Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 30 ca mắc ho gà. Trong đó, 90% ca bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và 40% ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi – độ tuổi chưa đủ để tiêm mũi đầu tiên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết số ca mắc và nhập viện vì ho gà cao hơn các năm trước, trong đó nhiều ca chuyển nặng, cụ thể: Có khoảng 1/3 trường hợp ho gà cần thở oxy canuala, hơn 1/4 trường hợp được chẩn đoán kèm bệnh viêm phổi/viêm tiểu phế quản/viêm phế quản phổi/trào ngược dạ dày thực quản.
Ho gà có nguy hiểm không?
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh trở nên nặng hơn, gây ho nặng hơn, xuất hiện nhiều đờm dãi. Ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người, vì vậy, có thể bị suy hô hấp, tử vong do nghẹt thở.
Triệu chứng của ho gà
Ca bệnh lâm sàng khi mắc ho gà gồm:
- Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái.
- Thở rít vào sau mỗi cơn ho.
- Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt.
- Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp.
- Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng rất cao từ 15.000 – 50.000/mm³, chủ yếu là tế bào Lympho.
Ca bệnh xác định:
Phân lập vi khuẩn ho gà (+) hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp đối với dịch tiết từ mũi họng bệnh nhân.
Các bệnh tương tự như ho gà
Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, có một số loại bệnh tương tự như ho gà gồm:
- Bệnh phó ho gà giống bệnh ho gà, nhưng bệnh thường nhẹ và hiếm gặp. Không có miễn dịch chéo giữa hai bệnh.
- Bệnh viêm VA và amydan mãn tính.
- Bệnh viêm phế quản – phổi do bội nhiễm của bệnh ho gà.
Thời gian ủ bệnh và lây truyền ho gà mạnh nhất khi nào?
Theo BS Hương Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, người là vật chủ duy nhất nên nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc người bệnh trong thời kỳ lại sức. Ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước bọt của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình từ 90-100%.
Ho gà có thời gian ủ bệnh thông thường từ 7 đến 20 ngày. Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh, mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng.
Cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn. Vì vậy, ho gà là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ. Một nửa số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện.
Nếu được điều trị kháng sinh có hiệu lực thì thời gian lây truyền được rút ngắn và thông thường khoảng 5 ngày.
Tóm lại: Vì ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi, và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học… Vì vậy, để phòng tránh ho gà, bên cạnh việc tiêm phòng các bậc cha mẹ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh nhà cửa, mũi họng cho trẻ, không cho trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà….