Lời tâm sự chân thật của người mẹ: Tôi đã nuôi dạy con trai mình thành “đồ bỏ đi” nhưng không hề hối hận
Cuối cùng, trẻ sẽ chỉ phát triển thành những gì chúng có thể trở thành chứ không phải những gì cha mẹ mong muốn.
- 3 lần lên xe hoa, vướng không ít lùm xùm, nhưng nói về dạy con thì nàng Hậu này vẫn được nhận xét: Không chê nổi
- Biết được điều này, cha mẹ sẽ ngừng nuôi dạy con trai mù quáng theo kiểu “nghèo khổ”
- Sau khi tốt nghiệp Harvard, tôi làm gia sư ở khu thượng lưu: Phát hiện sự thật về cách nuôi dạy con của người giàu
Một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện thu hút sự chú ý:
“Cách đây vài ngày, con gái tôi đem bài thi về, điểm rất tốt. Vì trước đây kết quả luôn ở mức trung bình nên tôi rất vui khi thấy sự tiến bộ của con. Trên bàn ăn, tôi không ngừng động viên con cố gắng học tập chăm chỉ. Tôi càng nói càng phấn khởi, tôi nhìn lại quá khứ, phân tích tình hình hiện tại và hướng tới một tương lai tươi sáng.
Tôi đang loay hoay lập kế hoạch học tập mới cho con thì bỗng nhiên con nói: ‘Mẹ ơi, mẹ chỉ yêu con khi nghe lời mẹ và đạt điểm cao trong kỳ thi’. Nghe câu này tôi khá bất ngờ và nhanh chóng giải thích rằng tôi chỉ khen con vì đạt điểm số tốt mà thôi. Nhưng con gái nói tiếp: ‘Vậy tại sao mẹ không khen con như bây giờ khi con đoạt giải về hội họa?’.
Con nói thêm: “Mẹ ơi, con chỉ là một học sinh bình thường, chỉ số IQ của con không cao, không chăm chỉ. Nhưng mẹ sẽ không để ý đến hoàn cảnh thực tế của con đâu. Mẹ chê con thành tích không tốt, không nghiêm túc, không chăm chỉ, không báo đáp công sức của mẹ. Còn khi thành tích thỉnh thoảng tốt, mẹ lại bảo rằng nghe lời mẹ là đúng. Điều con rất buồn là con vẽ rất giỏi, nhưng mẹ chưa bao giờ đánh giá cao điều đó. Mẹ chỉ muốn điều khiển con làm những gì mẹ muốn con làm mà thôi!”.
Nói xong con liền quay về phòng. Lúc đó trong tôi có những cảm xúc lẫn lộn.
Sau này, tôi vô tình bắt gặp một câu nói của nhà tâm lý học Safali Sabari: “Cha mẹ luôn vô thức tán thành hành vi của con cái thay vì tán thành chính con”. Đó là lúc tôi nhận ra rằng việc yêu cầu con lắng nghe tôi thay vì tôn trọng mong muốn ban đầu của con là một phần mong muốn kiểm soát của mình.
Nhưng việc nuôi dạy con cái đòi hỏi phải tôn trọng con người đích thực nhất của chúng. Bởi vì cuối cùng, trẻ sẽ chỉ phát triển thành những gì chúng có thể trở thành chứ không phải những gì cha mẹ mong muốn.
“Ý thức chính đáng” là sức mạnh lớn nhất của đời trẻ
Trong cuộc phỏng vấn qua video, một người mẹ kể câu chuyện đời thực của mình về việc nuôi dạy con trai. Người mẹ này kiếm sống bằng nghề bán mì. Sau khi con trai chào đời, cô tin chắc rằng con mình lớn lên sẽ có thể đạt được thành công lớn.
Để đạt được mục tiêu này, cô thậm chí còn dành toàn bộ lương hưu của chồng và thu nhập từ tiệm mì của mình để đăng ký cho con trai tham gia 5 khóa học ngoại khóa bao gồm hội họa, khiêu vũ, đàn tranh và đấu vật. Cô nói trong cuộc phỏng vấn: “Tôi không muốn con trai lớn lên giống tôi, thiếu hụt nghệ thuật. Tôi cũng mong con có thể thực hiện được những ước mơ mà tôi chưa thực hiện được”.
Cô đã mở đường mà cô nghĩ là tốt hơn cho con. Nhưng cậu con trai bắt đầu thất bại ngày càng nhiều, còn nghiện trò chơi điện tử khi đang chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp 3: “Chơi trò chơi điện tử khiến tôi hạnh phúc! Thật tuyệt vời! Thế giới ảo giúp tôi tạm thời thoát khỏi áp lực của thực tế”.
