Một trong những trở ngại lớn nhất của trẻ tự kỷ là khả năng giao tiếp. Trẻ thích nhốt mình trong thế giới riêng và không có nhu cầu tiếp xúc với những người xung quanh. Do đó làm sao để trẻ chú ý đến bản thân, và giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp là điều không hề đơn giản. Cùng tìm hiểu về một số chiến lược giao tiếp với trẻ tự kỷ hiệu quả dành cho cha mẹ trong bài viết dưới đây.
Những khó khăn khi giao tiếp với trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong các tương tác xã hội và khả năng giao tiếp. Ngoài ra, khả năng tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng gặp nhiều hạn chế, dẫn đến việc trẻ chậm nói, chậm phản ứng với những tác nhân từ bên ngoài. Trẻ thích thu mình vào thế giới riêng và từ chối giao tiếp với cha mẹ hay những người xung quanh.
Chính vì thế, cha mẹ khi cố gắng tương tác với trẻ sẽ thấy rằng, trẻ tránh nhìn thằng vào mắt người lớn, và không phản ứng ngay với lời cha me nói. Trẻ cố gắng lảng tránh, không chú ý đến cha mẹ, mà chỉ quan tâm đến việc trẻ đang làm, hoặc món đồ chơi trẻ đang cầm trên tay.
Trẻ chỉ tương tác với một số món đồ cụ thể, mà không quan tâm đến những điều xảy ra xung quanh. Trẻ cũng không thể hiện sự yêu thích, không có hành vi chỉ tay, chia sẻ hay thể hiện cảm xúc của bản thân dành cho món đồ chơi, hay những thứ trẻ quan tâm.
Việc trẻ không quan tâm đến lời cha mẹ nói khiến việc giao tiếp với trẻ tự kỷ trở thành một vấn đề vô cùng khó khăn. Ngoài ra, trẻ tự kỷ còn có khả năng nghe hiểu chậm, không biết cách bày tỏ cảm xúc thông qua lời nói hay cử chỉ, và có nhiều hành vi kỳ lạ cũng khiến vấn đề giao tiếp gặp phải nhiều thách thức.
Nếu không được cải thiện và hướng dẫn đúng cách khả năng phát âm và giao tiếp, trẻ chỉ có thế bập bẹ những từ ngữ đơn giản, vô nghĩa. Trẻ chỉ có thể nói từ đơn, không thể dùng những từ ghép phức tạp hay cụm từ. Trẻ cũng không hiểu nghĩa câu, thường xuyên dùng ngữ pháp lộn xộn khiến câu nói trở nên vô nghĩa.
Khiếm khuyết trong giao tiếp và khả năng bày tỏ cảm xúc khiến trẻ không thể kết nối bình thường với mọi người, không thể biểu hiện suy nghĩ, từ đó sinh ra những hành vi như trẻ hay đánh bạn, khóc lóc, ăn vạ với cha mẹ hay những người xung quanh. Trẻ càng kích động thì quá trình giao tiếp và trao đổi với trẻ càng không có hiệu quả.
Xem thêm: Trẻ hay đánh bạn, gây hấn: Nguyên nhân và Cách xử trí phù hợp
Một số trẻ tự kỷ tăng động, chống đối giáo viên và cha mẹ khiến việc giao tiếp gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy, việc giao tiếp với trẻ tự kỷ không hề đơn giản, mà cần sự kiên trì và những phương pháp đúng đắn nhằm giúp trẻ làm quen, thấu hiểu và cải thiện khả năng giao tiếp.
Để đạt được điều này, cha mẹ cần chú ý đến một số nhu cầu và hành vi của trẻ trong quá trình giao tiếp nhằn giúp trẻ phát triển khả năng tập trung, khả năng ngôn ngữ và học cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Dưới đây là 12 cách giao tiếp với trẻ tự kỷ hiệu quả mà cha mẹ nên tham khảo.
