Tôi lớn lên ở phố Lò Đúc. Ngày còn nhỏ, ngày nào tôi cũng đi bộ đến trường trên con đường với hai hàng cây sao đen lừng lững. Những gốc cây to lớn, im lìm và vững chãi giống như những người bảo hộ, xòa bóng mát che chở cho đám trẻ ở dưới tung tăng. Bằng một mối dây vô hình nào đó, mọi đứa trẻ, mọi người lớn, người già ở khắp khu phố này luôn cảm thấy một sự kết nối tinh thần với những hàng cây.
Ngày tôi rời xa phố Lò Đúc để chuyển đến một căn hộ khác ở quận Ba Đình, tôi dành một buổi trưa để đi bộ từ nhà mình đến hàng bánh đa cua ở Nhà thờ Hàm Long, chỉ để có được cái cảm giác đi bộ dưới tán cây sao đen mà chắc sẽ rất lâu nữa tôi mới có lại. Gần như một “nghi thức” tạm biệt, một lời chào đến những người đồng hành đã luôn che chở tôi trong suốt 30 năm đầu tiên của cuộc đời.
Tình yêu của người Hà Nội với cây là thế. Một thứ tình yêu âm thầm được nuôi dưỡng qua nhiều năm tuổi thơ, nhiều đoạn đời và nhiều dấu mốc đáng nhớ. Cây luôn ở đó, âm thầm lắng nghe, âm thầm xì xào bằng tiếng lá, đôi khi nhắc ta nhớ sự hiện diện của mình bằng một mùi hương khi mùa hoa về. Người khô khan nhất cũng trở nên lãng mạn khi sống ở Hà Nội, một phần cũng là bởi sự hiện diện của cây.
Sau này khi lớn, không chỉ có những gốc cây sao đen, mà tôi còn có thêm bạn là những cây hoa sưa ở phố Hoàng Diệu, hàng cây sấu dọc phố Phan Đình Phùng, hay hàng cây xanh tươi dọc hai bên phố Thanh Niên. Mỗi người bạn là một kỷ niệm của tuổi trẻ, của những xúc cảm trên từng đoạn đường, của những tâm tư thay đổi theo từng biến động cuộc sống.
Làm sao tôi quên được những ngày hè nóng nực, phóng xe máy trên phố Phan Đình Phùng và nghển cổ lên những tán cây trên bầu trời. Lần nào cũng vậy, dù là xuân, hạ, thu, đông – tôi không thôi cảm giác thán phục khi ngắm nhìn cái đường hầm của gió được tạo bởi những tán lá cao, dài và dày của cây sấu.
Làm sao tôi quên được những ngày mùa xuân ngồi sau xe đứa bạn thân, đi qua dàn cây hoa ban trước Lăng Bác nở ra những cánh hoa màu hồng mỏng dính, khiến cả một vùng khoảng không bừng lên một thứ ánh sáng thật dịu dàng giữa bầu trời màu xám.
Làm sao tôi quên được những gốc cây bàng, cây đa, cây gạo già nua nhưng đẹp lão, duyên dáng đứng cạnh một mái nhà cổ trên phố, như thể hai người già mỉm cười ngồi ngắm phố xá. Lần nào đi qua những căn nhà ấy, tôi cũng dừng lại chụp một tấm hình. Chẳng phải nói với con người câu nào, nhưng những gốc cây ấy lại âm thầm nhắc chúng ta về sự trường tồn của lịch sử giữa đời sống đô thị đổi thay mỗi ngày.
Không phải chỉ người Hà Nội mới yêu cây và có những kỷ niệm với cây, nhưng có lẽ, việc lớn lên cùng những hàng cây và luôn được nhìn ngắm những gốc cây, những tán cây đẹp đẽ giữa một thành phố vẫn còn dáng dấp thâm trầm của lịch sử – là điều khiến người Hà Nội gắn bó với cây hơn cả. Những gốc cây đã vượt qua vai trò của mỹ quan đô thị hay thanh lọc không khí, mà trở thành người bầu bạn, người đồng hành, người chứng kiến cho sự lớn lên, trưởng thành và thậm chí già đi của nhiều thế hệ.
Hồi ấy, cứ trước mùa mưa bão, các cô chú công nhân môi trường kiểu gì ghé qua khu phố để chặt, cắt, tỉa những cành cây đã cũ. Vẫn là một đứa trẻ nên tôi không thể hiểu nổi hành động đó mà chỉ nghĩ rằng con người đang phản bội thiên nhiên. Tôi leo lên chiếc xe đạp địa hình bé tí, đạp khắp phố Lò Đúc, Phạm Đình Hổ,.. chỉ để lặng nhìn những gốc cây trơ trụi sau sự “càn quét” của con người. Những cành cây rơi rụng khắp mặt đường, mùi nhựa cây, mùi gỗ, mùi lá… ứa ra và hòa vào không khí như mùi máu của cây. Cảnh tượng buồn bã và xác xơ ấy cứ mãi in hằn trong ký ức của tôi cho đến tận bây giờ.
