Kết hôn là cột mốc lớn của đời người. Cũng vì thế, nhiều cô gái cho rằng cần chuẩn bị sẵn sàng cả về mặt tài chính và tinh thần trước khi chính thức dọn về sống chung nhà cùng bạn đời. Trong số đó, câu hỏi “Liệu có nên cưới khi kinh tế chưa vững?” là một trong những mối bận tâm lớn nhất của họ.
Người độc thân: Lương 10 triệu không dám yêu đương
Trà Ngân (25 tuổi, Hà Nội) đang độc thân và chưa có ý định tìm kiếm người yêu. Bởi hiện cô muốn dành thời gian tập trung gây dựng sự nghiệp và cảm thấy nền tảng kinh tế không phù hợp với mối quan hệ tình cảm.
“Tiền lương ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định lập gia đình của mình. Hiện thu nhập của mình khoảng 10 triệu nên không dám nghĩ đến chuyện kết hôn. Thậm chí, mình cũng tính khi tài chính dư dả chút đỉnh mới quyết định yêu đương. Vì mình muốn tặng quà cho người yêu, dắt người yêu đi ăn món ngon, cùng họ đi du lịch. Kiểu đối phương chi cho mình 10, thì bản thân cũng dành được cho họ ít nhất 7 – 8 phần”, Trà Ngân nói.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh công việc văn phòng, Trà Ngân cũng dành thời gian cuối tuần và buổi tối để học thêm chứng chỉ nghề nghiệp. Do đó, cô nàng cho rằng bên cạnh tài chính chưa vững, cô không thể yêu đương vì quỹ thời gian không cho phép.
Trà Ngân nhận định kết hôn không chỉ là câu chuyện hai người dọn về chung một nhà mà là các vấn đề bên trong cuộc sống gia đình. Đó là chuyện học của các con, cùng nhau mua nhà và chăm sóc người thân hai bên…
“Nếu làm đám cưới mà không cần sinh con, bố mẹ hai bên có lương hưu tốt thì kết hôn cũng được. Khi đó, cả hai đều có thể giảm chi phí sinh hoạt, bớt cô đơn và giúp đỡ nhau lúc ốm đau. Tuy nhiên, kết hôn không bao giờ đơn giản đến thế. Ngày xưa các cụ hay có câu: ‘Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo’. Nhưng giờ nuôi con không chỉ lo chuyện ăn uống mà còn là sự nghiệp, điều kiện giáo dục của trẻ sau này.
Mình biết có những người đến với nhau khi hai bàn tay trắng. Với mình khi yêu đương viễn cảnh này có thể tốt nhưng khi kết hôn thì cả hai cần có công việc ổn định và tài chính vững. Nếu kết hôn mà cái gì cũng tính toán từng đồng một thì rất mệt, còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái”, cô chia sẻ.
Với Trà Ngân, nếu chưa có nhà ở Hà Nội, các cặp đôi chỉ nên kết hôn khi có tổng thu nhập từ trên 40 triệu. Còn khi dự định có con thì nên có tài khoản tiết kiệm trên 200 triệu đồng để phòng ngừa các trường hợp xấu xảy ra.
Người yêu nhau lâu năm ngại cưới vì nền tảng tài chính chưa vững
“Ít nhiều khi yêu đương mình cũng có ý định lập gia đình. Nhưng tổng thu nhập của cả hai chưa ổn định, sự nghiệp chưa rõ ràng thì thà giữ nguyên tình trạng mối quan hệ cho xong. Mình không dám kết hôn với người khác khi trong tay không có chỗ dựa vững chắc”, Đoàn Hằng (27 tuổi, Thanh Hoá) nhận định.
Ảnh minh hoạ
Đoàn Hằng và bạn trai đã quen biết 4 năm và cô cho rằng đây là khoảng thời gian mà cả hai có thể tính tới những dự định xa hơn. Tuy nhiên, cả hai đã thống nhất tích lũy một số tiền nhất định trước khi chính thức bước chân vào cuộc sống hôn nhân.
Theo Đoàn Hằng, chuẩn bị tài chính và công việc ổn định trước khi kết hôn rất quan trọng. Cô từng quen biết một vài cặp vợ chồng có tổng thu nhập 70 – 80 triệu đồng vẫn cãi nhau thường xuyên về chuyện tiền bạc. Bởi sau khi chính thức về chung một nhà, các khoản cần chi cho cuộc sống gia đình nhiều lên bất ngờ.
Bên cạnh đó, Đoàn Hằng cho rằng bản thân tiền lương có không quá cao nhưng sau khi kết hôn, cô không muốn hạ tiêu chuẩn sống xuống thấp. Cô sẵn sàng hy sinh để con sống tốt hơn, nhưng với điều kiện người mẹ cũng được đáp ứng nhiều nhu cầu cá nhân. Do đó, cô chọn cách để cả mình và người yêu cùng nỗ lực gia tăng thu nhập.
Đoàn Hằng kể: “Đã có nhiều lần bố mẹ giục mình và bạn trai kết hôn. Tuy nhiên mình vẫn giữ vững lập trường về cuộc sống hôn nhân, cả hai phải đáp ứng một vài tiêu chuẩn về cuộc sống và công việc thì mới nên cưới. May mắn là hiện tại bạn trai thấu hiểu và sẵn sàng chiều theo ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, chắc khoảng 1-2 năm nữa, chúng mình nhìn thấy lợi nhuận từ công việc đầu tư riêng thì làm đám cưới cũng không phải vấn đề quá lớn”.