Người mẹ không thể chịu đựng được việc con trai mình từ bỏ, bắt đầu nói đi nói lại đủ thứ đạo lý, nhưng cũng như mọi gia đình có con ở tuổi vị thành niên, kết quả của mỗi cuộc trò chuyện đều không như ý.
Sau đó, khi nhìn thấy tin tức về những đứa trẻ vị thành niên khác nhảy khỏi các tòa nhà, người mẹ bắt đầu lo lắng rằng con trai mình cũng sẽ có hành động cực đoan, cô quyết định thay đổi chiến lược nuôi dạy.
Nhưng điều khiến cô đau lòng là sau khi con trai được nhận vào trường trung học dạy nghề, sự nghiệp của cậu bé dần tiến gần hơn đến công việc của cô trong ngành phục vụ ăn uống. Cô hoàn toàn bỏ cuộc: “Tôi không dám trông cậy nữa”.
Đáng ngạc nhiên là sau khi buông bỏ những kỳ vọng, con trai cô ngày càng hòa thuận, thậm chí còn nấu một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ vào những ngày đặc biệt. Điều này cũng khiến người mẹ vô tình phát hiện ra con rất có tài nấu nướng nên bắt đầu khuyến khích con thử.
Bỏ qua sự kỳ vọng của mẹ và cảm thấy bớt căng thẳng hơn, cậu con trai không chỉ thường xuyên đến quán mẹ giúp đỡ mà còn tự mình nghiên cứu món mì bò mới. Cậu cũng chọn lại môn thể thao đấu vật yêu thích của mình. Tuy không có bước đột phá trong lĩnh vực này nhưng lần này cậu không từ bỏ mà quay lại đăng ký vào một trường dạy nấu ăn, dồn toàn bộ tâm sức vào ngành yêu thích.
“Tôi đã nuôi dạy con trai mình thành ‘đồ bỏ đi’ trong mắt nhiều người, không học cao, không thành ông này bà nọ nhưng tôi không hề hối hận”, bà mẹ nói.
Là cha mẹ, điều nên làm với con mình là hiểu và tin tưởng, bất kể bề ngoài hay thành tích con thế nào. Một đứa trẻ không phải sống theo sự mong đợi của cha mẹ, thực hiện ước mơ, thỏa mãn sự phù phiếm của cha mẹ… sẽ có một ý thức bẩm sinh về “lẽ phải”.
Ý thức chính đáng này sẽ khiến thế giới tình cảm của các em trở nên rất đầy đủ. Các em có thể hiểu rằng tinh thần của chính mình là điều quan trọng nhất và sẽ dựa vào sự hướng dẫn tinh thần này để lớn lên vững chãi.
Trẻ không cần phải xin sự chấp thuận từ thế giới bên ngoài, cũng không cảm thấy mình chưa đủ tốt khi gặp thất bại, thay vào đó, có thể tin vào chính mình dù hoàn cảnh có ra sao.
Và đây chính là sức mạnh thực sự mà trẻ em cần trong suốt cuộc đời.
Ngược lại, đứa trẻ không được cha mẹ tôn trọng và chấp nhận sẽ khó hình thành một bản thân hoàn chỉnh và độc lập. Chúng trở nên cực kỳ mong muốn được chấp thuận, nếu không sẽ phụ thuộc vào cha mẹ mọi thứ.
Khi cha mẹ có khả năng tôn trọng hành trình trưởng thành đặc biệt của con, chúng ta sẽ hướng dẫn con trau dồi và tự hào về tiếng nói bên trong của mình.
Trẻ em cần có những ranh giới hành vi nghiêm ngặt, chẳng hạn như khi chúng vi phạm các vấn đề nguyên tắc, chúng ta phải tuyệt đối không khoan nhượng. Chúng cũng cần được hướng dẫn, định hướng để tốt hơn. Tuy nhiên, bạn nên tôn trọng và cho phép con mình nhiều hơn.
Nếu quan sát kỹ và giao tiếp với trẻ ở mức độ sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng mỗi đứa trẻ đều có những nhu cầu khác nhau từ cha mẹ và những nhu cầu đó cũng khác nhau ở những giai đoạn khác nhau. Cha mẹ cần phải thích ứng với nhu cầu của con mình. Thay vì yêu cầu con cái phải lớn lên theo giáo điều của chúng ta.
Thế giới của chúng ta đang trải qua những thay đổi to lớn. Điểm số quan trọng nhưng sẽ không hoàn toàn ảnh hưởng đến tương lai của một đứa trẻ. Chỉ bằng cách cho phép trẻ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng mới có thể có được hạnh phúc và sự ổn định trong tâm hồn cho dù có phải đối mặt với những thay đổi nào trong tương lai.