Mùa “săn” giáo trình của sinh viên
Vừa làm quen với phương pháp học tập mới ở giảng đường, tân sinh viên lại bước vào cuộc đua săn giáo trình, tài liệu phục vụ việc học.
- Dàn nam thanh nữ tú xúng xính trong sự kiện chào tân sinh viên “hot” nhất trường Báo
- Chưa hết shock vì “ma trận lừa đảo”, tân sinh viên lại bất lực nhìn giá nhà tăng mức trên trời
- Đón tân sinh viên bằng 13 thứ tiếng khác nhau, “đỉnh” cỡ này chỉ có thể là thầy cô HANU!
Mua nhiều sách cho một môn học
Học kỳ I năm học 2023 – 2024, Lê Thị Thảo Trang, tân sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đăng ký học 5 môn, trong đó đa số thuộc các môn đại cương.
Trang cho biết, giáo trình và tài liệu tham khảo từng môn học được giảng viên giới thiệu tựa sách, nhà xuất bản. Lớp có thể cử đại diện đăng ký mua chung cho tất cả thành viên hoặc sinh viên tự tìm mua ở các hiệu sách.
Với môn Triết học Mác – Lênin, Trang chỉ mua một cuốn giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” vì sách rất đầy đủ, có thể dùng để học các môn Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Riêng môn Pháp luật đại cương, Trang phải tìm thêm sách tham khảo vì kiến thức môn này khá rộng, nhiều bài học cần có văn bản luật.
“Vì môn này có liên quan đến Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự nên em mua thêm các cuốn luật liên quan. Do em học ngành Xã hội nên phải hiểu sâu pháp luật. Sách mua rồi có thể sử dụng lâu dài cho công việc sau này”, Trang chia sẻ.
Ngoài giáo trình phục vụ các môn học, Trang mua thêm một số sách tham khảo chuyên ngành. Tổng số tiền mà nữ sinh dùng mua sách, giáo trình trong học kỳ này là hơn 400 nghìn đồng.
Giống như Trang, Nguyễn Đình Bảo, tân sinh viên ngành luật một trường đại học ở TPHCM cũng dành khoảng 400 nghìn đồng mua sách, giáo trình đầu năm học mới. Ngoài các môn thuộc kiến thức giáo dục đại cương áp dụng chung cho bậc đại học chính quy, học kỳ này Bảo được học 2 môn liên quan đến chuyên ngành là Nhập môn Luật học và Luật Hiến pháp.
Ngoài giáo trình “Đại cương về Nhà nước và Pháp luật”, “Luật Hiến pháp Việt Nam” buộc phải có, Bảo còn mua thêm hàng loạt các sách luật khác về hành chính, tổ chức Chính phủ, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, Tổ chức Chính quyền địa phương…
“Em định hướng chuyên ngành Luật Hiến pháp và Hành chính nên những văn bản luật này rất quan trọng, liên quan đến nhiều môn học sau này. Mình tranh thủ đọc trước thì sau này học chuyên ngành cũng dễ hơn”, tân sinh viên giải thích.
Theo ghi nhận, với mỗi môn học, giảng viên sẽ giới thiệu cho sinh viên từ 1 – 5 tài liệu học tập, trong đó 1 cuốn là giáo trình, còn lại là các sách tham khảo. Thông thường, giáo trình được dùng cho các môn học thường được biên soạn bởi đội ngũ giảng viên uy tín, có thâm niên trong trường. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, sinh viên được giới thiệu các giáo trình của các đơn vị khác do nhà trường hoặc khoa chưa thể tổ chức biên soạn.
“Trên lớp, giảng viên chỉ yêu cầu sinh viên có giáo trình, kết hợp với tập bài giảng được trình chiếu ở mỗi buổi học. Còn tài liệu tham khảo thì không bắt buộc, có thể sử dụng nhiều nguồn. Em thường lên mạng tìm các bản PDF tài liệu để tham khảo những chương, mục mình cần, không cần mua hoặc in ấn rất tốn kém”, Nguyễn Hà, tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho hay.
Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM trong một ngày hội tặng sách, giáo trình tại trường. Ảnh: HCMULAW
Nhiều cách tiết kiệm chi phí
Bên cạnh học phí, sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, khoản chi dành cho giáo trình, tài liệu tham khảo cũng là một gánh nặng không nhỏ với tân sinh viên đầu năm học mới, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, ở nông thôn lên thành phố. Do đó, nhiều cách tiết kiệm trong việc sử dụng giáo trình được tân sinh viên tận dụng tối đa.
Với Vũ Thị Nhung, tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, săn giáo trình cũ là cách tiết kiệm nhất. Nhung kể, với môn học Kinh tế vi mô ở học kỳ đầu tiên, sinh viên phải học theo giáo trình “Kinh tế vi mô” của tác giả N. Gregory Mankiw do trường dịch thuật, xuất bản bởi Cengage Learning.
Bản sách gốc có giá khá đắt, hơn 280 nghìn đồng và cũng rất khó mua vì nhiều nhà sách báo hết hàng. Do đó, Nhung dành cả buổi săn lùng ở các tiệm sách cũ để mua được cuốn sách với giá hơn 130 nghìn đồng.
“Quả thật không phí công vì giáo trình này viết rất dễ hiểu, lôi cuốn, các khái niệm được định nghĩa rõ ràng, có nhiều ví dụ sinh động, thực tế, rất hữu ích cho dân học kinh doanh như em”, Nhung nói.
Mua giáo trình, sách cũ cũng là cách được nhiều sinh viên áp dụng, nhất là những ngành sử dụng giáo trình thường có nguồn gốc ở nước ngoài như công nghệ, kỹ thuật, y dược…
Bên cạnh đó, sử dụng giáo trình photo cũng là cách giúp sinh viên tiết kiệm chi phí mua sách. Giáo trình dạng này thường được bày bán ở các tiệm photocopy gần các trường. Giáo trình photo thường là những cuốn sách không còn xuất bản, khan hiếm bản gốc hoặc các môn đại cương dùng cho các trường đại học.
“Chỉ cần nói tên môn học, khoa hoặc trường gì là chúng tôi sẽ đưa đúng sách thôi. Tùy độ dày mỏng mà giáo trình chỉ 30 – 40 nghìn đồng. Dùng để học thôi mà, nên bản gốc hay photo cũng đâu quan trọng gì, nội dung như nhau”, anh T., chủ một tiệm photocopy ở Quận 5, TPHCM nói.
Quan sát cho thấy tiệm photocopy ở gần Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TPHCM rất đông sinh viên nên anh T. bán giáo trình photo khá chạy, đặc biệt các môn đại cương.
Ở những trường quy định cấm sử dụng tài liệu photocopy trong quá trình học hoặc mang vào phòng thi (dạng đề mở), song vẫn không muốn mua giáo trình gốc để tiết kiệm chi phí, nhiều tân sinh viên tìm mượn sách ở thư viện hoặc mượn sinh viên khóa trước.
“Học kỳ này em không tốn tiền mua giáo trình vì em mượn thư viện trường và thư viện trung tâm Đại học Quốc gia TPHCM. Khi nào gần hết hạn thì gia hạn để mượn tiếp, hoàn thành xong môn học thì gửi lại thư viện”, Võ Hoàng Nhân, sinh viên một trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM ở TP Thủ Đức nói.