhỏ dần, dao động khoảng còn 13 – 14mm khi siêu âm ngay trước sinh thì được xem là dấu hiệu tốt. Nhiều khả năng trẻ mắc phải tình trạng não thất rộng (Ventriculomegaly) và sẽ dần tự ổn định theo thời gian.
Điều trị giãn não thất
Hiện nay, giãn não thất ở trẻ đã có biện pháp điều trị thích hợp, thậm chí nếu bệnh ở mức độ nhẹ (giãn não thất 10mm trở xuống) đôi khi chỉ cần theo dõi và sẽ tự hồi phục sau một thời gian.
Cách điều trị là phẫu thuật, bao gồm đặt hệ thống dẫn lưu dịch não tủy shunt và nội soi thông sàn não thất III, sẽ mang lại hiệu quả chữa bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, việc điều trị nội soi vẫn tiềm tàng một số nguy cơ rủi ro có gồm: Nhiễm trùng vết mổ; Liệt thần kinh vận nhãn; Tổn thương mạch máu não… Vì vậy, cha mẹ cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại: Giãn não thất là một tình trạng khá nguy hiểm có thể xảy ra với thai nhi và trẻ nhỏ. Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp can thiệp dành cho trẻ còn trong bụng mẹ. Do vậy, sản phụ cần tuân thủ siêu âm thai nghén định kỳ để phát hiện sớm bất thường của thai nhi.
Nếu như đã xác định giãn não thất cuối thai kỳ, sau khi trẻ sinh ra phải được đưa đi chụp MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính não theo đúng lịch bác sĩ chỉ định. Điều này sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình chẩn đoán nguyên nhân và khảo sát các dị tật đi kèm, cũng như quyết định hướng xử trí đúng đắn và kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
Tập luyện khi nắng nóng thế nào để tránh sốc nhiệt?