Khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp

11 mins read
Khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp

Khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 12:05 12/08/2023

Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội vừa tổ chức lễ tốt nghiệp bác sĩ, cử nhân Y khoa năm 2023. Điều đặc biệt, đây là khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất trong lịch sử 121 năm của Trường.

  • Trường ĐH Y Dược TPHCM tăng học phí, ngành cao nhất 77 triệu đồng/năm
  • Chông chênh đường đến giảng đường ĐH Y của nữ sinh Tuyên Quang
  • Đang đi làm công nhân, nữ sinh người Nùng bất ngờ nhận thông tin được đi học ĐH Y Hà Nội

Báo cáo tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thị Bình, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH (ĐH) Y Hà Nội cho biết đối với ngành bác sĩ Y khoa, đây là khóa tuyển sinh từ năm 2017, nhóm ngành cử nhân Y khoa, tuyển sinh từ năm 2019.

Khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp - Ảnh 1.

Tổng số sinh viên của hai nhóm ngành này vào trường là 1.236. Khi hoàn thành khóa học, có 1.170 sinh viên tốt nghiệp; 66 sinh viên không tốt nghiệp với nhiều nguyên nhân, trong đó có sinh viên nghỉ học giữa chừng vì lý do sức khỏe, thi lại ngành khác, dừng học 1 năm trả nợ môn… và có 3 sinh viên tham gia chương trình học bổng bác sĩ Đa khoa tại Nhật Bản.

Trong số hơn 1.100 sinh viên tốt nghiệp năm 2023, có 806 sinh viên tốt nghiệp bác sĩ Y khoa khóa 2017 – 2023, gồm 4 chuyên ngành: bác sĩ Đa khoa (gồm cả số sinh viên đào tạo tại Phân hiệu Thanh Hóa), bác sĩ Y học cổ truyền, bác sĩ Y học dự phòng, bác sĩ Răng – Hàm – Mặt. Trong đó, ngành bác sĩ Đa khoa có 488 sinh viên tốt nghiệp.

Có 322 sinh viên tốt nghiệp cử nhân Y khoa 2019 – 2023, gồm 5 chuyên ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng, Dinh dưỡng.

Nói về khóa đào tạo bác sĩ Y khoa tốt nghiệp năm nay, PGS Nguyễn Thị Bình cho hay, từ năm 2015, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ kỳ thi 3 chung tuyển sinh ĐH mà chỉ còn kỳ thi THPT quốc gia (gộp kỳ thi 3 chung và kỳ thi tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, 2 năm đầu (2015, 2016), kỳ thi này được tổ chức song song 2 cụm thi: cụm thi do các trường ĐH chủ trì dành cho những thí sinh lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH và cụm thi do địa phương chủ trì dành cho những thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT quyết định thu về một mối, Bộ chịu trách nhiệm chung, các địa phương chủ trì, các trường ĐH phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (từ năm 2020, kỳ thi này một lần nữa được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và được tổ chức cho đến nay).

Năm 2017 cũng là năm mà điểm chuẩn ngành bác sĩ Y khoa của trường ĐH Y Hà Nội đội lên mức cao chưa từng có trong lịch sử tồn tại 121 năm, 29,25 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Nghĩa là thí sinh nếu chỉ có 2 điểm 10 và có 1 điểm 9 thì vẫn trượt.

Và năm 2017 cũng là năm mà cả nước có tới 13 thủ khoa đạt điểm 30 điểm tuyệt đối ở tổ hợp 3 môn. Trong số này, tổ hợp B00 (tổ hợp truyền thống để xét tuyển vào ngành Y khoa) chiếm tới 10 thủ khoa.

Dù có mức điểm chuẩn cao kỷ lục như vậy nhưng kết quả tốt nghiệp của các tân bác sĩ Đa khoa tốt nghiệp năm 2023 của Trường cũng tương đương các năm trước.

Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi ngành bác sĩ Đa khoa là 14,59% (năm ngoái là 12,6%); khá là 73,36% (năm ngoái 75,5%).

Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đây là khóa học được tăng cường kỹ thuật chuyên ngành, thực hành tay nghề, rèn luyện kỹ năng, cập nhật môn học mới, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các sinh viên của khóa học được tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giúp các tân bác sĩ sớm đáp ứng được yêu cầu của công việc khám, chữa bệnh sau khi ra trường.

GS Tú cho biết, các ngành bác sĩ là những ngành đào tạo vất vả, đòi hỏi người học phải say mê và chuyên cần. Điểm đầu vào cao chỉ là một yếu tố thuận lợi để các em có khả năng theo học ngành y chứ không phải là yếu tố quyết định giúp các em có thể trở thành sinh viên giỏi hoặc bác sĩ giỏi sau này hay không.

Đây cũng là khóa học “hứng” trọn vẹn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát.

Đứng trước tính mạng của bệnh nhân, bác sĩ không bao giờ bỏ cuộc

Chia sẻ với tân cử nhân, tân bác sĩ tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Bộ Môn Tim Mạch, Trường ĐH Y Hà Nội , Viện trưởng viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai bồi hồi nhớ lại 32 năm trước, cũng đứng ở vị trí như sinh viên bây giờ với một khí thế hồ hởi nhưng rất bâng khuâng.

Khóa tuyển sinh có điểm chuẩn cao nhất lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội tốt nghiệp - Ảnh 2.

Hồ hởi là vì mình đã hoàn thành một chặng đường quan trọng trong cuộc đời để chính thức trở thành một thầy thuốc như khát vọng của cá nhân, gia đình và xã hội. Bâng khuâng là vì lựa chọn con đường đi tiếp theo như thế nào trong bối cảnh giai đoạn đó có nhiều thay đổi chuyển từ chính sách bao cấp sang chính sách mở cửa với kinh tế thị trường.

Có rất nhiều con đường, hướng lựa chọn khi đó: một số bạn đã lựa chọn hướng khác không trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, nhiều bạn về các tuyến cơ sở công tác, và một số ít hơn có cơ hội tiếp tục học chương trình nội trú (năm đó lần đầu tiên được chuyển thành Cao học).

PGS Hùng cũng kể câu chuyện “nghề chọn người” khi ông đến với chuyên ngành tim mạch can thiệp.

“Tôi cũng nhớ như in cái cảm giác khi mới triển khai các ca nong van hai lá bằng bóng ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp phải một biến chứng nguy hiểm là tràn dịch màng tim gây ngừng tuần hoàn. Khi đó với tất cả nỗ lực của cả nhóm, các biện pháp cấp cứu được thực hiện và đã có tới hơn 200 ống Adrenaline được tiêm và đã cứu sống được bệnh nhân sau hơn 3 giờ. Đó chính là bài học không bao giờ bỏ cuộc, nhất là đứng trước tính mạng của bệnh nhân”, ông Hùng nói.

Đồng thời ông cũng muốn nhắn nhủ với các tân bác sĩ, tân cử nhân điều quan trọng nhất ngành Y là một ngành vất vả, đồng tiền kiếm được từ nghề này là nhọc nhằn; sự nghiệp học hành cũng đầy khó khăn và dai dẳng. Tuy vậy, con đường đã lựa chọn chắc chắn là một con đường thú vị và có nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Ý nghĩa đó không phải là số tiền kiếm được từ nghề nghiệp mà chính là những giá trị nhân văn các bác sĩ đã mang lại cho con người, cho cuộc đời. Giành giật lại được cuộc sống cho một người bệnh là món quà vô giá mà mỗi bác sĩ nhận được.

  • điểm chuẩn
  • Trường Đại học Y Hà Nội
  • trường đh y

Latest from Blog