Chuyên gia tâm lý học Hà Nhật Huy (Trung Quốc) chia sẻ, trong quá trình thăm khám ông nhận thấy một số lượng lớn thanh thiếu niên mắc chứng “trầm cảm cười” và rối loạn lưỡng cực. Nhiều người trong số họ có một đặc điểm chung – cha mẹ lo lắng cao độ.
Nói đến trầm cảm là chúng ta thường nghĩ đến những biểu hiện buồn rầu, thời ơ, tuyệt vọng, chán nản. Nhưng còn có một hội chứng trầm cảm mà rất ít người nghe đến đó chính là hội chứng “trầm cảm cười”.
Theo các nhà tâm lý học, trầm cảm cười là chứng trầm cảm chức năng cao hay còn gọi là rối loạn trầm cảm kéo dài (PDD). Hội chứng này thể hiện mức độ buồn chán kéo dài, làm bạn thay đổi thói quen ăn uống, ngủ, thường xuyên mệt mỏi, hoảng loạn. Người bị trầm cảm cười thường che giấu các triệu chứng mà mình đang gặp phải.
Nhìn bên ngoài, người bị trầm cảm cười trông có vẻ như họ có khả năng điều chỉnh và kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của họ, nhưng thực chất, họ đang phải đối mặt với rất nhiều bất ổn nội tâm và xung đột trong tâm trí. Trầm cảm cười có thể rất đáng sợ, và trong một số trường hợp, nó thực sự nguy hiểm hơn so với trầm cảm mà mọi người thường biết.
Một số người có thể thấy lạ: cha mẹ mắc chứng lo âu cao độ tại sao những đứa trẻ không mắc chứng tương tự mà lại là “trầm cảm cười” hay rối loạn lưỡng cực?
1. Cha mẹ lo lắng cao, con dễ gặp vấn đề tinh thần
Nhiều phụ huynh dễ bị choáng ngợp bởi “con nhà người ta” xung quanh và lo lắng con mình sẽ thua ở vạch xuất phát, sợ không rèn ngay bây giờ thì mai này sẽ tụt lại phía sau. Do đó, khi con còn rất nhỏ, họ đã “điên cuồng” cho con học đủ thứ. Ví dụ, khi trẻ còn đi học mẫu giáo, cha mẹ bắt phải học các môn tiểu học. Sau khi vào tiểu học, trẻ phải tham gia rất nhiều lớp học và hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ học tập trong thời gian rảnh rỗi.
Ngoài điểm số tốt, nhiều phụ huynh còn đòi hỏi con phải biết hết mọi kỹ năng trên đời. Bên cạnh việc học nặng nhọc, trẻ còn phải dành thời gian tham gia đủ lớp ngoại khóa. Những đứa trẻ này hầu như không có thời gian thư giãn, vui vẻ thực sự, trái tim cũng chai lì dưới áp lực quá lớn.
Ở bậc tiểu học, vấn đề tâm lý của trẻ không biểu hiện nổi bật. Kiến thức ở bậc học này cũng tương đối đơn giản nên việc cải thiện điểm số thông qua việc làm lại bài tập nhiều sẽ dễ dàng hơn. Dưới sự bảo bọc của bố mẹ, con thường học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, thầy cô và người lớn khen ngợi.
Cha mẹ tự hào về điều này, thậm chí còn khoe thành tích của con cái để chứng tỏ phương pháp giáo dục của mình là đúng đắn. Trẻ cũng thích được thế giới bên ngoài khen ngợi, chú ý, cũng kỳ vọng cao vào bản thân, thậm chí có tính cách áp đặt, đòi hỏi mình phải xuất sắc.
Tuy nhiên, ở cấp THCS và THPT, độ khó và độ rộng của kiến thức học thuật đều tăng lên, nếu chỉ trông chờ vào việc chăm chỉ học thuộc thì khó có thể đạt được điểm xuất sắc. Bởi nhiều bậc cha mẹ không chú ý đến các phương pháp khoa học từ khi con còn nhỏ. Họ cũng chưa định hướng cho con hình thành thái độ học tập hợp lý, tích cực, chưa xây dựng được chỉ số vượt khó cao nên khi điểm số của con trượt dần, trẻ dễ xảy ra tâm trạng thất thường, thậm chí phát triển thành các triệu chứng cảm xúc tiêu cực.
2. Để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, trẻ dễ mắc chứng trầm cảm cười
Tình trạng trên sẽ dẫn tới hai tình huống:
Tình huống thứ nhất, dưới áp lực trong thời gian dài của cha mẹ, trẻ cũng tiếp thu loại áp lực và yêu cầu này, đồng thời cho rằng phải nghiêm khắc với bản thân, học hành chăm chỉ thì mới đạt được thành tích xuất sắc.
Dù bất mãn với cha mẹ nhưng trẻ chưa đến mức cự tuyệt hay oán hận. Ngược lại, chúng biết những vất vả và khó khăn của cha mẹ, cũng muốn làm hết sức mình để đáp ứng mong đợi và làm hài lòng cha mẹ.
