Loạt câu hỏi gây tranh cãi trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023: Sử, Địa, Anh đều góp mặt
Trong kỳ thi này, xuất hiện một số câu hỏi trong đề thi gây tranh cãi.
- Thi tốt nghiệp THPT: Phát hiện chi tiết chưa chính xác trong đề thi môn Lịch sử
- 12 học sinh liên quan vụ lộ đề thi môn tiếng Anh được thi lần 2
- 6 lùm xùm về đề thi tốt nghiệp THPT 2023
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023 đã xuất hiện một số câu hỏi trong đề thi gây tranh cãi.
Ảnh minh họa
1. Đề thi môn Sử có câu hỏi diễn đạt không chặt chẽ
Mới đây, TS Trần Thanh Thủy, Trường Chính trị Lê Duẩn (tỉnh Quảng Trị) đã phát hiện lỗi sai trong một câu hỏi của đề thi môn Sử kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Bộ GD-ĐT vừa xác nhận, đúng là câu hỏi đó được diễn đạt không chặt chẽ.
Cụ thể, một câu hỏi trong các mã đề lẻ của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có nội dung như sau: “Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây: A. Liên Xô; B. Phần Lan; C. Ănggôla; D. Angiêri”. Theo đáp án của Bộ GD-ĐT, phương án trả lời đúng cho câu hỏi này là A (Liên Xô).
Theo TS Thủy, đúng là có sự kiện Nguyễn Ái Quốc từ Paris (Pháp) sang Liên Xô từ tháng 6/1923, và ở lại Liên Xô đến năm 1924. Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất của Hội nghị Quốc tế nông dân tại Moscow vào tháng 10/1923.
Như vậy, tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc chưa tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân. Nội dung câu hỏi của đề thi đặt ra là không đúng. Trong khi đó, đây là sự kiện rất quan trọng liên quan đến Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải đính chính vì không thể giáo dục nhầm sự kiện.
Chiều 14/7, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi (Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023), cho biết các mã đề có sử dụng câu hỏi trên gồm: mã đề 301 (câu 15); mã đề 303 (câu 22); mã đề 305 (câu 13); mã đề 307 (câu 17); mã đề 309 (câu 16); mã đề 311 (câu 10); mã đề 313 (câu 9); mã đề 315 (câu 19); mã đề 317 (câu 7); mã đề 319 (câu 17); mã đề 321 (câu 13); mã đề 323 (câu 8).
Câu hỏi này chủ đích hỏi về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu có từ “đến”. Cụ thể, câu hỏi nên là: “Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây?”.
“Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh”, ông Hà khẳng định.
2. Câu hỏi tiếng Anh có 2 đáp án đúng
Trong đề thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một câu hỏi gây tranh cãi. Đó là câu 46, mã đề 402 (cũng là câu 50 mã đề 409), yêu cầu thí sinh chọn 1 từ cần phải sửa trong 4 từ được gạch chân trong câu sau: “Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group”.
(Tạm dịch: Nghiên cứu tiên phong của họ cho thấy động cơ học tập của hai nhóm người học khá khác biệt với nhau, và nhóm thí nghiệm, với những người có động cơ học tập mạnh mẽ hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn nhóm đối chứng).
Theo các giáo viên tiếng Anh, câu hỏi này có 2 đáp án, B (distinctive) và C (comparative). Nhưng trong đáp án Bộ GD-ĐT công bố ngày 3/7, đáp án của câu hỏi này là B. Kết quả này đã dấy lên trong dư luận giáo viên tiếng Anh và học sinh sự bất bình.
Bộ GD-ĐT sau đó thông báo quyết định của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: công nhận cả 2 đáp án B, C với câu tiếng Anh gây tranh cãi.
3. Câu hỏi Địa lý được cho là “không có đáp án đúng”
Một giáo viên vừa phản ánh về việc 1 câu trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Địa lý “không có đáp án đúng”. Người phản ánh về thông tin này là ông Nguyễn Văn Thuật – Trưởng bộ môn địa lý Trường đại học Đồng Nai. Theo ông Nguyễn Văn Thuật, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn địa lý mã đề 324, câu 79 yêu cầu như sau:
Cho bảng số liệu: Khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường hàng không nước ta giai đoạn 2015-2020.
(Đơn vị: Triệu tấn.km)
Năm 2015: Trong nước 843,3; Quốc tế 3198,0
Năm 2018: Trong nước 688,2; Quốc tế 4955,2
Năm 2019: Trong nước 1429,8; Quốc tế 4788,9
Năm 2020: Trong nước 1358,3; Quốc tế 2203,7
(Nguồn: Niêm giám thống kê Việt Nam 2021, NXB Thống Kê, 2022)
Theo bảng số liệu, để thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường hàng không nước ta giai đoạn 2015 – 2020, các dạng biểu đồ nào sau đây là thích hợp?
A. Cột, đường, miền.
B. Tròn, đường, miền.
C. Miền, cột, tròn.
D. Đường, cột, tròn.
Cơ cấu là cấu trúc bên trong, hoặc tỉ lệ và những mối quan hệ giữa những bộ phận cấu thành, kết hợp tạo nên một hệ thống. Vì thế, để vẽ biểu đồ thể hiện sự thay đổi cơ cấu của các đối tượng chúng ta bắt buộc phải vẽ biểu đồ về diện tích.
Cụ thể trong trường hợp này là biểu đồ miền hoặc tròn; không thể vẽ biểu đồ cột hoặc đường biểu diễn để thể hiện sự thay đổi cơ cấu khối lượng hàng hóa.
Điều đáng nói với số liệu 4 năm người ta cũng không bao giờ vẽ biểu đồ tròn vì rất khó nhìn, rất khó so sánh đối tượng… Chính vì thế chỉ có biểu đồ miền là thích hợp, gò ép lắm mới vẽ biểu đồ tròn.
Theo đó ông Thuật nói: “Theo hiểu biết và ý kiến của tôi, câu hỏi này không có đáp án đúng. Hy vọng có thể điều chỉnh đáp án nếu có em làm sai vì đề”.