Giáo viên trung tâm Anh ngữ có hành động gây tranh cãi với trẻ 4 tuổi: Chuyên gia nói gì?
Con khóc, bị giáo viên phạt đuổi ra ngoài. Khi tìm hiểu nguyên nhân, phụ huynh cho rằng cách ứng xử của giáo viên và cả trợ giảng đều chưa thỏa đáng.
- Đưa con đến trường nhập học, phụ huynh bất ngờ thành tâm điểm tranh cãi vì trang phục “không giống ai”
- Bức ảnh ngày nhập học của 1 tân sinh viên khiến cộng đồng mạng chia 2 phe tranh cãi
- Nữ sinh đỗ ĐH Thanh Hoa nhưng bố mẹ nhất quyết không cho nhập học, nguyên nhân làm bùng lên tranh cãi
Không có gì ngạc nhiên khi trẻ nhỏ hay phạm lỗi. Nhất là khi trẻ từ 1 tuổi đến 4 tuổi, khoảng thời gian đang háo hức khẳng định bản thân, thể hiện những điều thích và không thích nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng tự chủ và chưa được trang bị những kỹ năng cơ bản.
Đây là cơ hội để thầy cô, cha mẹ giúp trẻ học được rằng hành vi nào được chấp nhận và ngược lại. Tuy nhiên, dùng phương pháp nào, thưởng phạt ra sao để trẻ hạn chế hành vi tương tự mà không gây tổn thương cho trẻ thì không phải người lớn nào cũng nắm bắt được.
Mới đây, một bà mẹ thu hút sự chú ý khi chia sẻ câu chuyện về con gái 4 tuổi trên một diễn đàn dành cho phụ huynh. Chị cho biết, con gái đang học tiếng Anh ở một trung tâm được gần 5 tháng. Một ngày chị đón con thì thấy mắt con sưng đỏ như là đã khóc rất nhiều.
Cùng lúc đó thì 1 cô trợ giảng đi lại và đòi quả bóng con đang cầm trên tay “trả lại bóng cho trung tâm”, ngoài ra không trao đổi bất cứ thông tin gì về việc vì sao con khóc. Cho đến khi bà mẹ này hỏi thì mới nghe con kể là teacher không cho con làm bài tập và đuổi con ra ngoài.
Ảnh minh họa
Phụ huynh đã xin gặp cô trợ giảng lớp con và hỏi lí do thì được trả lời: Vì teacher (người nước ngoài dạy chính thì con hay gọi là teacher) phát bài tập cho các bạn, nhưng chưa đến lượt con mà con lại đứng lên xin, cô không đồng ý và yêu cầu con ngồi xuống. Con ngồi xuống rồi lại đứng lên xin bài. Vì thế teacher quyết định không cho con làm bài. Con khóc và bị phạt đuổi ra ngoài.
Chị cũng chỉ chia sẻ ngắn gọn rằng con rất cá tính, đôi khi có phần hiếu thắng, hơn nữa con học cùng các bạn độ tuổi 3-4 tuổi, vừa học vừa chơi, nên các cô đừng cứng nhắc quá. Cô trợ giảng nói do nay giáo viên dạy thay nên chưa hiểu tính cách con.
Bà mẹ này cho rằng, chị cảm thấy rất bực mình vì không ai trao đổi với mình cho đến khi mình hỏi con và xin phép gặp cô trợ giảng để hỏi cho rõ (thầy cô trợ giảng luôn đi theo các con cho đến khi trả cho bố mẹ, nhưng lại không chủ động nói với chị): Việc con đứng dậy xin bài, liệu có nhất thiết phải phạt như vậy hay không?
Thắc mắc của bà mẹ này nhanh chóng nhận về hàng trăm bình luận với những ý kiến trái chiều.
“Hành xử thiếu kỹ năng sư phạm”?
