Nếu bố và mẹ có tính cách này, con sẽ thành công hơn
Có thể thấy, vấn đề phổ biến của mô hình nuôi dạy con kiểu “mẹ yêu thương, cha nghiêm khắc” sẽ là mẹ có địa vị thấp và cha có địa vị cao.
- Tuổi thơ từng trải qua bi kịch, nữ diễn viên này vẫn dạy con quá hay, đặc biệt là cách dạy con “nhìn người”
- Bố mẹ ở nhà ăn cơm trắng với rau, con ra ngoài đãi bạn ăn linh đình, đây là kiểu nuôi dạy con tai hại nhất
- Vua dầu mỏ Mỹ dạy con 2 điều để trở thành người dẫn đầu giá trị hơn cả thừa kế cả tỷ USD
Giáo dục gia đình có ảnh hưởng rất quan trọng tới quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân. Hầu như những khía cạnh quan trọng trong cuộc đời một người đều được bồi đắp, hình thành từ gia đình. Ngày nay, không có chuyện trách nhiệm dạy dỗ, nuôi nấng con cái chỉ đổ dồn lên bố hoặc mẹ mà phải cân bằng, như vậy mới giúp con cái phát triển toàn diện.
Dù vậy giữa bố và mẹ vẫn có sự phân công, chịu trách nhiệm khác nhau trong quá trình nuôi dạy con cái. Chẳng hạn, trong một gia đình, nếu người bố đóng vai nghiêm khắc thì người mẹ sẽ đóng vai dịu dàng, vỗ về con. Đây cũng là quan niệm truyền thống “khắc sâu” trong suy nghĩ của nhiều người.
Bố thì phải lạnh lùng, cứng rắn, còn mẹ thì ngược lại. Tuy nhiên quan niệm này liệu có đúng?
Giáo sư Lý Mai Cẩn, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Nuôi dạy con và Tâm lý tội phạm, hiện công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc cũng từng chia sẻ về vấn đề này. Sau khi sinh con, bà Lý từng quyết tâm làm một người mẹ hiền, dịu dàng, không nóng nảy với con.
Giáo sư Lý Mai Cẩn.
Nhưng sau đó, nữ giáo sư nhận ra, bà càng dịu dàng thì đứa trẻ càng chống đối. Tuy nhiên, con bà không dám quậy phá trước mặt bố vì ông nghiêm khắc. Sau khi con bà Lý bước vào độ tuổi thiếu niên, tính cách ngỗ nghịch càng lộ rõ, ngay cả bố cũng không kiềm chế được mà phải đánh đòn. Lúc này, bà Lý không nỡ và bênh con nhưng bị chồng trách móc: “Con thành ra thế này cũng do bà đấy”.
Bà Lý lúc này nhận ra, chính vì sự dịu dàng và nuông chiều của mình mà khiến con trở nên ngang ngược.
Trong hầu hết các gia đình, bố sẽ là trụ cột, ra ngoài chăm chỉ kiếm tiền, phấn đấu sự nghiệp, còn mẹ là người quán xuyến nhà cửa, chăm nom con cái. Lúc này, con cái sẽ trở nên gần gũi với mẹ hơn và thông thường đứa trẻ càng gần gũi với ai thì càng dễ nổi nóng với người đó. Bạn có thể dễ dàng thấy tình cảnh người mẹ quát mỏi miệng nhưng con vẫn ngậm cơm trong miệng, vừa ngậm cơm vừa xem TV nhưng chỉ cần thấy bố về là trẻ bỗng ngoan ngoãn lạ thường. Hoặc nhiều khi mẹ chỉ dọa “Ăn nhanh không bố về” là trẻ cũng tự sợ.
Có thể thấy, vấn đề phổ biến của mô hình nuôi dạy con kiểu “mẹ yêu thương, cha nghiêm khắc” sẽ là mẹ có địa vị thấp và cha có địa vị cao. Tất cả là do trong giáo dục gia đình “thiếu vắng cha”, mẹ phải dành cho con quá nhiều sự quan tâm và nhiệt tình, dẫn đến cách con cái đối xử với cha mẹ có sự khác biệt. Điều này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Tuy nhiên, khi người cha thờ ơ với việc giáo dục con cái, không còn chút kiên nhẫn và dịu dàng nào với con thì áp lực cuộc sống quá lớn cũng sẽ buộc “người mẹ yêu thương” trở thành “người mẹ nghiêm khắc”.
Nếu lớn lên trong một gia đình “mẹ nghiêm khắc, cha nghiêm khắc” như vậy, con bạn sẽ trở nên nhút nhát và rụt rè, bề ngoài có vẻ ngoan ngoãn, nhưng những nhân tố nổi loạn bị kìm nén trong lòng một ngày nào đó sẽ bùng phát dưới những hình thức cực đoan.
“Cha yêu thương, mẹ nghiêm khắc”, mô hình giáo dục có lợi hơn cả
Từ chính kinh nghiệm của bản thân và quan sát những gia đình khác, giáo sư Lý Mai Cẩn cho rằng, mô hình nuôi dạy “cha yêu thương, mẹ nghiêm khắc” sẽ có lợi cho con hơn cả. Hình ảnh người cha trong gia đình luôn quyền lực, là trụ cột chống đỡ cho cả gia đình, cho con cái cảm giác an toàn, vững chắc. Nói chung, những lời người cha nói có sức nặng hơn trong lòng đứa trẻ.
So với cảm giác xa cách và áp bức mà một “người cha nghiêm khắc” mang lại cho con cái, một “người cha yêu thương” không chỉ có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai cha con mà còn khiến mối quan hệ cha con vui vẻ, hòa thuận hơn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa một “người cha yêu thương” và một “người cha nghiêm khắc” là họ dành nhiều thời gian cho con cái và hiểu chúng hơn. Về vấn đề giáo dục trẻ em, không phải là bắt trẻ ngoan ngoãn nghe lời một cách mù quáng mà phải dạy dỗ một cách kiên nhẫn từ góc độ của trẻ.
Trong khi đó, nếu mẹ quá dịu dàng sẽ không thể dạy dỗ con tốt. Còn nếu mẹ mềm lòng quá sẽ bị con “dắt mũi”. Bên cạnh đó, người mẹ phải sẵn sàng buông bỏ khi cần, đừng lúc nào cũng chăm bẵm, làm hộ con mọi việc, nếu không đứa trẻ sẽ bị phụ thuộc nặng nề và không thể học cách tự lập. Mẹ cũng phải đặt ra những quy tắc tốt cho đứa trẻ, để trẻ biết rằng, không phải muốn làm gì cũng được!
Nhìn chung, dù là mô hình “mẹ yêu thương, cha nghiêm khắc” hay “mẹ nghiêm khắc, cha yêu thương” thì đều có ưu nhược điểm. Thời gian trôi qua, trẻ em ngày càng sợ hãi bên nghiêm khắc và gần gũi với bên hiền lành. Đồng thời, đứa trẻ cũng “rụt rè và xa lánh” trước cha/mẹ nghiêm khắc, nhưng “độc đoán” trước cha/mẹ dịu dàng.
Cha mẹ nên áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp với tính cách của con mình. Sự tử tế và nghiêm khắc phù hợp là điều tốt cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ quá mềm lòng hoặc quá mạnh mẽ sẽ dẫn đến những tính cách xấu, thói hư tật xấu ở trẻ.
Vì vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải có chung lập trường, không nên để một người quá nghiêm khắc còn người kia lúc nào cũng chăm chăm bảo vệ con. Bù đắp và hợp tác với nhau sẽ mang đến cho trẻ một nền giáo dục gia đình lý tưởng nhất.