12 Chiến lược giao tiếp với trẻ tự kỷ hiệu quả dành cho cha mẹ
Giao tiếp với trẻ tự kỷ luôn là một thách thức với phụ huynh. Cha mẹ rất cần sự kiên trì, yêu thương, bao dung và năng lượng tích cực trong quá trình giao tiếp, nhằm thu hút sự chú ý của trẻ và khiến trẻ quen với sự hiện diện của bản thân. Phụ huynh có thể tham khảo một số cách dưới đây để giao tiếp với trẻ tự kỷ hiệu quả hơn.
1. Thu hút sự chú ý của trẻ
Điều đầu tiên cần làm để cải thiện việc giao tiếp với trẻ tự kỷ là thu hút sự chú ý của trẻ. Bình thường, trẻ tự kỷ sẽ không có hứng thú, không tập trung và không quan tâm đến lời cha mẹ nói mà luôn tìm cách lảng tránh. Do đó, tập cho trẻ khả năng tập trung và tiếp nhận thông tin là điền cần thiết.
Muốn như vậy, cha mẹ cần đặt trẻ trong một môi trường yên tĩnh, thoải mái, có ít đồ vật, ít màu sắc để trẻ không bị thu hút bởi những vật bên ngoài. Điều này giúp trẻ không bị xao nhãng, và dễ tập trung hơn vào cha mẹ hay thầy cô ngồi đối diện. Luyện tập sự chú ý sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp.
Hãy ngồi mặt đối mặt với trẻ, yêu cầu trẻ mặt đối mặt, và hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động. Hãy thường xuyên gọi tên trẻ, và lặp lại hành vi này cho đến khi trẻ có phản ứng với lời nói của cha mẹ. Bước đầu tiên để cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ là để trẻ chú ý và phản xạ khi nghe cha mẹ goi tên.
2. Giao tiếp bằng hình thức phi ngôn ngữ
Khi khả năng phát âm và giao tiếp bằng lời nói của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế, cha mẹ nên giúp trẻ luyện giao tiếp phi ngôn ngữ. Phụ huynh nên chọn những cử chỉ đơn giản để trẻ dễ chú ý, dễ bắt chước và lặp đi lặp lại nhiều lần trước mặt trẻ. Khi trẻ đã chú ý và ghi nhớ, trẻ có thể bắt chước dễ dàng hơn.
Ví dụ trước khi cầm một vật gì đó, cha mẹ nên chỉ tay vào vật đó để thu hút sự chú ý của trẻ, hoặc chỉ tay vào một vật trong tầm mắt của trẻ rồi từ từ nhặt nó lên. Cứ như vậy làm đi làm lại nhiều lần trước mặt trẻ, điều này có thể khiến trẻ hình thành thói quen chỉ vào vật trước khi lấy chúng.
Cha mẹ cũng có thể cầm tay trẻ chỉ vào đồ vật, sau đó bắt lấy đồ vật để trẻ làm quen với cảm giác. Trong quá trình hướng dẫn những hành động chỉ trỏ, cha mẹ cũng cần kết hợp với lời nói để trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động. Hành vi này cần được lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ có thời gian tiếp thu và thấu hiểu.
Về sau khi trẻ đã quen, cha mẹ có thể chỉ vào đồ vật khi yêu cầu trẻ lấy chúng để kiểm tra xem, trẻ có hiểu được yêu cầu hay không. Những trò chơi như ghép hình, phân loại đồ vật có thể bổ trợ cho phương pháp giao tiếp phi ngôn ngữ, rất phù hợp với cách dạy trẻ tự kỷ giao tiếp này.
3. Sử dụng hình ảnh trực quan khi giao tiếp với trẻ tự kỷ
Sử dụng những hình ảnh trực quan trong quá trình giao tiếp với trẻ tự kỷ là điều vô cùng quan trọng. Bởi vì trẻ sẽ phản ứng nhanh, nhớ lâu hơn nếu tiếp xúc với những hình ảnh sinh động, trực quan. Khi giáo dục trẻ tự kỷ cách giao tiếp và thể hiện nhu cầu, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với đồ vật có thật, hoặc tranh minh họa sặc sỡ.
