Mùa nóng cảnh giác với nhiễm trùng do mụn nhọt ở trẻ

8 mins read
Mùa nóng cảnh giác với nhiễm trùng do mụn nhọt ở trẻ

Thời tiết nắng nóng kéo dài, trẻ bị ra mồ hôi nhiều nên dễ gặp các bệnh về da, trong đó có mụn nhọt.

Trời nóng trẻ dễ mắc mụn nhọt

Mụn nhọt ở trẻ là bệnh ngoài da thường gặp, nhất là khi mùa hè nóng bức. Mụn thường do hậu quả của sự sản xuất dầu quá mức hoặc do sự tích tụ vi khuẩn và tế bào da chết. Chúng thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, khi mà cơ thể sản xuất quá nhiều hormone, gây tăng tiết tuyến bã nhờn. Đôi khi một loại vi khuẩn gọi là Propionibacterium Acnes có thể xâm nhập vào bên trong da và gây triệu chứng đỏ, đau, kích ứng.

Mụn có rất nhiều dạng như mụn đầu đen, đầu trắng, sẩn. Một vài cái chứa đầy mủ, vì thế chúng rất giống nhọt.

Đối với nhọt là tình trạng viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có mủ ở giữa. Chủng vi khuẩn Staphylococcus Aureus sống thường trú trên bề mặt da, nhưng có thể xâm nhập vào lớp da bên dưới thông qua vết cắt, vết cắn hoặc nang lông bị nhiễm khuẩn và tạo thành nhọt. Nhọt thường bắt đầu bằng một nốt nhỏ, sưng, đỏ, nhưng chỉ sau vài ngày thì chứa đầy mủ. Khi nốt sưng đỏ phát triển sẽ tăng áp lực lên da, rồi vỡ ra và thoát mủ ra ngoài. Nhọt có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên, nhọt hay gặp nhất là ở trẻ em.

Nguyên nhân là do trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu, làn da non nớt nên dễ mắc bệnh hơn. Trong khi đó, mùa nóng là điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh ngoài da gia tăng.

Mùa nóng cảnh giác với nhiễm trùng do nhọt ở trẻ - Ảnh 2.

Mụn nhọt bị nhiễm trùng cần được phát hiện và xử trí cẩn thận.

Tiến triển của nhọt và mức độ nguy hiểm

Khi trẻ có nhọt thì biểu hiện ban đầu sẽ thấy rõ sự xuất hiện các nốt sẩn đỏ ở nang lông, rồi to dần lên trong vòng 2 – 4 ngày. Trên đầu nốt nhọt xuất hiện ngòi mủ (dấu hiệu mụn nhọt chín).

Kích thước nhọt từ 1 – 2cm, có thể lên tới 5cm hoặc mọc thành cụm. Ở trẻ em, bệnh lý này rất hay gặp, vì trẻ em thường hiếu động, vận động và tiếp xúc với nhiều nguyên nhân gây bệnh, ý thức giữ gìn vệ sinh tay, vệ sinh cơ thể chưa tốt. Tiến triển của nhọt từ khi bắt đầu tới khi khỏi khoảng 1 tuần. Ban đầu nhọt cứng, dần dần sẽ mềm, rồi vỡ hoặc rò mủ, có thể để lại sẹo to.

Cảnh giác nhiễm trùng do nhọt ở trẻ mùa nóng

Nhọt có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, thường gặp ở vùng râu cằm, nách, mông, sau gáy… Nếu không được vệ sinh đúng hoặc can thiệp kịp thời, nhọt có thể gây biến chứng, trong đó hay gặp là nhiễm khuẩn lan rộng hoặc nguy cơ gây nhiễm khuẩn máu.

Khi bị nhiễm trùng nhọt, trẻ thường có các biểu hiện sau:

– Lan rộng nhiễm trùng

Nhọt xuất hiện gần nhau tạo thành cụm nhọt, các nốt ban đầu có kích thước nhỏ, có thể tăng tới kích thước lên tới 5cm, khiến một vùng da bị nhiễm trùng, có các rãnh nối với nhau bên dưới da.

– Xuất hiện sưng tấy và đau

Vùng da khu vực nổi nhọt bị đỏ, sưng nóng và đau.

– Xuất hiện mủ

Bên trong các nốt nhọt chứa đầy mủ, nhìn thấy đầu trắng trên nốt mụn, cuối cùng bị vỡ và chảy dịch ra ngoài.

– Trẻ có thể sốt cao và có hạch.

Nếu không được can thiệp, trẻ có thể bị nhiễm trùng, khi đó trẻ sẽ bị sốt và sưng hạch. Nếu bệnh nhân bị sốt cao, kèm các triệu chứng toàn thân nặng, thì cần theo dõi xem có biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch hay không.

Ngoài ra, vi khuẩn có thể đi theo đường máu gây viêm nhiễm ở van tim, khớp, phủ tạng, thận, các xương dài…

Vậy nên, nếu xuất hiện quá nhiều nhọt vào cùng một thời điểm, xuất hiện cả cụm nhọt hoặc có các biểu hiện như: Mụn nhọt mọc trên mặt gây ảnh hưởng tầm nhìn, vùng da bị mụn ngày càng gây đau dữ dội, sốt cao, kích thước mụn nhọt tăng nhanh chóng, nhọt không lành lại sau hơn 2 tuần, mụn nhọt tái phát nhiều lần… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Mùa nóng cảnh giác với nhiễm trùng do nhọt ở trẻ - Ảnh 4.

Nhắc nhở trẻ thói quen rửa tay với xà phòng và nước sạch là biện pháp tốt nhất để trẻ tự bảo vệ bản thân trước các loại vi khuẩn. Ảnh minh hoạ.

Lời khuyên thầy thuốc

Trên thực tế mùa nóng trẻ rất hay bị mụn nhọt, trong đó nhọt dễ bị nhiều hơn. Không có biện pháp phòng bệnh, tuy nhiên có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng nhọt cho trẻ. Cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp như:

– Hướng dẫn, nhắc nhở trẻ thói quen rửa tay với xà phòng và nước sạch. Đây là biện pháp tốt nhất để trẻ tự bảo vệ bản thân trước các loại vi khuẩn.

– Giữ vết thương luôn khô ráo, sạch sẽ. Nếu có các vết trầy xước, vết cắt hoặc vết thương hở trên da, thì hãy giữ vệ sinh các vết thương, đảm bảo sự khô ráo của vết thương cho tới khi lành lại hẳn.

– Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với những người khác. Cụ thể, trẻ không nên dùng chung khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng hoặc vật dụng cá nhân với người khác, vì vi khuẩn có thể lây nhiễm qua các đồ vật này, đi vào cơ thể của trẻ.

– Mùa hè cần cho trẻ chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin A, C, D, E…

Ngoài ra, cho trẻ ngủ đủ, thường xuyên hoạt động, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức để kháng. Khi trẻ bị nhọt cần chú ý vệ sinh thật tốt, nếu cần thì hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thực hiện trị liệu đúng theo lời khuyên của bác sĩ, để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Mời độc giả xem thêm video:

Cách Chăm Sóc Làn Da Dầu Mụn Trong Mùa Hè | SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog