Ngày 14/9, tôi tới Làng Nủ khi trời đã hửng nắng, mọi thứ ở đây diễn ra rất nhanh, nhưng cũng rất tĩnh lặng. Không khí nơi này đè nặng lên lồng ngực tôi. Trước đây khi nhắc đến vùng đất này, tôi luôn hình dung là một miền đất thơ mộng nhưng sau khi lũ quét qua, Làng Nủ yên bình ấy chỉ còn trong kí ức.
Nơi đây từng là một ngôi làng thơ mộng với ruộng bậc thang và dòng suối chảy dọc theo ngôi làng.
Người phụ nữ ngóng ôm di ảnh của chị gái, ngóng trông từng ngày tới khi được nhận thi thể
Trưa ngày hôm ấy, ngồi nghỉ tại bậc thềm của Trường mầm non số 1 Phúc Khánh nơi nhiều em bé đã ra đi sau vụ sạt lở, các chiến sĩ cũng đang nghỉ trưa, có một cậu bé ngồi trầm ngâm ở cách tôi chừng 1 mét, ánh mắt buồn sâu thẳm tôi chưa từng trải qua và cũng chưa từng thấy.
Đó là Hải. Hải 10 tuổi, là người Làng Nủ, trong tay cầm tới 2 chiếc điện thoại, 1 chiếc của cô giáo, chiếc còn lại là của mẹ.
– “Mẹ em đâu”,
– “Mẹ em đang ở dưới kia để tìm chị gái em ạ”.
Thế là tôi hiểu rồi, chiếc điện thoại chắc cũng là tài sản cuối cùng của gia đình. Dưới hiện trường, bùn dày và sâu, các chiến sĩ vẫn đang tìm kiếm những người mất tích, những người sống sót vẫn đang ngóng chờ thi thể của người thân. Hải cũng đang chờ chị gái.
Hải là một trong những người may mắn thoát nạn, thế nhưng làm người ở lại cũng rất buồn, rất đau. Ánh mắt của Hải ám ảnh tôi đến tận khi về lại Hà Nội, tôi không dám chụp lại ánh mắt ấy, khi viết những dòng này tôi vẫn luôn day dứt nghĩ về Hải và cả những người may mắn thoát nạn tại Làng Nủ.
Dọc đường đi, không biết rồi tuần sau, tháng sau, khi những người còn lại của Làng Nủ đến nơi ở mới, nhịp sống bình thường trở lại, dân số Làng Nủ còn chưa tới một nửa, chỉ còn lại những người sống sót với sự mất mát lớn, cô quạnh, chẳng biết có từ gì buồn hơn từ buồn.
Những người như Hải, hay như anh Thới – Người đã mất cả gia đình, không biết họ sẽ thế nào. Khi các lực lượng tìm kiếm rời khỏi Làng Nủ, các nhà hảo tâm hoàn thành nhiệm vụ, các phóng viên báo chí cũng hoàn tất công tác, chỉ còn người sống sót vẫn chua xót ôm ấp những mảnh kí ức thật đẹp về người thân, rồi những khoảnh khắc đau thương lại cào xé tâm trí họ.
Ngày hôm sau dọc đường về Cốc Lầu, tôi lại thấy một cậu bé khác đang giúp bố kéo dây cáp điện, đầu đeo tang trắng, lại một sự tĩnh lặng khác, bà nội và bác của cậu bé đã qua đời khi quả đồi phía sau nhà sạt xuống giữa đêm.
Dừng lại hỏi chuyện 2 bố con, người bố với nét mặt đượm buồn “Không biết nhà bị nạn lúc nào, mình ở xa, tới khi biết tin trở về thì anh trai cùng mẹ đã mất rồi” , đứng cách bố chừng 2 mét, cậu bé dựa vào ta-luy, chẳng quan tâm tới sự hiện diện cũng như cuộc đối thoại giữa bố và một người lạ, cứ im lặng nhìn vào khoảng không trước mặt như vậy.
Dọc đường Lào Cai tôi đi, nhiều đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau hướng về các bản làng nơi cơn lũ quét qua để giúp những người sống sót ổn định cuộc sống.
Dọc đường Lào Cai tôi đi, tiền vàng la đà vẩn vơ trên mặt đường.
Buồn và ám ảnh.