4. Dùng những từ kết nối câu
Trong quá trình dạy trẻ giao tiếp và thực hiện những hành vi liên tiếp, cha mẹ nên kết hợp nhiều từ ngữ như “bắt đầu”, “tiếp theo”, “sau đó”, “kết thúc”,… để trẻ hình dung được quá trình của hành động. Giữa các quá trình nên dừng lại một thời gian ngắn để trẻ có thơi gian tiếp thu và bắt chước.
5. Sử dụng từ ngữ đơn giản
Khi giao tiếp với trẻ tự kỷ, dùng từ càng đơn giản và trực tiếp càng tốt. Ban đầu, cha mẹ hãy nói về những điều trẻ quan tâm như những món đồ chơi mà trẻ thích, hay những điều khiến trẻ chú ý để dạy trẻ từ mới. Lặp lại cụm từ nhiều lần, kết hợp với việc chỉ tay hoặc cầm đồ vật, đặt đồ vật vào tay trẻ.
Trong qua trình này, cha mẹ củng cần khuyến khích trẻ tăng số lượng từ để cải thiện ngôn ngữ. Ví dụ nếu trẻ chỉ mới nói được từ đơn, thì hãy tăng cường nhiều từ ghép có 2 chữ để trẻ tăng lượng từ. Nếu trẻ nói được từ 2 chữ, thì tiếp tục cải thiện bằng những cụm 3 chữ để trẻ học thệm cụm từ mới.
Thời gian đầu những từ ngữ cần trực quan, sinh động bằng cách kết hợp với những sự vật xung quanh.Khi nói, cha mẹ cần phát âm rõ ràng, nhấn nhá ở những chữ quan trọng để tạo dấu ấn, giúp trẻ chú ý đến từ ngữ cần nhớ tốt hơn. Cần cho trẻ thời gian để làm quen, không cần hấp tấp, không buộc trẻ nhanh chóng hiểu và ghi nhớ.
6. Kiên nhẫn trong quá trình giao tiếp với trẻ tự kỷ
Trong quá trình dạy giao tiếp cho trẻ tự kỷ, phụ huynh cần cho trẻ thời gian tiếp thu, chứ đừng nên dồn ép hay tạo áp lực. Càng thúc giục hay tỏ thái độ nóng lòng, buộc trẻ trả lời ngay sẽ càng phản tác dụng, khiến trẻ ngày càng ngại giao tiếp hơn. Cha mẹ cần chú ý tốc độ phản ứng của trẻ, và kiên nhẫn chờ đợi trẻ đáp lời.
Phụ huynh cần giữ thái độ tích cực, bao dung và kiên trì vì trẻ tự kỷ có nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong vấn đề giao tiếp. Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt rất cần được thấu hiểu và có thời gian cải thiện. Trẻ sẽ tiến bộ từng ngày nếu cảm nhận được năng lượng tích cực và tình yêu thương từ cha mẹ.
7. Nói chậm và rõ
Tốc độ tiếp thu và phản hồi thông tin ở trẻ tự kỷ chậm hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Trẻ cần nhiều thời gian để tiếp thu, thấu hiểu, xử lý và đưa ra phản hồi. Do đó khi giao tiếp với trẻ tự kỷ, cha mẹ không nên nói nhanh và đưa thông tin quá nhiều, quá dồn dập. Điều này khiến trẻ không kịp ghi nhớ và xử lý.
Cách tốt nhất là nói chậm, nói rõ và chú ý phát âm chính xác. Sau khi đặt câu hỏi hoặc yêu cầu trẻ, nên cho trẻ thời gian phản ứng với thông tin vừa nhận được. Việc thúc giục, hay thay đổi cách nói chỉ khiến trẻ thêm khó khăn và rối trí khi xử lý, vì chưa kịp hiểu thông tin này thì đã phải tiếp nhận thông tin khác.
