Một ngành học có thể thiếu 200.000 nhân lực, lương lên đến hơn 50 triệu đồng/tháng nhưng đi kèm nhiều áp lực
Đây là ngành có cơ hội phát triển cực rộng mở trong tương lai.
- Sinh viên bằng giỏi ngành IT được nhiều công ty lớn săn đón, trả lương nghìn đô
- Nhiều sinh viên vỡ mộng “học IT ra trường lương 40 – 50 triệu đồng/tháng”
- Ngành học ở Việt Nam đang cực “khát” nhân lực, lương cao gấp rưỡi IT, sau 5 năm lên tới 70 triệu đồng/tháng
IT là ngành nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Bằng chứng là điểm chuẩn vào ngành này vào nhiều trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM… dao động ở ngưỡng 27 – 28, thậm chí là 29 điểm.
Theo “Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023” của TopDev, đến 2025, dự báo Việt Nam sẽ cần đến 700.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người.
Mức lương của ngành này cũng rất cao. Theo “Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2021 và Xu hướng tuyển dụng 2022” của TopCV, mức lương trung bình cao của nhân sự IT trên 5 năm kinh nghiệm là 50,2 triệu đồng/tháng. Vậy nên, đây là ngành nghề đang có tiềm năng phát triển rất lớn ở thời điểm hiện tại.
Anh Nguyễn Đình Quý – Giám đốc R&D, tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric của Mỹ, đồng thời là người sáng lập trang web VietSearch cũng có nhận định tương tự. Anh Quý nói các nghề nghiệp sẽ thay đổi về phương thức tiếp cận trong thời đại công nghệ. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung nghiên cứu và xây dựng các công nghệ chất bán dẫn để tạo nền tảng phát triển các ứng dụng AI. Do đó, sẽ có nhiều công việc và tiềm năng phát triển trong ngành R&D về mảng thiết kế chất bán dẫn cho AI, phát triển GenAI ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ và quảng bá, cũng như ngành giáo dục đào tạo AI tại các cơ sở giáo dục.
Anh Nguyễn Đình Quý
Có một sự thật rằng, số lượng cử nhân IT vẫn tăng cao mỗi năm, nhưng theo báo cáo của TopDev nhân sự ngành này vẫn thiếu hụt. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra chưa thực sự cân xứng. Trong hơn 57.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 30% đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn thực tế mà doanh nghiệp đặt ra. Trong khi, 70% còn lại cần được đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn học IT mà không có bất kỳ sự tìm hiểu nào, chỉ ứng tuyển là bởi vì được mọi người rỉ tai là “lương cao”, “cơ hội việc làm rộng mở”. Theo anh Quý, ngành này đòi hỏi cơ sở dữ liệu và thuật toán, hoặc các ngành cần AI như robot, tự động hóa. Do đó, các bạn thích làm việc với dữ liệu, thống kê, tính toán, thử nghiệm, lập trình… có thể phù hợp nhưng yếu tố quyết định là “sở thích” cá nhân bởi công việc AI cũng khá áp lực và thời gian đào tạo lâu dài.
Ảnh minh họa
Còn về việc làm IT có lương cao, anh Quý nêu quan điểm thu nhập “khủng” thường đến từ các tập đoàn công nghệ “khủng” như Apple, Google, Amazon, Microsoft… ở nước ngoài hay VinGroup, FPT… ở Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ thường tuyển các chuyên gia công nghệ bao gồm AI, nên các bạn đa phần nghĩ và quy chung về một mối rằng ngành IT có lương tốt.
“Ngành AI hiện có nhiều mảng (R&D, DevOps, Application,…) và đòi hỏi kiến thức CNTT và kỹ năng lập trình. Các bạn muốn có lương tốt thường có chuyên môn và làm việc tại tập đoàn công nghệ. Tuy nhiên, lương ‘khủng’ cũng yêu cầu khối lượng công việc lớn và thời gian làm việc dài, nên các bạn cần sức khỏe và tinh thần làm việc tích cực, bền bỉ”, anh Quý chia sẻ.
Một số kỹ năng mà người “giỏi” trong lĩnh vực IT cần có chính là kỹ năng tổng hợp xử lý dữ liệu, kỹ năng lập trình và ứng dụng thuật toán đa dạng là các điều kiện cần để phát triển các mô hình AI hiệu quả. Ngoài ra, các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng, hiểu biết về các công nghệ mới như Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing. Bên cạnh chuyên môn, những kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ… cũng là yếu tố quan trọng.