Vì vậy, mặc dù học tập rất mệt mỏi, trẻ cũng ít khi phàn nàn với cha mẹ mà âm thầm chịu đựng. Trong trường hợp này, trẻ rất dễ phát triển thành chứng “trầm cảm cười”. Bề ngoài, chúng rất nhạy cảm, thậm chí còn tỏ ra hướng ngoại và sôi nổi nhưng bên trong lại rất đau khổ và chán nản, dễ khóc thầm trong đêm khuya, có hành vi tự làm hại bản thân, thậm chí muốn tự tử nhiều lần.
Do trẻ cố ý che giấu rất kỹ và cha mẹ thiếu ý thức cảnh giác, nếu tiếp tục gây áp lực cho trẻ vì quá lo lắng, hoặc trẻ gặp phải thử thách hay những thất bại khác, chúng sẽ rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Tình huống thứ hai là con cái phải chịu áp lực rất lớn từ cha mẹ cùng phương pháp giáo dục hà khắc, thô bạo dẫn đến rất bất mãn. Có điều ở trường tiểu học, điểm số vẫn tốt, bản thân cũng được khen ngợi từ bên ngoài, nhìn chung mọi việc diễn ra thuận lợi nên mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái không nổi bật. Cộng với tuổi còn nhỏ nên ý thức và khả năng chống đối của các em chưa mạnh.
Nhưng khi học cấp 2, cấp 3 gặp khó khăn trong học tập, quan hệ giữa các cá nhân, cuộc sống không còn suôn sẻ, các em dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, tỏ ra rất cáu kỉnh. Lúc này, tổn thương tâm lý chồng chất khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, lúc nào cũng cãi nhau với cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái của họ nổi loạn ở tuổi thiếu niên, và sẽ ổn khi chúng lớn lên. Một số phụ huynh, đặc biệt là các ông bố cho rằng con học kém, bất hiếu với cha mẹ, ngỗ nghịch nên có thể đàn áp con bằng những hình thức quyết liệt hơn.
Nếu đứa trẻ bị ức chế, vấn đề có thể còn lớn hơn, có thể phát triển thành “trầm cảm cười” đã đề cập ở trên. Hoặc trẻ trở nên tức giận, thậm chí có hành vi bạo lực, la hét và đập phá đồ đạc trong nhà, tình trạng học tập ngày càng sa sút. Nhiều em cuối cùng không được đến trường phải nghỉ học, thường không muốn ra ngoài, ngại giao tiếp xã hội;
Nếu cha mẹ đưa những đứa trẻ này đến gặp bác sĩ tâm lý, nhiều người sẽ nghĩ rằng sự cáu kỉnh và kích động ở nhà là giai đoạn hưng cảm/hypomanic, sau đó chẩn đoán chứng rối loạn lưỡng cực.
Thật ra, tính cáu kỉnh, cáu gắt của những đứa trẻ này là do cha mẹ đã gây ra cho chúng rất nhiều sang chấn tâm lý chồng chất, trẻ rất suy sụp và đau đớn. Khi những tổn thương tâm lý này được kích hoạt mạnh mẽ, các em sẽ bộc phát cảm xúc và đổ lỗi cho cha mẹ về mọi chuyện.
Ngoài những giai đoạn trầm cảm nặng hoặc dễ cáu gắt, một số trẻ cảm thấy mình rất có năng lực, thậm chí là toàn năng và rất vui vẻ, phấn khởi khi có tâm trạng tốt. Tình trạng này thực sự là điển hình của chứng rối loạn lưỡng cực.
3. Cha mẹ lo lắng cao độ có thể thay đổi theo cách này để giảm thiểu tác động tiêu cực
Nếu cha mẹ nhận ra rằng họ là “cha mẹ lo lắng cao độ”, có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái hoặc tác động tiêu cực đó thậm chí có thể đã xuất hiện, thì nên thay đổi như thế nào?
Thứ nhất, cách thay đổi trực tiếp nhất chính là giải tỏa áp lực cho con, ít nhất là ở giai đoạn này, không coi thành tích học tập là quan trọng.
Thứ hai, nếu con rơi vào trường hợp thứ hai ở trên và trở nên rất “nổi loạn” sau khi vào cấp 2, hay cáu gắt, tình trạng học tập không như ý, cha mẹ nên kịp thời điều chỉnh phương pháp giáo dục nương theo sự trưởng thành của trẻ, chú ý tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ nhiều hơn. Nếu không lưu ý cách cư xử với con cái, tiếp tục gây tổn thương tâm lý cho trẻ thì con cái rất dễ phát triển các rối loạn tâm thần, tâm lý.
Nếu cha mẹ thấy con cái nhận được lời khen ngợi quá mức từ thế giới bên ngoài, đôi khi có xu hướng kiêu ngạo và coi thường khó khăn, thì sau khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được cải thiện, nên hướng dẫn trẻ nhìn nhận năng lực của mình một cách lý trí và tích cực.