Đương nhiên, việc nói chậm và rõ chỉ cần thiết trong thời gian đầu để trẻ luyện tập cách phản ứng. Khi trẻ có tiến bộ, cha mẹ sẽ bắt đầu tăng tốc độ nói, tăng độ dài câu để trẻ học theo. Việc tăng tốc độ này cũng cần vừa phải và theo tuần tự để trẻ cải thiện khả năng thu nhận và xử lý thông tin một cách tốt nhất.
8. Thường xuyên tương tác với trẻ
Để trẻ làm quen và tự tin trong giao tiếp, hoạt động giao tiếp nên được thực hiện thường xuyên và lặp đi lặp lại. Cha mẹ muốn trẻ nhanh tiến bộ thì hãy dành nhiều thời gian tương tác với trẻ, giúp trẻ cảm thấy giao tiếp là một thú vui, một trò chơi chứ không phải gánh nặng hay điều gây khó chịu.
Bên cạnh những hoạt động bình thường, cha mẹ cũng nên cùng trẻ đọc sách, kể chuyện, hoặc đóng giả thành các nhân vật để kích thích trẻ giao tiếp nhiều hơn bằng cách lặp lại những lời thoại trong sách. Trong quá trình kể chuyện hay diễn kịch, hãy chú ý thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng, phóng đại để trẻ nhìn thấy.
Việc tương tác thường xuyên cũng giúp trẻ có thói quen về sự hiện diện của cha mẹ, giúp trẻ tự tin, thoải mái và chú ý hơn đến những điều cha mẹ đang làm. Trong quá trình tương tác, hãy nhớ luôn yêu cầu trẻ nhìn thẳng vào mắt người lớn, gọi tên trẻ để tạo thoái quen chú ý, giúp trẻ cảm nhận cha mẹ luôn bên cạnh.
9. Áp dụng các bài tập luyện phát âm khi giao tiếp với trẻ tự kỷ
Trong quá trình giao tiếp với trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể giúp trẻ phát âm chuẩn và tự tin hơn thông qua những trò chơi và bài tập luyện phát âm. Hãy biến việc này thành hình thức vừa chơi vừa học. Như vậy trẻ vừa có hứng thú giao tiếp với cha mẹ, vừa luyện khả năng phát âm để cải thiện vấn đề ngôn ngữ.
Những trò chơi như bắt chước âm thanh, ngữ điệu có thể tăng cường hoạt động của môi, lưỡi, miệng. Với những trẻ không thể phát âm rõ thì những bài tập môi miệng cho trẻ tự kỷ, hành động như thổi bóng, liếm môi, tặc lưỡi, cắn, nhai,… đều có tác dụng giúp các cơ mềm mại, uyển chuyển hơn, giúp quá trình phát âm dễ dàng và thú vị hơn.
Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ quan sát môi và miệng của bản thân, và phát âm thật chậm, thật chuẩn để trẻ học theo. Hãy bắt đầu với những nguyên âm mở miệng đơn giản và dễ phát âm, sau đó đến phụ âm, rồi ghép nguyên âm và phụ âm với nhau thành từ hoàn chỉnh. Từ ngữ càng đơn giản và trực quan càng tốt.
Quá trình này có thể kết hợp với những sự vật có thật, hoặc những hình ảnh trực quan để trẻ vừa luyện phát âm, vừa học cách hình dung sự vật. Trẻ tự kỷ học tập thông qua hình ảnh, màu sắc tốt hơn so với chữ viết. Do đó ba mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ làm quen càng nhiều hình ảnh càng tốt để cải thiện giao tiếp.
10. Thấu hiểu nhu cầu của trẻ
Thấu hiểu những nhu cầu của trẻ tự kỷ, biết lúc nào trẻ muốn nói, lúc nào không nên ép buộc trẻ nói cũng là điều cha mẹ cần chú ý. Để việc giao tiếp với trẻ tự kỷ dễ dàng và thuận lợi hơn, cha mẹ hạy chú ý hành vi và biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ có thái độ mệt mỏi, khó chịu hay sợ hãi thì đừng nên tiếp tục.