Cho đến ngày hôm qua, nhìn những bức ảnh đường phố tan hoang sau cơn bão, cảm giác buồn bã ấy lại ùa về nhưng nhân lên gấp bội. Lần này, những gốc cây cao niên bị bật rễ, những cây lớn, cây cổ thụ bị quật ngã, đổ tựa vào những mái nhà gạch xưa. Hơn 15 nghìn cây xanh của Hà Nội đã ngã xuống sau cơn bão. Cả Hà Nội chung một nỗi buồn thương cây, tiếc cây, xót cây.
Cây không phải thứ có thể thay thế vào ngày một, ngày hai. Nơi một gốc cây bị bật rễ sẽ được thay bằng một cây con mới, nhưng chứng nhân của kỷ niệm, của ký ức, của thời gian – thì đã vĩnh viễn rời đi mất rồi. Người Hà Nội xót xa vì mất cây, nhưng cũng là xót xa khi thấy một phần ký ức của mình đã bị quét theo cơn bão. Từ hôm nay, khi đi qua những đoạn đường, những góc phố và mái nhà ấy, sẽ chẳng còn một bóng cây để nhắc nhớ về một đoạn đường đời của riêng mỗi người.
Khắp Facebook ngày hôm qua, người ta truyền tay nhau những bức hình phố xá trước và sau cơn bão. Những gốc cây đẹp và cao tuổi nhất của Hà Nội đã bị quật ngã mất rồi. Phố Nhà Thờ xác xơ vì những cành cây đa phủ đầy mặt đất. Cây hoa sưa biểu tượng gần Lăng Bác mà năm nào các tay nhiếp ảnh thi nhau tác nghiệp cũng đã bật gốc, buồn bã nằm dọc vỉa hè. Trên Threads, một bạn trẻ up hình ông bà của mình chụp trước một cây đa đổ chắn ngang đường. Bạn kể, cây đa này do ông trồng ở đầu nhà 52 năm trước vào đúng sinh nhật bà. Cây đa chứng kiến ông bà ở bên nhau từng ấy năm, chứng kiến con cháu ông bà lần lượt ra đời, vui chơi và lớn lên dưới gốc đa ấy. Đêm sau cơn bão, ông đưa bà ra tạm biệt cây đa. Một câu chuyện lãng mạn đúng kiểu người Hà Nội. Ở đâu phàn nàn về bão, nhưng ở đây, chúng tôi cần phải chào tạm biệt một cái cây.
Susan Sontag – tác giả nổi tiếng, nhà phê bình và lý luận nhiếp ảnh hàng đầu của thế kỷ 20 từng viết sau chuyến thăm Hà Nội của mình vào năm 1968: “Theo những gì tôi thấy, nhân dân Việt Nam, ngay cả trong tình cảnh khắc khổ và thiếu thốn vật chất mà họ đang buộc phải sinh tồn, vẫn sở hữu một mỹ cảm sống động, thậm chí là mãnh liệt. Chẳng hạn, đã hơn một lần người ta thành thật thể hiện sự phẫn nộ và buồn rầu vì vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam bị bom Mỹ tàn phá”.
Rất nhiều năm sau đó, khi đất nước đã bỏ lại chiến tranh đằng sau, một lần nữa cái mỹ cảm và tình yêu cái đẹp mãnh liệt ấy của người Việt hiện hữu. 2 ngày sau cơn bão Yagi lịch sử, người Hà Nội đổ ra đường, lang thang giữa những con phố tan hoang vì gió lốc, và ngẩn ngơ tiếc nuối những hàng cây. Một nỗi buồn thương và mất mát không của riêng ai từng sinh ra, lớn lên hoặc sinh kế ở thành phố này.
Rồi sẽ có những gốc cây mới được gieo xuống đất. Rồi chúng sẽ lớn lên và tỏa bóng mát cho những đứa trẻ sau này. Chúng ta sẽ nhặt nhạnh, sửa chữa và gieo trồng trên cái nền xơ xác còn lại, vì đó là việc phải làm. Những bóng cây mới sẽ mọc lên, dù có thể sẽ tính bằng hàng chục năm. Nhưng nhiều thế hệ cũng sẽ lớn lên và gắn bó những ký ức, những kỷ niệm, những vui buồn của đời mình với sự chứng kiến của hàng cây mới. Tôi mong vòng tuần hoàn đẹp đẽ ấy sẽ không bao giờ dừng lại. Bởi nó không chỉ khiến Hà Nội luôn xanh tươi, duyên dáng theo chiều dài của thời gian, mà còn tặng cho chúng ta những bóng làm bạn vong niên, luôn ở đó để lắng nghe, chứng kiến và chở che cho mọi khoảnh khắc của cuộc đời…
Ảnh: Lữ Phụng Tiên