Liên tiếp các vụ lạm thu đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn
Bộ GD&ĐT ra văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc lạm thu ở một số trường, địa phương gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
- Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường kiểm tra không để lạm thu đầu năm học
- Liên tiếp các vụ lạm thu vô lý đầu năm học, Sở GD&ĐT TP.HCM ra công văn khẩn
- Trường bị tố lạm thu, tiền quỹ tới 500 triệu đồng, hiệu trưởng nói bận nên chưa làm rõ phản ánh
Trong văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, các sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương, đơn vị chỉ đạo các trường học nghiêm túc thực hiện đúng quy định khoản thu năm học 2023 – 2024.
“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học và quán triệt các trường thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định”, Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Liên tiếp các vụ lạm thu đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát mức thu, khoản thu trong trường học. Đặc biệt, các trường có trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về các mức thu, khoản thu.
Văn bản trên đưa ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra những tranh cãi, bức xúc của dư luận liên quan đến tình trạng thu chi đầu năm học. Đầu tháng 9/2023, mạng xã hội xôn xao hình ảnh thống kê các khoản phụ huynh học sinh THPT Thanh Miện III , Hải Dương phải đóng đầu năm học lên tới 8,7 triệu đồng.
Các hạng mục được liệt kê trong bản này gồm: Học phí, tiền gửi xe, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, vở ghi, ghế ngồi, thẻ học sinh, nước uống, vệ sinh, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, sổ liên lạc điện tử, khảo sát, kiểm tra chung, tivi, xã hội hóa, quỹ học bổng.
Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hải Dương đã yêu cầu trường dừng thực hiện các khoản thu đang triển khai. Đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng trường THPT Thanh Miện III kiểm điểm trách nhiệm bản thân và cá nhân liên quan.
Ngày 26/9, mạng xã hội xôn xao hình ảnh bảng thống kê 16 khoản thu đầu năm học của trường THCS Nguyễn Trãi (Hải Dương). Trong số 16 đầu mục được liệt kê, có những khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết số 8 của HĐND Hải Dương.
Một số khoản thu nằm ngoài quy định như ghế và cờ 25.000 đồng/học sinh; kỹ năng sống 432.000 đồng; mua tivi 300.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 250.000 đồng; hỗ trợ đưa học sinh giỏi đi thi 50.000 đồng; mua loa đài 15.000 đồng; hỗ trợ cơ sở vật chất 168.000 đồng.
Ngay sau đó, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh danh sách các khoản dự chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) với hàng chục khoản thu “lạ”.
Các khoản thu “lạ” như tri ân giáo viên 20/11 (45 – 50 triệu đồng), đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng tại Chu Văn An (10 – 15 triệu đồng); kinh phí họp các trưởng ban các lớp, các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kì 1, tổng kết năm học (12 – 15 triệu đồng); Hỗ trợ tổ chức trung thu cho học sinh toàn trường (32 – 39 triệu đồng), tri ân giáo viên dịp Tết Nguyên đán (45 – 50 triệu đồng).
Tổng dự kiến thu chi trong năm học dao động từ 437 – 518 triệu đồng. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đang xác minh, làm rõ.
“Chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức vì lạm thu”
Trả lời VOV2, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng không vì lý do này để yêu cầu phụ huynh đóng tiền mua từ chiếc quạt, điều hòa, rèm cửa, sơn sửa lớp học… đến mua bàn ghế, máy chiếu, tivi.
Ông Phạm Văn Hòa băn khoăn, các khoản thu được các cơ sở giáo dục đưa ra tại sao các cơ quan quản lý cấp trên không biết? Hay biết mà làm ngơ? Trách nhiệm của phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT ở đâu trong công tác quản lý?
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng đặt câu hỏi trong thời gian qua nhiều trường học để xảy ra lạm thu gây bức xúc trong xã hội nhưng vì sao chưa có hiệu trưởng nào bị kỷ luật, bị cách chức?