Nếu cha mẹ không biết cách dừng lại, trẻ sẽ có cảm xúc tiêu cực về việc nói năng và giao tiếp. Trẻ không thoải mái, không có cảm xúc tích cực thì sẽ luôn lảng tránh khi cha mẹ muốn nói chuyện, và không chú ý đến những điều phụ huynh đề cập. Do đó, hãy chọn thời điểm thích hợp, và chủ đề thích hợp.
Hãy chọn những thời điểm thích hợp, đặt trẻ trong một không gian thoải mái, và chủ động nói về những chủ đề trẻ yêu thích. Cha mẹ nên đưa cho trẻ một món đồ chơi, chơi cùng trẻ và dựa vào những hành động của trẻ để tìm kiếm chủ đề giao tiếp. Từ những điều trẻ có hứng thú, hãy dạy trẻ gọi tên chúng một cách chính xác.
11. Sử dụng những biện pháp nghệ thuật
Một số trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt về nghệ thuật, thích vẽ tranh, chơi nhạc cụ hay nghe nhạc. Chính vì thế, cách giao tiếp tốt nhất với trẻ là cùng trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng trẻ vẽ tranh hay luyện tập nhạc cụ, từ đó cảm nhận tâm tư và tình cảm của trẻ thông qua hình ảnh.
Những liệu pháp nghệ thuật cũng giúp tâm trạng của trẻ thoải mái hơn, hạn chế những hành vi quá khích, cáu gắt của trẻ trong quá trình giao tiếp. Khi tâm trạng của trẻ được thả lỏng, cha mẹ cũng có thể nói chuyện với trẻ dễ dàng hơn, kích thích khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với môi trường.
12. Khen ngợi và cổ vũ trẻ khi giao tiếp với trẻ tự kỷ
Cha mẹ nên thể hiện năng lượng tích cực khi nói chuyện và chơi đùa với trẻ. Khi thấy trẻ tiến bộ, hãy khen ngợi và cổ vũ trẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy giao tiếp là một điều thú vị. Khi được cổ vũ, trẻ sẽ dần phát triển kỹ năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, và dễ thiết lập những mối quan hệ xã hội về sau.
Khen ngợi và cổ vũ trẻ cũng là cách giúp trẻ cảm thấy thoải mái, cảm nhận được sự quan tâm và yệu thương cha mẹ dành cho bản thân. Cảm xúc tích cực này có thể giúp trẻ thoải mái và tự tin hơn khi giao tiếp, cố gắng vượt qua những khó khăn trong quá trình cải thiện kỹ năng.
Việc giao tiếp với trẻ tự kỷ rất cần thiết, quan trọng và đòi hỏi sự cố gắng, kiên trì rất lớn từ cha mẹ. Cải thiện khả năng giao tiếp giúp trẻ tự tin, biết cách giao tiếp với mọi người, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, biết phản ứng lại với những tình huống trong cuộc sống, và có thể hòa nhập nhanh hơn.
Trong trường hơp cha mẹ không biết làm sao giáo dục trẻ một cách hiệu quả, thiếu kỹ năng giao tiếp với trẻ thì có thể đưa trẻ đến những trung tâm giáo dục đặc biệt để được giúp đỡ. Ở đó trẻ sẽ có môi trường phát triển toàn diện, phù hợp hơn, và được những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn hướng dẫn.
Hy vọng 12 chiến lược giao tiếp với trẻ tự kỷ hiệu quả dành cho cha mẹ trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách giao tiếp với trẻ một cách phù hợp, khoa học hơn. Khi vấn đề giao tiếp được cải thiện, trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống, và có tương lai rộng mở hơn.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Cách dạy trẻ tự kỷ, chậm nói bật âm hiệu quả và đơn giản nhất
- Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách: 10 Mẹo hay dành cho mẹ
- Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Liệu có chính xác?
- Cách dạy trẻ tự kỷ chỉ tay đơn giản bố mẹ cần biết