Khi trend nhảm phủ sóng
Các trào lưu nhảm nhí, độc hại phủ sóng TikTok không chỉ đơn thuần giải trí mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây lệch lạc nhận thức của người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
- Nghe theo clip hướng dẫn “cách khoanh đáp án trúng 100%” trên TikTok, nhiều học sinh trượt tốt nghiệp
- Tránh hậu quả khó lường ôn thi tốt nghiệp THPT trên TikTok
- Rủ học sinh quay clip uốn éo trên TikTok, giáo viên ném trò cho dân mạng xâu xé
Theo báo cáo được công bố đầu năm 2023 từ chuyên trang thống kê DataReportal, Việt Nam hiện có khoảng 49,86 triệu người dùng TikTok từ 18 tuổi trở lên, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (39,91 triệu).
Mở điện thoại là thấy trend nhảm
“Mỗi ngày lướt TikTok, tôi chặn hơn 10 tài khoản đăng clip múa may, nói năng nhảm nhí” là chia sẻ của Hoàng Phú (25 tuổi, quê Sóc Trăng). Lê Duy (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM) thì ngán ngẩm khi “ma trận” clip nhảm bao vây. Nào là clip nhại giọng, chế giễu một nữ ca sĩ và bạn trai, nhạc chế, rồi chuyện dung tục, cổ xúy mê tín dị đoan…
Số lượng người dùng tăng vọt kéo theo sự bùng nổ các xu hướng nội dung ở đa dạng lĩnh vực, từ ẩm thực, hài, ca hát cho đến học tập, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, mặt trái là sự sản sinh hàng loạt trào lưu phản cảm. Với mục đích nổi tiếng, thương mại hay thỏa mãn sự tung hô của số đông, nhiều TikToker bất chấp tất cả để lôi kéo khán giả, tăng tương tác.
Gần đây có trào lưu “chế” ca dao, tục ngữ bằng cách chèn thêm tiếng Anh, các vế nghe ăn vần song vô nghĩa. Có trend làm biến dạng mặt nghĩa của từ khi tự làm từ điển và định nghĩa không hề liên quan đến từ gốc. Bên cạnh đó, chuỗi clip giả gái, ăn mặc diêm dúa, chửi bới nở rộ, trở thành “công thức” triệu view. Quỳnh Anh (26 tuổi, ngụ Thừa Thiên – Huế) lo lắng: “Tôi e ngại các clip giả gái hay giả vờ làm người chuyển giới, đồng tính có thể tạo ra định kiến về cộng đồng LGBT+. Người xem dễ hiểu lầm người thuộc cộng đồng này hay ăn mặc lố lăng, xấu tính, háo sắc”.
Không ít clip nhảy múa “bắt trend” hay ghép nhạc thịnh hành là núp bóng quảng cáo web đen, mua bán phim ảnh đồi trụy. Một số chủ tài khoản tạo ra thuật ngữ riêng để ví von các vấn đề tình dục, bộ phận nhạy cảm nhằm tránh… kiểm duyệt, để câu view, câu like.
Hàng loạt trend nhảm xuất hiện dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tâm lý của giới trẻ
Tỉnh táo để không bị đầu độc
Dù bị phản ánh và báo cáo nhưng trend nhảm vẫn thu hút nhiều người. Đáng chú ý, nền tảng này còn tự động phân phối nội dung giật gân, độc hại để tạo thêm xu hướng.
Hôm 30-6, tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử – cho biết bộ đã tổ chức kiểm tra toàn diện đối với TikTok. Đây là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm, có biện pháp khắc phục.
Bạn trẻ Lê Duy cho rằng trend nhảm phổ biến vì: “Đầu tiên, là tính hài hước của trend. Cái gì hài hước thì thường được tiếp thu nhanh. Tiếp theo, các trend này đa số độc, lạ, dễ gây chú ý. Khi nội dung được quá nhiều người khai thác, thì tự khắc bùng nổ”.
Sau hơn 3 năm sử dụng TikTok, Hoàng Phú có ý định “cai” ứng dụng này khi nhận thấy bản thân và một số bạn bè có xu hướng nhiễm các trend vô bổ và “làm theo lúc nào không hay”. Anh tâm sự: “Nghiêm trọng nữa là thói quen xem video ngắn dễ khiến gen Z trở nên thụ động, không còn thích đọc sách, tập thể dục… mà chăm chăm lướt điện thoại”.
Đới Sương (24 tuổi, ngụ TP HCM) bày tỏ: “Không phải ai cũng có thể tự sàng lọc và bảo vệ bản thân trước nội dung xấu. Trẻ em là đối tượng dễ bị lôi kéo bởi các clip giải trí nhưng núp bóng cờ bạc trực tuyến, tình dục, mê tín dị đoan. Tôi thấy nhiều người chia sẻ kiến thức sai lệch về giới tính, y tế”.
Trend nhảm còn gây tác động tiêu cực với các nhà sáng tạo nội dung. Đỗ Nhật Minh, chủ nhân kênh TikTok chuyên về review phim với hơn 450.000 lượt theo dõi, cho biết: “Khi trend nhảm thịnh hành, các trend tích cực bị đẩy xuống tạm thời trước khi “nổi” trở lại. Điều này gây ảnh hưởng đến lượng view được hệ thống phân chia dựa theo chất lượng kênh. Từ đó, các nhà sáng tạo nội dung chân chính bị ‘tụt’ view, gây nản chí, mất động lực khi xây kênh. Nội dung vô bổ cũng khiến người dùng sinh ác cảm, chán nản, dẫn đến từ bỏ hoặc chuyển sang ‘cư trú’ ở nền tảng khác”.
Trend làm “biến dạng” mặt nghĩa của từ khi tự làm từ điển và định nghĩa không hề liên quan đến từ gốc
Nhật Minh cho rằng việc xây dựng kênh lành mạnh hiện là thách thức đối với các nhà sáng tạo. Do nóng lòng tăng tương tác nên nhiều người chọn con đường nhanh nhất là “bắt trend” vô tội vạ. Các nội dung này ban đầu có thể thu hút công chúng đáng kể nhưng lại không tối ưu về lâu dài. Nhà sáng tạo nội dung cần định hình phong cách và nội dung đặc thù mới có thể sở hữu lượng khán giả trung thành. Họ cũng cần rèn luyện tư duy phản biện, trang bị kiến thức xã hội để chọn lọc và sản xuất nội dung phù hợp. “Tôi thường đọc sách báo, các kênh thông tin để nắm bắt tình hình xã hội nhằm cải thiện tư duy và khai thác những khía cạnh bổ ích trong việc sáng tạo nội dung” – anh nói thêm.
Con số người dùng mạng xã hội trong nước nói chung và TikTok nói riêng được dự đoán sẽ không ngừng tăng lên, chủ yếu là giới trẻ. Trước làn sóng thông tin khổng lồ, ồ ạt như “lẩu thập cẩm”, đòi hỏi nhà sáng tạo nội dung lẫn người xem cần có hiểu biết, kỹ năng và ý thức trách nhiệm trong sự chia sẻ, sản xuất của mình.