Nhiều người cho rằng, là giáo viên, không chỉ soạn giáo án, lên lớp giảng bài, mà còn phải trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm có thể phát sinh trong quá trình giảng dạy. Trong trường hợp này, giáo viên đứng lớp đã hành xử thiếu kỹ năng sư phạm, có thể ảnh hưởng đến tinh thần cũng như động lực học tập của bé.
“Bé mới 4 tuổi mà phạt như cấp 3 vì một cái lỗi quá nhỏ. Bảo con và giáo viên tiếng Anh bất đồng ngôn ngữ tự con không giải quyết được vấn đề đã đành, trợ giảng là người Việt phải hỗ trợ con, sao lại có thể để con ngồi ngoài cả giờ học thế được. Chưa kể hành động đòi lại quả bóng từ tay con với cái ngôn từ trống không và lạnh lùng thế, càng cho thấy họ cực kỳ thiếu kỹ năng xử lý tình huống”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Một số cho rằng, con có quyền đứng lên xin bài, con không hề sai. Cái sai là các thầy cô phải bình tĩnh giải thích cho con hiểu theo thứ tự chứ không phải cứ bảo không được, con sẽ không hiểu lý do tại sao. Con hiếu động thì sẽ càng muốn đạt được mục đích của mình nếu không có sự giải thích đầy đủ.
Bên cạnh đó, có người đặt câu hỏi, liệu giáo viên dạy thay này có phải là giáo viên “chuẩn” hay không, bởi thông thường, các thầy cô nước ngoài không hành xử như vậy: “Em làm việc với người nước ngoài nhiều rồi. Họ rất vui vẻ, nếu con đứng lên xin trước có khi người ta còn động viên”.
“Trước mình cũng dạy trung tâm tiếng Anh, một số nơi hiện nay mang tiếng là giáo viên nước ngoài dạy nhưng thực chất đó là sinh viên, là khách du lịch qua Việt Nam chơi trong thời gian ngắn, kết hợp dạy thêm tiếng Anh để kiếm tiền. Họ thường không có kỹ năng sư phạm, cũng chẳng có nhiệt huyết với nghề dạy, mà hầu hết chỉ là dân du lịch bụi, tranh thủ thời gian ngắn ngủi tại Việt Nam làm thêm.
Nhiều giáo viên nước ngoài hành xử rất oái oăm. Trẻ con phải có đứa nọ đứa kia, đứa trầm tính đứa thì hiếu động. Vậy mà có lần chỉ có một bạn hơi nghịch hơn so với các bạn khác chút mà thầy giáo đứng lên bỏ về”, phụ huynh T.U chia sẻ.
Luồng ý kiến trái chiều thì khuyên phụ huynh nên trao đổi lại trung tâm để làm rõ, “check” cam xem lại sự việc. Nếu có vấn đề con bị đuổi đến hết giờ học thì đúng là cha mẹ nào cũng sẽ thấy tức giận vì mình bỏ tiền ra để cho con được học chứ không phải ngồi ngoài.
Tuy nhiên, “Phạt vì con gây ảnh hưởng đến các bạn ở trong lớp thì mình thấy là điều bình thường, chỉ là cách phạt như thế nào và cách con tiếp nhận như thế nào thôi. Đặt vị trí mình là phụ huynh của các bạn khác trong lớp mà cứ có 1 bạn gây ảnh hưởng, ồn ào hay khóc to thì làm sao? Mẹ làm việc lại với trung tâm xem phương pháp dạy ở đấy có phù hợp với cá tính con mình không, nếu không thì đổi nơi khác. Không phải ai cũng chạy theo con mình được”, một người nhận định.
Có thể cần một cuộc trò chuyện thẳng thắn
Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Tú Anh – NCS. Tiến sĩ Tâm lý Nhi & Thạc sĩ Tâm lý cho rằng, đối với bé 4 tuổi, đây còn là độ tuổi lưng chừng, chưa thể yêu cầu bé phải hoàn toàn có được khả năng kiểm soát hành vi bộc phát. Như mẹ có chia sẻ thì bản thân bé khá cá tính, và có phần hiếu thắng, nếu là thầy cô đã theo dạy bé trong thời gian dài có thể sẽ hiểu bé hơn.
