Nam sinh mất tích trước giờ thi, mọi người khuyên gia đình xem lại cách giáo dục con
Ai là người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ? Đó phải là cha mẹ – những người ngày đêm đồng hành cùng con.
- Ngày đầu tiên của kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới
- Các thủ khoa “khủng” nhất của kỳ thi ĐH khốc liệt nhất thế giới: Người làm ở viện nghiên cứu, người bị CĐM “quay lưng” nhưng tất cả đều có 1 điểm chung!
- Từ bài văn đạt điểm tuyệt đối tại kỳ thi khốc liệt nhất Trung Quốc đến thông điệp gửi tới toàn thể các bậc phụ huynh: “Xin cho con một lần được sống là chính mình”
Trong 2 ngày 7-8/6 vừa qua, tại Trung Quốc đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học Cao khảo. Đây được xem là kỳ thi quy mô lớn và quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời Cao khảo cũng được đánh giá là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới.
Để có thể đỗ được vào các trường đại học top đầu, các sĩ tử phải ôn thi vô cùng nghiêm túc, căng thẳng. Thậm chí từng có hình ảnh chụp lại cảnh một em học sinh vừa truyền nước vừa ôn bài, hay từng có chuyện nữ sinh uống thuốc để làm chậm kỳ kinh nguyệt, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi,… Nói chung, ý thức chuẩn bị và tinh thần quyết tâm của sĩ tử cho kỳ thi này đều ở mức cao nhất. Phía phụ huynh và giáo viên cũng sát cánh để đồng hành, hỗ trợ cho sĩ tử hết mức có thể.
Tuy nhiên, một câu chuyện xảy ra trong kỳ thi Cao khảo năm nay đã khiến dư luận nước này được phen bàn tán xôn xao. Theo đó, trước giờ thi môn Toán vào chiều 7/6, một thí sinh bỗng dưng mất tích không liên lạc được. Điện thoại gọi nhiều cuộc nhưng không ai nghe máy.
Sau khi người nhà tìm kiếm mới phát hiện ra, nam sinh này trong giờ nghỉ trưa đã đi uống rượu và ngủ quên trong nhà nghỉ. Tất nhiên em này đã không thể tham dự buổi thi môn Toán vào buổi chiều.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người bức xúc, đó là phụ huynh của nam sinh đã đứng trước cổng trường, chửi mắng thậm tệ giáo viên. Họ đổ lỗi cho giáo viên vô trách nhiệm, không quan tâm, không quán xuyến sát sao học sinh và đe dọa sẽ làm đơn khiếu nại với nhà trường. Trước những lời chỉ trích từ phụ huynh, giáo viên chỉ biết đứng im chịu trận rồi rời đi.
Câu chuyện khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến rất nhiều người bức xúc. Phần lớn cư dân mạng đều để lại ý kiến như: “Con của mình sinh ra, không quản giáo kỹ lưỡng lại đổ cho giáo viên. Thế tại sao các người không quản được con mình, đã 18 tuổi, lớn rồi chứ nào phải con nít? Chẳng nhẽ không biết kỳ thi đại học quan trọng như nào sao?”.
Một số cư dân mạng lại chỉ ra hành động “đi uống rượu” hoàn toàn không phù hợp với học sinh, nhất là khi em này đang phải tham gia kỳ thi đại học căng thẳng. “Kể cả em này không ngủ quên thì với đầu óc mơ hồ vì rượu còn có thể làm được bài tốt hay sao?”, một cư dân mạng viết.
Giáo viên có phải chịu trách nhiệm không? Theo quan điểm của nhiều cư dân mạng, điều nào tùy thuộc vào từng tình huống. Nếu học sinh đi dự thi cùng với giáo viên thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng nếu học sinh tự ý bỏ đi một mình thì không thể trách giáo viên.
Nói về vụ việc hy hữu này, báo chí Trung Quốc nhận định: “Ai là người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ? Đó phải là cha mẹ – những người ngày đêm đồng hành cùng con.
Hành vi của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con cái. Nhiều cha mẹ quy vấn đề giáo dục cho nhà trường và thầy cô. Khách quan mà nói nhà trường, thầy cô chỉ có thể gánh một phần trách nhiệm, còn phần lớn trách nhiệm thuộc về cha mẹ. Một đứa trẻ trong kỳ thi đại học mà vẫn dám uống say thì cha mẹ cần phải nhìn lại cách giáo dục của mình!”.
Tất nhiên giáo viên cũng có lỗi khi chưa sát sao hơn với học sinh nhưng trong trường hợp này, thay vì đứng trước cổng trường mắng mỏ, chỉ trích giáo viên thì cha mẹ đến nhà nghỉ đón con về nhà để khiển trách và tự ngẫm lại bản thân, về cách giáo dục của mình.
Báo chí Trung Quốc cũng nhận định, một đứa trẻ vô kỷ luật như vậy, dù có thi đỗ trường tốt thì tương lai cũng chẳng đáng kỳ vọng.