Tuy nhiên, mẹ cũng có chia sẻ là teacher nước ngoài dạy thay, nên chỉ trong 1 buổi có thể chưa hiểu rõ từng học sinh, hoặc cách vận hành và quản lý trật tự lớp học khác biệt giữa nhiều giáo viên khác nhau. Có thể giáo viên cũ của bé theo một style quản lý lớp học khác và cách của bé không làm phiền lòng giáo viên trước hoặc họ có cách xử lý khác nhau.
Đối với trường hợp cô trợ giảng, chị Tú Anh nhận định, chúng ta không thể đánh giá được trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cũng như vai trò của các cô này nếu không tìm hiểu cụ thể, nên cũng khó đánh giá là trách nhiệm và quyền hạn của cô đến đâu trong việc phụ tá cho lớp học.
Chị Nguyễn Tú Anh – NCS. Tiến sĩ Tâm lý Nhi & Thạc sĩ Tâm lý.
Theo chị Tú Anh, để có thể rõ ràng hơn thì mẹ có thể đến nói chuyện chân thành thẳng thắn với quản lý nhà trường để hiểu ngọn ngành 2 bên và cùng bàn bạc thống nhất cách xử lý và trò chuyện với bé.
Tùy thuộc vào các yếu tố bản tính của con, cũng như con có vui thích với việc học ở trường và teacher chính thức của con trong 5 tháng qua hay không, thì mẹ và giáo viên có thể giải thích cho con nghe. Nếu bé yêu quý giáo viên chính thức và khi quay lại học có giáo viên chính thức của con thì tinh thần bé sẽ thoải mái hơn.
Ngoài ra, mẹ có thể trao đổi với nhà trường hoặc giáo viên để biết thêm các quy tắc quản lý lớp học và khả năng tuân thủ và đáp ứng của con mình có đang ổn thỏa không, hay cần có các điều chỉnh nhẹ nhàng để hỗ trợ bé phát triển được các hành vi phù hợp với quy tắc lớp học.
Một chuyên gia tâm lý cũng cho biết, khi trẻ có hành vi “lệch chuẩn” trong mắt người lớn, đừng quá vội vàng thay đổi bé theo ý muốn của mình mà cần dùng nhiều cách thức khác nhau vì dù sao con vẫn còn khá nhỏ, chỉ mới 4 tuổi. Người lớn cũng không nên “dán nhãn” cho con là đứa trẻ bướng bỉnh, không ngoan. Quan trọng là nên dùng những cách thức động viên, khuyến khích bé vâng lời hơn là bạo lực.
Cuối cùng, trong một số tình huống cần thiết, bạn có thể cũng phải có những hình phạt, nhưng phải phù hợp phương pháp giáo dục con hiện đại và phù hợp với Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Ngoài ra không nên sử dụng hình phạt đánh đòn (trừng phạt thân thể) hay bỏ mặc vì sẽ làm cho bé sợ, thậm chí ám ảnh. Điều này là không hay chút nào và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ về sau.
Được biết, bà mẹ này sau đó đã có buổi làm việc với quản lý và trợ giảng trung tâm nói trên. Chị cũng đã nêu rõ quan điểm các cô cần mềm dẻo hơn, không nên quá cứng nhắc, cần thông báo phụ huynh sau khi sự việc xảy ra, nếu có đưa con ra ngoài thì cũng chỉ trong 1 khoảng thời gian và luôn cần người ở bên cạnh. Phụ huynh không muốn có tình huống tương tự lặp lại. Trung tâm cũng đã xin lỗi.
“Hơn nữa sự việc xảy ra với cô dạy thay, giáo viên dạy chính thức của con là 1 thầy giáo và con rất yêu quý thầy, thầy cũng hiểu tính cách của con”, chị nói.